Bất đồng tiềm ẩn trong nội bộ EU về gói cứu trợ chống dịch COVID-19

06:30' - 16/04/2020
BNEWS Với thỏa thuận về gói cứu trợ trị giá 500 tỷ euro để đối phó đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, các quốc gia miền Nam châu Âu sẽ nhận được nguồn viện trợ tài chính đáng kể từ các nước miền Bắc.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen phát biểu tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ ngày 16/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tuy nhiên, thỏa thuận này đang che giấu những bất đồng tiềm ẩn giữa các nước miền Bắc và miền Nam.

Mặc dù khoản tài chính trong gói cứu trợ lần này vẫn còn thấp hơn so với dự tính ban đầu, nhưng đó cũng là một thành công của các nước trong Liên minh châu Âu (EU) khi mọi nỗ lực trước đó tưởng chừng như vô vọng.

Thế nhưng, gói cứu trợ trên được đánh giá là mang lại lợi ích trước tiên cho các nước miền Bắc khi các nước miền Bắc ồ ạt xuất khẩu sang các nước miền Nam. Trong khi đó, các nước miền Nam hiện vẫn tin rằng họ sẽ không thể thoát khỏi khủng hoảng nếu không tạo ra một "công cụ nợ chung". 

Bộ trưởng Tài chính Hà Lan khi kết thúc hội nghị mới đây vẫn còn nhắc lại rằng việc chia sẻ chi phí như vậy mà không hề có bất kỳ hình thức kiểm soát các chính sách kinh tế nào luôn là một "lằn ranh đỏ" đối với các quốc gia miền Bắc.

Những nhận định về các nước miền Nam, nơi bị đánh giá là đang sống "vượt quá khả năng của mình", đã xuất hiện trở lại trên các phương tiện truyền thông và trong các tuyên bố chính trị của các nước miền Bắc ngay từ khi xuất hiện những tín hiệu đầu tiên của cuộc khủng hoảng y tế do đại dịch COVID-19 gây ra.

Thủ tướng Bồ Đào Nha đã mô tả bài phát biểu của người đồng cấp Hà Lan trước đó là "đáng ghét" vì cho rằng các nước miền Nam đã không tiết kiệm đủ để đối mặt với dịch bệnh.

Tuy nhiên, thật nghịch lý khi giải thích với các nước miền Nam rằng họ đã cư xử như “những con ve sầu” khi họ hành động từ đầu những năm 2000 với tư cách là "người tiêu dùng cuối cùng" ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Rõ ràng thành công trong lĩnh vực công nghiệp của Đức sẽ không thể diễn ra nếu các nước miền Nam không biến các nước này thành cửa thoát cho Đức, và nếu chính phủ của các nước này không kích thích nhu cầu trong nước, đặc biệt là bằng cách “tích lũy thâm hụt ngân sách”.

Thực tế chứng minh một quốc gia ghi nhận thặng dư bên ngoài khi quốc gia đó tiết kiệm nhiều hơn số tiền đầu tư, có nghĩa là “số dư bên ngoài = tiết kiệm - đầu tư”. Do vậy, các nước miền Bắc đã theo đuổi các chính sách để giảm nhu cầu và tăng tiết kiệm của mình.

Trong một nền kinh tế đóng, một chính sách như vậy sẽ dẫn đến sự suy giảm lâu dài trong hoạt động kinh tế và việc làm. Nhờ thương mại tự do trong một thị trường duy nhất và không có rủi ro tỷ giá trong khu vực Eurozone, các nước miền Bắc đã có thể sản xuất nhiều hơn mức tiêu thụ.

Các chính sách kinh tế được thực hiện ở miền Bắc đã hạn chế được mức tiêu dùng và đầu tư ở đó. Ở Đức, chính sách giảm cầu được áp dụng từ thời Thủ tướng Gerhard Schröder và sau này là Thủ tướng Angela Merkel đã mang lại các khoản thặng dư bên ngoài khổng lồ vào đầu những năm 2000 và trong suốt bốn năm qua.

Tăng thuế hộ gia đình, đặc biệt là thuế gián tiếp (VAT, thuế năng lượng), đã tác động mạnh đến tiêu dùng của tầng lớp trung lưu và người nghèo, đồng thời làm giảm mạnh các khoản chi xã hội và trợ cấp lương hưu.

Sở dĩ một chính sách như vậy từng được thực thi là bởi vì các nước miền Nam đang theo đuổi chính sách hỗ trợ nhu cầu. Sự khác biệt này phần lớn mang lại thặng dư thương mại cho Đức, nhu cầu nội địa giảm đã được thay thế bằng nhu cầu bên ngoài.

Theo nhận định của giới quan sát, sự sống còn của khu vực Eurozone đòi hỏi phải thoát ra khỏi một trò chơi “ngu ngốc”.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại London, Anh ngày 13/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Các nước miền Bắc không thể tiếp tục tố cáo bằng các lập luận đạo đức về chức năng của khu vực Eurozone dựa trên mô hình kinh tế của mình: thâm hụt của miền Nam là đối trọng của thành công trong lĩnh vực công nghiệp của miền Bắc và các nước miền Bắc phải chấp nhận một “Kế hoạch Marshall” lớn vì lợi ích của các nước bị ảnh hưởng nhất.

Thực tế là Berlin lo ngại rằng sự thiếu vắng một kế hoạch như vậy sẽ làm gia tăng mong muốn rời khỏi khu vực Eurozone của các nước miền Nam, vấn đề có thể làm suy yếu đáng kể mô hình kinh tế Đức.

Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Mỹ đã không ngần ngại thực hiện tiến trình chuyển đổi như vậy sang Tây Âu, và điều này đã cho phép Mỹ “tái chế” thặng dư thương mại của mình trong khi vẫn củng cố được sự nổi trội của bộ máy sản xuất.

“Kế hoạch Marshall” châu Âu này không nên dựa trên việc áp dụng các chính sách thắt lưng buộc bụng có thể biến cuộc khủng hoảng y tế thành khủng hoảng kinh tế dài hạn. Trong thỏa thuận mà các nước châu Âu vừa đạt được này, chỉ có vấn đề về chi tiêu y tế là “vô điều kiện”, còn các khoản chi tiêu quan trọng nhất - xã hội và kinh tế - sẽ vẫn phải có điều kiện.

Các nước miền Bắc vì thế đã giành chiến thắng về những điểm cốt yếu. Các nước miền Nam coi điều kiện này là nhục nhã, thậm chí càng bất công hơn vì Italy đã không bị thâm hụt ngân sách kể từ năm 1992, không giống như Đức hay Pháp. Tình hình kinh tế tồi tệ của Italy có thể được lý giải là bởi các chiến lược không hợp tác được thông qua.

Để tồn tại trong dài hạn, khu vực Eurozone trên hết cần phải cân bằng lại nhu cầu. Đối với điều này, các nước miền Bắc phải tiêu thụ nhiều hơn những năm gần đây, ví dụ bằng cách giảm thuế VAT hoặc tăng chi tiêu xã hội. Những gì cần làm là đảm bảo cho sự bền vững của khu vực Eurozone, phục vụ cho lợi ích của tất cả các đối tác châu Âu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục