Bảo hiểm Agribank - Điểm tựa vững chắc sau thiên tai

10:47' - 23/07/2025
BNEWS Phát triển bancassurance không chỉ là nhiệm vụ của Agribank hay ABIC, mà còn là trách nhiệm với nông dân, khách hàng và nền kinh tế nói chung.

Gần một năm sau khi siêu bão Yagi tàn phá, để lại tổn thất kinh tế nặng nề, nhiều doanh nghiệp tại Hải Phòng vẫn đang oằn mình trên hành trình hồi phục. Sau bão nhiều doanh nghiệp kiên cường đứng dậy và nay đã khôi phục sản xuất gần như hoàn toàn. Phía sau câu chuyện kiên cường đó của doanh nghiệp là sự hỗ trợ kịp thời của Bảo hiểm ABIC - Công ty cổ phần Bảo hiểm Agribank.

Nghĩa cử của những người bạn

“Sau bão, trong đầu tôi là hai từ “phá sản”. Lần hồi gượng dậy, tôi cũng nghĩ ít nhất phải mất 5 năm mới có thể có lại những gì đã mất. Vậy mà chỉ sau 4 tháng chúng tôi đã khôi phục được 50% công suất và sau chỉ sau 1 năm, chúng tôi đã trở lại như ngày hôm nay. Sự hồi phục kỳ diệu này có đóng góp không nhỏ của Bảo hiểm ABIC” - dẫn chúng tôi đi thăm nhà máy, ông Ngô Minh Phương - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Việt Trường vẫn còn nguyên xúc cảm khi nhớ lại khoảnh khắc bão Yagi đổ bộ vào tháng 9/2024 cuốn phăng cơ ngơi của một trong những doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản mạnh của Hải Phòng. 

Tháng 9 năm 2024, siêu bão Yagi đổ bộ vào nước ta, là cơn bão mạnh nhất trên đất liền trong 70 năm qua. Trong “tâm bão” Hải Phòng - Quảng Ninh, Công ty TNHH Việt Trường là một trong những doanh nghiệp gánh chịu thiệt hại nặng nề. Cơn bão đã khiến toàn bộ khu Nhà máy số 3 ở Đồ Sơn - khu vực ngoài đê - là nơi thiệt hại nặng nhất: tốc mái 3/5 xưởng, mất điện hoàn toàn trong 7 ngày, mất nước sinh hoạt, toàn bộ hệ thống sản xuất, kho lạnh bị tê liệt, hàng hóa bị hư hỏng nặng do nước tràn vào. Toàn bộ mấy trăm lao động và ban lãnh đạo không có cơm để ăn, phải ăn mì tôm… Không chỉ mất tài sản cố định, Công ty Việt Trường còn bị một số khách hàng hủy đơn vì nghi ngại tiến độ giao hàng và chất lượng sản phẩm.

Ngay trong những ngày đầu tiên sau bão, ABIC là đối tác bảo hiểm đầu tiên “đến thăm” Công ty TNHH Việt Trường. Chia sẻ về buổi tiếp đoàn cán bộ ABIC trong khung cảnh tan hoang sau bão và nhận 2 tỷ đồng tạm ứng đầu tiên khi còn chưa tính toán thiệt hại thế nào, ông Ngô Minh Phương vẫn không khỏi bùi ngùi xúc động.

“Đối với chúng tôi, đó thực sự là nghĩa cử của những người bạn, những người đồng hành”, ông Phương nhấn mạnh. 

“Chúng tôi có mua gói bảo hiểm tài sản tại ABIC với phí 30 triệu đồng, mức trách nhiệm lên tới 80 tỷ đồng. Ngay hôm sau bão, cán bộ ABIC đã tới hiện trường, khảo sát thiệt hại, hỗ trợ tạm ứng 2 tỷ đồng, sau đó là thêm 8 tỷ đồng nữa. Thái độ làm việc chuyên nghiệp, nhanh chóng và cực kỳ nhân văn. Khoản tạm ứng trong tuần đầu tiên này thực sự là “một miếng khi đói bằng một gói khi no” vì đã giúp chúng tôi có kinh phí lợp lại mái tôn tạm, sửa chữa điện để công nhân có chỗ làm việc an toàn. Tiếp đó là đợt tạm ứng lần thứ hai trị giá 8 tỷ đồng. Đây thực sự là nguồn tài chính hỗ trợ rất kịp thời nhằm "tiếp máu" cho công ty, giúp chúng tôi có nguồn lực để từng bước khắc phục khó khăn”.

“Lúc đó không chỉ Việt Trường bị ảnh hưởng mà cả Hải Phòng và Quảng Ninh đều tan hoang. Nhưng ABIC vẫn cử cán bộ theo sát từng ngày, từng bước cùng chúng tôi làm việc. Đó là điều mà chúng tôi không bao giờ quên. Hiện chúng tôi đã nhận được toàn bộ số tiền bồi thường về hàng hóa trị giá hơn 22 tỷ đồng, phần bồi thường về tài sản được ABIC tạm ứng trước một nửa, còn một nửa nữa sẽ hoàn tất ngay sau khi hai bên hoàn tất hồ sơ”, ông Phương chia sẻ.

Ông Vũ Hồng Sơn, Giám đốc Ban Giám định Bồi thường của ABIC cho biết, đối với thiên tai, ngành thủy sản tổn thất về tài sản cố định và hàng hóa đều rất nặng, phức tạp và khó giám định. Đặc thù của ngành thủy sản là hàng hóa có thể hư hỏng nhưng không thể kết luận hỏng bao nhiêu % chỉ bằng mắt thường. Do đó, ABIC đã phối hợp cùng doanh nghiệp tổ chức giám định, lấy mẫu kiểm nghiệm, xác định chất lượng suy giảm, xử lý hàng tồn trong điều kiện khắt khe của pháp luật. Đặc biệt, do giá trị tổn thất lớn nên cần đảm bảo thủ tục chào thầu, tránh sai sót sau này khi cơ quan kiểm toán, thanh tra rà soát. Mặc dù vậy, ABIC cũng áp dụng nhiều "cơ chế mở", tiết giảm tối đa các thủ tục hành chính, linh hoạt trong việc thu thập hồ sơ chứng từ để rút ngắn thời gian xử lý.

“ABIC dự kiến tổng chi bồi thường cho 536 khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi sẽ lên đến 177 tỷ đồng, trong đó Việt Trường là một trong những hồ sơ lớn và tiêu biểu nhất” - ông Sơn cho biết.

Xây dựng hệ sinh thái tài chính toàn diện, bền vững

Không chỉ bảo hiểm, mà ngân hàng Agribank - đối tác tín dụng lâu năm của Việt Trường - cũng kịp thời hành động để “giải cứu” dòng vốn cho doanh nghiệp. Việt Trường hiện có tổng dư nợ hơn 200 tỷ đồng tại Agribank, gồm cả vay lưu động và trung hạn. Chính nhờ những trợ lực từ phía ngân hàng Agribank và ABIC như vậy, Công ty Việt Trường đã từng bước phục hồi và đến nay, hoạt động của nhà máy đã trở lại gần như 100%. Doanh thu đã đạt 70-80% so cùng kỳ năm trước với hơn 180 lao động trở lại làm việc thường xuyên. Đặc biệt, bên cạnh vẫn giữ chân được các đối tác bạn hàng chủ chốt, Công ty Việt Trường còn nhanh chóng tái cấu trúc tài chính cũng như phát triển thêm các mặt hàng mới xuất khẩu sang thị trường Mỹ và đang xúc tiến thị trường Trung Đông.

Bà Trịnh Thị Thơ - Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Hải Phòng - chia sẻ: “Ngay sau bão, chúng tôi đã rà soát tình hình thiệt hại của doanh nghiệp, triển khai các gói hỗ trợ như giảm lãi suất, cơ cấu lại khoản vay trung và dài hạn. Mục tiêu là đảm bảo không để dòng tiền bị đứt đoạn, doanh nghiệp vẫn trả lương, duy trì sản xuất và có vốn phục hồi.”

Theo bà Trịnh Thị Thơ, vai trò của bảo hiểm trong quản trị tài chính doanh nghiệp ngày càng rõ rệt. Khi gắn bảo hiểm tài sản và bảo hiểm tín dụng với các khoản vay, ngân hàng không chỉ bảo vệ khoản tín dụng của mình mà còn tạo ra một "màng chắn rủi ro" cho khách hàng.

“Bảo hiểm không đơn thuần là sản phẩm tài chính - đó là giải pháp quản trị rủi ro hiệu quả nhất trong bối cảnh thiên tai ngày càng khó lường. Khách hàng được bảo vệ, ngân hàng yên tâm giải ngân - đó là công thức bền vững.”

Từ vụ việc của Việt Trường, một bài học lớn được rút ra: sự kết hợp giữa ngân hàng và bảo hiểm - bancassurance - là cứu cánh hiệu quả giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng. 

Về phía ABIC, ông Vũ Hồng Sơn chia sẻ thêm: “Việt Trường là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của việc có bảo hiểm kịp thời và đầy đủ. Chúng tôi kỳ vọng sẽ mở rộng kênh phân phối bảo hiểm thông qua các chi nhánh Agribank trên cả nước, đặc biệt tại vùng nông nghiệp - thủy sản,  nơi rủi ro thiên tai là thường trực để giúp các khách hàng đảm bảo sản xuất trong mọi điều kiện”

Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Ngô Minh Phương nhìn nhận sâu sắc hơn sau cơn bão: "Sau vụ việc này tôi thấy bảo hiểm là cực kỳ cần thiết, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản thường xuyên đối mặt với thiên tai, dịch bệnh và nhiều rủi ro khác nữa. Nếu có bảo hiểm thì bà con nông dân, doanh nghiệp sản xuất chế biến yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất, khi chẳng may xảy ra rủi ro có bảo hiểm chi trả và gánh vác một phần nên tổn thất cho doanh nghiệp và bà con sẽ được bù đắp, từ đó khôi phục lại sản xuất kinh doanh tốt hơn, có tiền trả ngân hàng, không bị nợ xấu. Doanh nghiệp và người dân không bị lâm vào đường cùng, phá sản. Tôi nghĩ cần đẩy mạnh các sản phẩm dịch vụ bảo hiểm tới doanh nghiệp và bà con nông dân".

Trên thực tế, phát triển bancassurance (phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng) được xác định là một trong ba trụ cột chiến lược trong hành trình xây dựng hệ sinh thái tài chính toàn diện của Agribank. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank Tô Huy Vũ chia sẻ: Phát triển bancassurance không chỉ là nhiệm vụ của Agribank hay ABIC, mà còn là trách nhiệm với nông dân, khách hàng và nền kinh tế nói chung.

Hiện có hơn 2 triệu khách hàng Agribank tham gia Bảo an tín dụng của ABIC. Tổng số tiền ABIC chi trả bồi thường năm 2024 lên đến 762 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2007 đến nay là 6.844 tỷ đồng.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, thiên tai trở nên khó lường, vai trò của bảo hiểm ngày càng trở nên quan trọng. Đó không chỉ là sự chi trả về vật chất, mà còn là sự đồng hành, chia sẻ và cam kết trách nhiệm, giúp doanh nghiệp vững tâm vượt qua giông bão, tiếp tục phát triển bền vững.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục