Bất đồng giữa Saudi Arabia và Iran làm khó OPEC

11:06' - 28/09/2016
BNEWS Saudi Arabia và Iran đã làm "tiêu tan" hy vọng về khả năng các nhà sản xuất trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) có thể đạt được một thỏa thuận "đóng băng" sản lượng.
Bất đồng giữa Saudi Arbia và Iran làm khó OPEC. Ảnh: businesspundit.com

Các nguồn tin trong OPEC tiết lộ rằng những bất đồng giữa hai quốc gia tại Trung Đông này vẫn còn rất lớn.

Phát biểu trước báo giới ngày 27/9 bền lề Diễn đàn Năng lượng Quốc tế lần thứ 15 tại thủ đô Algiers của Algieria, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih tuyên bố: "Đây là cuộc họp tham vấn. Chúng tôi sẽ tham vấn với tất cả những người khác và lắng nghe quan điểm của họ. Chúng tôi sẽ lắng nghe Ban Thư ký OPEC cũng như những nước tiêu thụ năng lượng".

Trong khi đó, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh nhấn mạnh: "Đây không phải thời điểm đưa ra quyết định". Đề cập đến cuộc họp chính thức dự kiến diễn ra ngày 30/11 tại thủ đô Vienna (Áo), ông Zanganeh nói thêm: "Chúng tôi sẽ có gắng đạt được thỏa thuận 'đóng băng' sản lượng vào tháng 11".

Cuộc họp không chính thức của OPEC dự kiến diễn ra vào lúc 14:00 GMT ngày 28/9 (tức 21 giờ ngày 28/9 theo giờ Hà Nội), với sự tham dự của các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC, trong đó có Nga, cũng như một số nước tiêu thụ.

Giá dầu đã giảm hơn 50% từ mức đỉnh điểm hồi giữa năm 2014 do tình trạng dư cung trên thị trường, buộc các nhà sản xuất trong OPEC và Nga phải tìm kiếm giải pháp nhằm tái cân bằng thị trường, với mục tiêu tăng doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ và cải thiện tình hình ngân sách.

Một nỗ lực nhằm tiến tới một thỏa thuận đóng băng sản lượng đã sụp đổ vào tháng Tư vừa qua tại Doha, Qatar ( Ca-ta), sau khi Saudi Arabia yêu cầu Iran tham gia thỏa thuận này. Các nguồn thạo tin cho hãng tin Reuters biết Saudi Arabia đã cam kết giảm sản lượng, với điều kiện Iran cũng nhất trí "đóng băng" sản lượng.

Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay, Iran đang muốn tăng sản lượng lên khoảng 4 triệu thùng/ngày sau khi thoát khỏi các lệnh trừng phạt quốc tế, vốn kìm hãm ngành dầu mỏ của quốc gia Trung Đông này trong nhiều năm qua.

Trước đó, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Zanganeh thừa nhận kết quả cuộc họp không chính thức của OPEC sẽ rất hạn chế, trong khi một số đại diện trong OPEC nói rằng quan điểm của Saudi Arabia và Iran rất khác biệt.

Một số nguồn tin trong OPEC cho hay Iran vẫn cương quyết khẳng định nước này có quyền tăng sản lượng lên 4,1 - 4,2 triệu thùng/ngày trước khi tiến tới bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến sản lượng, còn các thành viên vùng Vịnh của OPEC muốn Tehran "đóng băng" sản lượng ở mức dưới 4 triệu thùng/ngày. Các nguồn tin này nhận xét: "Cuộc họp sẽ không có kết quả khả quan, trừ phi Iran đột ngột thay đổi quan điểm và đồng ý 'đóng băng' sản lượng".

Một số quan chức trong Bộ Dầu mỏ Iran bày tỏ mong muốn OPEC cho phép Iran sản xuất 12,7% tổng sản lượng của tổ chức này, tương đương mức năm 2012, thời điểm Liên minh châu Âu (EU) áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung liên quan đến hoạt động hạt nhân của Tehran.

Trong giai đoạn 2012-2016, Saudi Arabia và các thành viên vùng Vịnh của OPEC đã gia tăng sản lượng nhằm tranh giành thị phần với các nhà sản xuất có chi phí cao hơn ở Mỹ. Đặc biệt, sản lượng của Saudi Arabia đã tăng đáng kể từ 10,2 triệu thùng/ngày lên 10,7 triệu thùng/ngày trong những tháng gần đây. Do đó, Iran cho rằng "hạn ngạch sản lượng công bằng" của nước này trong OPEC phải cao hơn so với mức hiện nay.

Chuyên gia Gary Ross, một cựu cố vấn của OPEC đồng thời là nhà sáng lập hãng tư vấn PIRA có trụ sở tại Mỹ, nhận định dù Saudi Arabia nhất trí giảm sản lượng xuống các mức trước mùa Hè, Iran sẽ không chấp thuận vì coi điều kiện này của Riyadh là không công bằng. Theo ông Ross, Iran đang chịu nhiều áp lực cả về chính trị và doanh thu, song nước này vẫn sẽ không chấp nhận đề xuất của Saudi Arabia.

Bên cạnh những ý kiến chưa đồng thuận giữa Iran và Saudi Arabia, một số nước khác trong OPEC bày tỏ những ý kiến tích cực. Bộ trưởng Năng lượng Algeria Noureddine Boutarfa lạc quan cho rằng vẫn có cơ hội để các nước thành viên OPEC đạt được thỏa thuận "đóng băng" sản lượng tại cuộc họp không chính thức.

Tuy vậy, ông Bouterfa, một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với thỏa thuận hạn chế sản lượng, cũng thừa nhận rằng cuộc họp này có thể chỉ phác thảo được "các yếu tố của thỏa thuận". Mặc dù quả quyết "Chúng tôi sẽ không về tay trắng", nhưng ông Boutarfa cảnh báo rằng nếu cuộc họp của OPEC thất bại, giá dầu có thể sẽ giảm sâu từ khoảng 45 USD/thùng hiện nay, xuống còn 30 USD/thùng.

Thủ tướng Algeria Abdelmalek Sellal cho biết Algeria ủng hộ đề ra mức giá dầu phù hợp giúp đầu tư vào chuỗi năng lượng, bảo đảm nguồn cung cấp cho các nước tiêu dùng và ổn định thị trường. Trên tinh thần đó, ông Sellal kêu gọi tất cả các bên cần phải đạt được một thỏa thuận về mức sản lượng để đạt được mức giá dầu bền vững. Không có vấn đề này, thị trường sẽ rối loạn trầm trọng, tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp dầu khí và sẽ kéo nền kinh tế thế giới vào một chu kỳ suy thoái dài.

Đồng tình với quan điểm trên, Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) Suhail al-Mazroui khẳng định UAE ủng hộ những nỗ lực của Algeria nhằm bảo đảm sự cân bằng của thị trường dầu mỏ. Những nỗ lực này cần phải được công nhận bằng một thỏa thuận giữa tất cả các nước thành viên OPEC.

Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq (I-rắc) Jabbar Ali Hussein al-Luiebi tuyên bố trông đợi kết quả tích cực từ cuộc họp tại Algiers sẽ là một yếu tố cần thiết để ổn định và cân bằng thị trường dầu mỏ thế giới. Mục đích đó là tăng giá dầu. Iraq ủng hộ mọi nỗ lực giúp cân bằng thị trường.

Theo các chuyên gia, hy vọng về một thỏa thuận "đóng băng" sản lượng dầu thô có thể đạt được tại Algiers đang bị dội gáo nước lạnh vì quan điểm của "hai ông lớn" Saudi Arabia và Iran, và thị trường đang trông đợi vào phán quyết trong ngày 28/9./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục