Bấp bênh tương lai ngành tài chính Anh hậu Brexit

17:11' - 07/01/2021
BNEWS Sau tiến trình Brexit (Anh rời khỏi EU), tương lai lĩnh vực dịch vụ tài chính chủ chốt của Anh vẫn chưa chắc chắn trước thềm các cuộc đàm phán song phương sắp tới.

Mặc dù Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận thương mại tự do sau tiến trình Brexit (Anh rời khỏi EU), tương lai lĩnh vực dịch vụ tài chính chủ chốt của Anh vẫn chưa chắc chắn trước thềm các cuộc đàm phán song phương sắp tới.

Với thỏa thuận được nhất trí vào đêm Giáng sinh 24/12/2020 và Anh chính thức "chia tay" EU vào ngày 31/12/2020, London đã rời khỏi thị trường chung và liên minh thuế quan của khối kể từ ngày 1/1/2021.

Tuy nhiên, thỏa thuận hậu Brexit dài 1.200 trang giữa Anh và EU lại đề cập rất ít tới lĩnh vực dịch vụ tài chính, vốn mỗi năm đóng góp khoảng 150 tỷ bảng Anh (tương đương 204 tỷ USD) hoặc 7% sản lượng kinh tế hằng năm của Vương quốc Anh.

Trên thực tế, lĩnh vực tài chính rộng lớn hơn cả lĩnh vực đánh bắt cá, vấn đề vốn quan trọng về mặt chính trị đối với Anh và là khúc mắc chính dẫn đến việc trì hoãn ký kết thỏa thuận thương mại hậu Brexit.

Lĩnh vực đánh bắt cá đóng góp chưa tới 0,1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Vương quốc Anh.

Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia Simon Gleeson thuộc công ty luật Clifford Chance cho biết: "Thỏa thuận (thương mại) này là một điểm khởi đầu.

Chúng ta còn nhiều tháng nữa mới đến đích". Hiện Anh và EU đang hướng tới mục tiêu ký biên bản ghi nhớ về dịch vụ tài chính trong tháng 3 tới, qua đó thiết lập một lộ trình hợp tác mới.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey vẫn lạc quan trong đàm phán về chế độ "tương đương" để giúp các quy định trở nên tương thích và qua đó duy trì tính ổn định của một số dịch vụ tài chính nhất định.

Phát biểu trong một phiên điều trần của Quốc hội Anh ngày 6/1, ông Andrew Bailey cho biết: "Chúng tôi đã nghiên cứu về những vấn đề này trong một thời gian dài. Chúng tôi có mối quan hệ bền chặt với các đối tác ở EU... và quan điểm chung của chúng tôi là giữ nguyên hiện trạng như vậy vì điều đó có lợi cho cả hai bên".

Từ ngày 1/1/2021, lĩnh vực tài chính của Vương quốc Anh bị mất quyền tiếp cận các thị trường đơn lẻ và "hộ chiếu" vào châu Âu - một công cụ cho phép các sản phẩm và dịch vụ tài chính của Anh được bán ở EU.

Khả năng để lĩnh vực tài chính của Anh duy trì kinh doanh trong khối EU hiện đang phụ thuộc vào việc đạt được quy chế tương đương trong 59 lĩnh vực cụ thể.

Hiện London đã cấp quy chế tương đương cho các công ty tài chính có trụ sở tại EU trong một số lĩnh vực.

Ở chiều ngược lại, EU mới chỉ cấp cho các công ty tài chính có trụ sở tại Vương quốc Anh quy chế tương đương trong hai lĩnh vực.

EU vẫn lo ngại rằng sự khác biệt có thể khiến các công ty Anh trở thành mối đe dọa đối với lĩnh vực dịch vụ tài chính của chính EU.

Theo chuyên gia Simon Gleeson: "Những gì Brussels muốn là một cam kết chính thức từ Vương quốc Anh là điều chỉnh phù hợp với quy định của EU. Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy các công ty có trụ sở tại London  từ chối kinh doanh với châu Âu. Hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận trong vòng bốn tháng là chưa đủ".

Ủy ban châu Âu (EC) tỏ ra "không mấy vội vàng" khi đang xem xét các đề nghị về quy chế tương đương đối với 28 lĩnh vực cụ thể.

Thủ tướng Anh Boris Johnson dường như sẵn sàng đồng ý một thỏa thuận liên kết, nhưng không muốn áp dụng quy tắc quản lý đồng nhất của EU vì những lý do chính trị.

Trong khi đó, các công ty tài chính của Anh đã chuẩn bị cơ sở đề phòng trường hợp giao dịch với EU sụt giảm mạnh. Theo ông Andrew Bailey, cho đến nay, có tới 7.000 việc làm đã dịch chuyển từ London (Anh) đến các trung tâm tài chính cạnh tranh khác như Amsterdam (Hà Lan), Dublin (Ireland), Frankfurt (Đức) và Paris (Pháp).

Tuy nhiên, con số đó vẫn còn ít hơn nhiều so với suy đoán của giới truyền thông là Anh sẽ mất tới 50.000 việc làm trong lĩnh vực tài chính./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục