Bất cập trong kiểm tra kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật

14:34' - 01/11/2018
BNEWS Tìm kiếm các giải pháp, kiến nghị cải cách thủ tục kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, song vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước.
Hội thảo “Rà soát, đánh giá chất lượng các quy định về điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn: Vấn đề kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật và kiến nghị chính sách”. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Ngày 1/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Chương trình Aus4Reform tổ chức hội thảo “Rà soát, đánh giá chất lượng các quy định về điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn: Vấn đề kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật và kiến nghị chính sách” nhằm trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan đến kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật. Từ đó, tìm kiếm các giải pháp, kiến nghị cải cách thủ tục kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, song vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước.
Tại hội thảo, đại diện Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã giới thiệu 2 Dự thảo: Thông tư sửa đổi một số điều của Thông tư số 25/2016/TT- BNNPTNT ngày 30/6/2016 về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn và Thông tư sửa đổi một số điều của Thông tư 26/2016/TT- BNNPTNT ngày 30/6/2016 về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thuỷ sản.
Trên thực tế, hiện tại các sản phẩm thực phẩm chứa sản phẩm có nguồn gốc từ động vật nhập khẩu vào Việt Nam, mặc dù đã có giấy chứng nhận y tế của nước xuất khẩu, đều phải kiểm dịch 100% thì mới được thông quan theo các Thông tư 25/2016 và Thông tư số 24/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bất kể động vật tươi sống hay đã qua chế biến, hay chỉ chứa một thành phần có nguồn gốc động vật như đạm sữa, đường lactose… Với quy định, một cái bánh quy hay một gói cà phê sữa trong thành phần có chứa sản phẩm dinh dưỡng y tế vốn dĩ rất an toàn vì đã qua xử lý nhiệt và chỉ chứa một lượng nhỏ đạm chiết suất từ sữa (Casein) vẫn phải kiểm dịch động vật.
Hơn nữa, việc kiểm dịch động vật các sản phẩm đã qua chế biến chỉ là kiểm tra một vài vi sinh vật như: entorebacteria hay salmonella, đây là kiểm tra an toàn chứ không phải là kiểm dịch. Việc kiểm tra “dàn hàng ngang” 100% không dựa theo nguyên tắc quản lý rủi ro và thông lệ quốc tế đang gây ra nhiều bất cập - vướng mắc cho cả cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp.
Đại diện Phòng thương mại và Công nghiệp châu Âu (EuroCham) hoan nghênh Dự thảo sửa đổi Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT đã có một tiến bộ là quản lý theo rủi ro khi chia ra các mặt hàng nguy cơ cao và nguy cơ thấp để có tần suất kiểm tra khác nhau. Tuy nhiên, danh mục sản phẩm nguy cơ cao và nguy cơ thấp cần được làm rõ ràng.
Trong dự thảo, sữa tươi nguyên liệu được xếp vào nhóm nguy cơ cao nhưng lại chưa thấy có sữa bột nguyên liệu, hay “sữa đã qua chế biến” được xếp vào nhóm nguy cơ thấp nhưng không rõ là thuộc mã HS nào.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra 1 trong 5 lô với nhóm có nguy cơ thấp là một bước tiến về quản lý rủi ro, tuy nhiên nên cải tiến hơn nữa, vì chưa có sự khác biệt giữa vùng có cảnh báo dịch và vùng không có cảnh báo, cũng như với những mặt hàng 1-2 năm mới nhập một lô thì hầu như không bị kiểm.
Vì vậy, thay vì 5 lô kiểm tra 1 lô, nên kiểm tra ngẫu nhiên mỗi năm 1 lô còn các lô khác kiểm tra hồ sơ là đủ (có giấy chứng nhận y tế của nước xuất khẩu). Nếu phát hiện mẫu không đạt, hay vùng đang có cảnh báo dịch bệnh thì chuyển sang kiểm tra tất cả các lô,(chứ không phải 3 lô liên tiếp) sau 1 năm thấy tất cả các lô đều đạt hay đã có thông báo hết dịch thì lại cho phép giảm kiểm như trước.
Theo Hiệp hội sữa Việt Nam, thời gian chờ kiểm dịch kéo dài tới 1-2 tuần, tốn kém hàng triệu ngày công, lãng phí hàng trăm tỷ đồng và ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm; đặc biệt là các mặt hàng có hạn dùng ngắn như sữa chua, sữa thanh trùng, kem. Không dựa vào “mối nguy”, 100% lô hàng sữa và sản phẩm sữa nhập khẩu phải kiểm dịch bất luận nhập từ đâu, đã được kiểm tra bởi nước xuất khẩu và cấp chứng nhận y tế an toàn cho người sử dụng.

Quy trình kiểm tra tốn kém trong việc lấy 5 mẫu giá tiền kiểm nghiệm dẫn tới đội 5 lần và thời hạn chứng nhận chỉ có giá trị trong 2 tháng, đặc biệt, kiểm tra vi sinh 2 lần cho ra 2 loại giấy xác nhận khác nhau.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Huy Lưu cũng kiến nghị, cần cải cách cụ thể trong việc cắt giảm danh mục, cải tiến trong cấp phép và kiểm tra hàng hoá tại cửa khẩu. Trong đó, áp dụng quản lý rủi ro, thu thập thông tin dữ liệu để xác định đối tượng trọng điểm như mặt hàng, nước xuất khẩu, doanh nghiệp có nguy cơ cao để áp dụng biện pháp tăng cường kiểm tra. Đối tượng có nguy cơ thấp hạn chế kiểm tra, lấy mẫu tại cửa khẩu; tăng cường hậu kiểm, kiểm tra trong lưu thông. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về chế độ hậu kiểm để thuận lợi cho việc kiểm tra trong lưu thông.
Bên cạnh đó, đại diện Hiệp hội sữa Việt Nam cũng kiến nghị làm rõ khái niệm “sản phẩm sữa” tránh cho việc áp nhầm sản phẩm cà phê, bánh kẹo có một chút sữa cũng bị coi là sản phẩm sữa; đồng thời, chỉ thực hiện kiểm dịch đối với các sản phẩm tươi sống hoặc sơ chế.

Các sản phẩm sữa đã có chứng nhận y tế cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu xác nhận an toàn cho người dùng được miễn kiểm dịch. Một sản phẩm chỉ bị kiểm tra bởi 1 bộ. Các sản phẩm sữa thuộc diện phải kiểm tra an toàn thực phẩm vừa thuộc diện kiểm dịch, doanh nghiệp chỉ cần xuất trình một trong hai chứng từ để thông quan. Bỏ giấy phép con của kho giống như Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cũng kiến nghị cần phải có danh mục miễn kiểm tra thực phẩm.
Góp ý cho dự thảo, chuyên gia Phạm Thanh Bình, nguyên Cục trưởng Cục giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan) cho rằng, cần có quy định cụ thể về lấy mẫu, đối với một số loại sản phẩm cần có quy định cụ thể. Về thủ tục cần áp dụng nguyên tắc rủi ro trong kinh doanh. Việc kiểm tra chất lượng không áp dụng giống như khi kiểm tra độc lập bởi Cục Chăn nuôi mà cần hài hoà 2 thủ tục kinh doanh và kiểm tra chất lượng.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM đánh giá cao sự bổ sung, sửa đổi Thông tư của Cục Thú Y. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận thật rõ ràng và cụ thể hơn về quy trình thủ tục, hồ sơ, chi phí nhất quán; trong đó, hồ sơ tinh giản được thủ tục nào thì tính khả thi càng cao. Hồ sơ được đơn giản hoá thì việc thực hiện sẽ thuận tiện hơn rất nhiều./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục