Bạo loạn gây tổn thất lớn đối với nền kinh tế Pháp

11:56' - 05/07/2023
BNEWS Ông Geoffroy Roux de Bezieux, người đứng đầu tổ chức giới chủ Medef ước tính thiệt hại kinh tế của cuộc bạo loạn lần này đã lên đến “hơn 1 tỷ euro, chưa kể thiệt hại với ngành du lịch”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 4/7 cho biết đỉnh điểm của cuộc bạo loạn tại nước này đã qua đi. Nhưng cộng đồng những người kinh doanh ở Pháp đang phải đối mặt với những tổn thất lớn về kinh tế.

Trả lời phỏng vấn nhật báo Parisien mới đây, ông Geoffroy Roux de Bezieux, người đứng đầu tổ chức giới chủ Medef ước tính thiệt hại kinh tế của cuộc bạo loạn lần này đã lên đến “hơn 1 tỷ euro, chưa kể thiệt hại với ngành du lịch”. Ông cho biết tình hình này còn làm xấu đi hình ảnh của nước Pháp, và cảnh báo các nhà đầu tư nước ngoài có thể hủy các dự án đầu tư tại nước này.

 

Tính đến ngày 4/7, Chính phủ Pháp đã ghi nhận các vụ tấn công vào 10 trung tâm thương mại, 200 siêu thị, 60 cửa hàng đồ thể thao, gần 440 cửa hàng thuốc lá và 370 chi nhánh ngân hàng kể từ ngày 27/6.

Bạo động tại Pháp gây sụt giảm lượng khách du lịch quốc tế. Ngày 2/7, ông Jean-François Rial, Giám đốc Cơ quan Du lịch khẳng định rằng các vụ bạo động gần đây đã khiến hàng loạt du khách nước ngoài, đặc biệt là du khách Mỹ, hủy các đơn đặt phòng trong các kỳ nghỉ tới đây.

Tại Paris và phạm vi toàn quốc, đầu tháng 7/2023, đã có khoảng 20-25% khách hàng quốc tế hủy phòng đã đặt. Có khả năng tình hình sẽ xấu như hồi năm 2005 khi có đến 30% phòng đặt trước bị hủy.

Trong bối cảnh nhiều chủ cửa hàng đang phàn nàn về khả năng phá sản sau các cuộc tấn công, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire đã cam kết chính phủ sẽ có chính sách hỗ trợ cho từng trường hợp, như miễn thuế và các khoản chi phí xã hội cho những người kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ông cũng hối thúc các công ty bảo hiểm và ngân hàng cùng “chung tay” giúp đỡ.

Chủ tịch France Assureurs, bà Florence Lustman, cho biết các công ty bảo hiểm đã nhận được 5.800 đơn yêu cầu, với giá trị bảo hiểm ít nhất 280 triệu euro, cao hơn nhiều so với mức 204 triệu euro sau cuộc bạo loạn kéo dài ba tuần tại Pháp vào năm 2005.

Trong bối cảnh bạo loạn như vậy, kể cả khi chính phủ kỳ vọng tình hình sẽ sớm trở lại bình thường, các công ty cung cấp dịch vụ an ninh và bảo vệ đang phải bổ sung nhân sự để đáp ứng nhu cầu đang tăng mạnh. Giám đốc công ty an ninh Aetos, ông Faddeoui, cho biết có những công ty đã tăng gấp đôi, gấp ba nhân viên bảo vệ. Ông cho biết thêm lĩnh vực này đang cực kỳ căng thẳng, khi cần thêm khoảng 20.000-22.000 nhân viên bảo vệ.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng cũng bị ảnh hưởng nặng nề trong cuộc bạo loạn. Ngày 3/7, giới chức Pháp cho biết tình trạng bạo loạn kéo dài sáu ngày qua đã gây thiệt hại khoảng 20 triệu euro cho giao thông công cộng ở khu vực Paris. Trong một tuyên bố, cơ quan quản lý mạng lưới giao thông khu vực Ile-de-France cho hay “các xe buýt và một đường xe điện bị cháy, hai đường xe điện bị hư hại và cơ sở hạ tầng đô thị bị phá hủy”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục