Bắt nhịp Chính phủ điện tử

19:18' - 25/11/2023
BNEWS Chỉ một thao tác, toàn bộ nội dung về chỉ đạo điều hành của người đứng đầu Tổng cục Quản lý thị trường sẽ được lực lượng tiếp nhận, thực thi, tiết kiệm thời gian, từ đó nâng cao hiệu quả triển khai.

Chỉ vài tháng sau ngày thành lập, tất cả văn bản đi đến của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) được thực hiện trên môi trường thương mại điện tử và đến nay, đã có trên 1.000 cuộc họp không gặp mặt trong lực lượng quản lý thị trường đã được tổ chức. Đặc biệt, quản lý thị trường cũng là đơn vị tiên phong trong áp dụng hệ thống xử phạt vi phạm hành chính theo thời gian thực, giúp chuẩn hoá quy trình kiểm tra, hạn chế sai sót trong thực thi công vụ.

Bà Nguyễn Minh Phương, Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết: Ngay từ những ngày đầu thành lập, Tổng cục quản lý thị trường đã xác định, chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng trong tình hình mới. Cùng đó, đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.

Chỉ vài tháng sau ngày thành lập, “luồng gió” về công nghệ thông tin đã bao phủ toàn bộ Tổng cục Quản lý thị trường. Điểm đặc biệt đầu tiên là tất cả văn bản đi, đến đều được xử lý trên môi trường thương mại điện tử. Chỉ một thao tác, toàn bộ nội dung mới về chỉ đạo điều hành của người đứng đầu Tổng cục Quản lý thị trường sẽ được lực lượng quản lý thị trường tiếp nhận, thực thi, tiết kiệm thời gian, từ đó nâng cao hiệu quả triển khai.

Việc này cũng làm thay đổi tư duy của một số lãnh đạo lớn tuổi trong ngành khi phải tự nâng cao trình độ trong việc tiếp cận công nghệ thông tin để kịp thời nắm bắt và triển khai chỉ đạo của cấp trên.

Sau 5 năm hoạt động theo mô hình ngành dọc, Tổng cục Quản lý thị trường đã tổ chức trên 1.000 cuộc họp không gặp mặt theo hình thức vMeet, zoom. Nhất là trong giai đoạn cao điểm của dịch COVID-19, kể cả với những địa phương áp dụng “cách ly xã hội”, tinh thần chỉ đạo chung của lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường vẫn được chuyển tải đầy đủ, thống nhất và nắm bắt kịp thời qua các cuộc họp trực tuyến.

Theo bà Nguyễn Minh Phương, cùng với việc triển khai hệ thống văn bản đi, đến trên môi trường điện tử, Cổng thông tin điện tử cũng nhanh chóng được hình thành và liên thông với 63 Cục Quản lý thị trường địa phương. Từ đó công khai, minh bạch thông tin về hoạt động kiểm tra kiểm soát đến gần hơn với người dân; nâng cao vai trò của lực lượng, góp phần xây dựng hình ảnh về một lực lượng chủ động, có vai trò trong kiểm soát vi phạm tại thị trường nội địa.

Đặc biệt, việc xây dựng và triển khai Hệ thống xử lý vi phạm hành chính (INS) đã nâng tầm hoạt động của lực lượng quản lý thị trường theo hướng hiện đại hơn, chuyên nghiệp hơn. Cùng đó, công khai minh bạch hơn khi toàn bộ hồ sơ kiểm tra tại hiện trường được thiết lập với thời gian thực, giúp chuẩn hoá quy trình kiểm tra, hạn chế sai sót trong quá trình thực thi công vụ.

Hệ thống INS được áp dụng chính thức từ 1/1/2022 và sau hơn 1 năm chạy thử nghiệm đã hoạt động ổn định giúp quản lý thị trường trở thành lực lượng “tiên phong” trong áp dụng hệ thống xử phạt vi phạm hành chính trên môi trường điện tử. Đây là điểm nhấn quan trọng và được coi là “cuộc cách mạng” trong chuyển đổi số của toàn lực lượng.

“Hệ thống INS không chỉ đem lại nhiều tiện ích cho các đoàn kiểm tra trong quá trình kiểm soát thị trường mà còn giúp tiết kiệm ngân sách, thời gian”, bà Nguyễn Minh Phương khẳng định.

Thống kê từ Tổng cục Quản lý thị trường cho thấy, đến nay 100% công chức quản lý thị trường được trang bị máy tính; máy tính của các đơn vị kết nối Internet đường truyền tốc độ cao; 100% cơ quan thực hiện tốt việc tiếp nhận và xử lý văn bản đi, văn bản đến trong và ngoài lực lượng quản lý thị trường trên Hệ thống quản lý văn bản (eDMS); 100% hồ sơ công chức được quản lý điện tử.

Đáng lưu ý, Tổng cục Quản lý thị trường cũng đang áp dụng phần mềm kế toán, thi đua khen thưởng, số hóa tài liệu và hoạt động chuyên môn. Đặc biệt, chương trình sát hạch nghiệp vụ cũng được Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức thường niên theo hình thức trực tuyến, giúp tiết kiệm tối đa chi phí tổ chức cho ngân sách nhà nước.

Nhận định về vấn đề này, ông Ngô Khánh An, Phó trưởng phòng Công nghệ thông tin, Văn phòng Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường bày tỏ: Theo Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ điện tử thực hiện 4 không (xử lý văn bản không giấy; họp không gặp mặt; giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc; thanh toán dịch vụ không sử dụng tiền mặt).

Chính vì vậy, lực lượng quản lý thị trường đã tiên phong trong việc bắt nhịp tinh thần chung của Chính phủ điện tử, khi không còn sử dụng văn bản giấy trong chỉ đạo điều hành, có thể tổ chức họp trực tuyến ngay mà không cần chờ đơn vị sắp xếp và lệ thuộc vào thời gian di chuyển.

Hơn nữa, Tổng cục Quản lý thị trường đang xây dựng để triển khai giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc và thanh toán dịch vụ, không sử dụng tiền mặt khi nghiên cứu áp dụng ký số và biên lai điện tử trong thời gian tới.

Cũng theo ông Ngô Khánh An, hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia, Tổng cục Quản lý thị trường cũng đã xây dựng Kế hoạch hành động với mục tiêu đến năm 2025 và định hướng tới 2030 cơ bản hoàn thành quản lý thị trường số theo định hướng Chính phủ số.

Trong kế hoạch nêu ra các mục tiêu cụ thể; trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật quản lý nhà nước, đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ để thực hiện chuyển đổi số toàn diện lực lượng quản lý thị trường.

Mặt khác, lực lượng quản lý thị trường chú trọng hoàn thiện chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ theo hướng tập trung hóa, hiện đại hóa, tự động hóa việc quản lý điều hành nghiệp vụ quản lý thị trường; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý điều hành.

Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường cũng xử lý nghiệp vụ thống nhất trên cùng hệ thống, sẵn sàng kết nối và chia sẻ dữ liệu số với cơ quan quản lý nhà nước có liên quan; đảm bảo tiếp nhận và chia sẻ các bộ dữ liệu mở có chất lượng và giá trị khai thác cao...

Đặc biệt, kế hoạch còn hướng đến mục tiêu đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả thực chất nhằm phục vụ việc thực thi pháp luật. Mặt khác, thúc đẩy hợp tác, trao đổi thông tin nghiệp vụ với quản lý thị trường khu vực và trên thế giới nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại hợp pháp, phòng chống và ngăn chặn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho hay: Có thể nói, số hóa từng nhiệm vụ chuyên môn đã giúp lực lượng quản lý thị trường có những bước tiến vượt bậc trong chỉ đạo điều hành, tạo dấu ấn quan trọng trong chuyển đổi số mà Tổng cục Quản lý thị trường hướng tới ngay từ những ngày đầu thành lập.

“Với những kết quả đạt được, Tổng cục Quản lý thị trường được xem là “một trong những”cơ quan thuộc Bộ đi đầu trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia nói chung của Bộ Công Thương nói riêng. Đây cũng là xu thế tất yếu nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh, năng suất lao động cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ của đất nước”, ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục