Phòng chống, xử lý vi phạm trong thương mại điện tử

17:19' - 15/11/2023
BNEWS Ngày 15/11, tại Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã tổ chức Hội thảo "Nâng cao năng lực phòng, chống và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử Việt Nam".

Hội thảo nhằm triển khai Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025".

 

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Hữu Linh-Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết: Thương mại điện tử, kinh doanh hàng hóa online hiện nay đã chi phối rất nhiều trong cuộc sống, đòi hỏi lực lượng chức năng phải kịp thời nắm bắt, có phương pháp kiểm soát phù hợp thực tế. Do đó, ngày 29/3, Đề án đã được Chính phủ phê duyệt theo đệ trình của Bộ Công Thương.

Theo ông Trần Hữu Linh, khoảng 2 năm trở lại đây, thương mại điện tử trở thành một trong những vấn đề lớn, tác động đến việc kinh doanh trực tiếp tại cửa hàng, cửa hiệu. Người mua dần thay đổi thói quen, dẫn đến các cơ sở phải cắt giảm sự hiện diện trên phố để chuyển dịch hình thức kinh doanh.

Đơn cử như chợ Ninh Hiệp với khoảng 2.000 hộ kinh doanh, hoạt động buôn bán tại đây luôn tấp nập với lượng hàng hóa luân chuyển lớn, đưa đi khắp nơi trên cả nước nên số hàng giả hàng nhái rất cao. Thế nhưng, chợ Ninh Hiệp rất vắng vẻ và đa số cửa hàng tại đây đóng cửa trả lại mặt bằng cho thuê vì chủ yếu tập trung bán hàng online.

Không chỉ tại địa bàn Hà Nội mà ngay cả đầu cầu phía Nam tại các trung tâm thương mại và những quận sầm uất nhất Tp. Hồ Chí Minh tình trạng trả lại mặt bằng kinh doanh cũng đang diễn ra phổ biến.

Ông Trần Hữu Linh cũng đưa ra con số so sánh rằng: Nếu như năm 2020, doanh số bán lẻ trên Internet tại Việt Nam là 13 tỷ USD thì đến năm 2022, con số này tăng vọt lên thành 35 tỷ USD. Bên cạnh đó, Việt Nam là nước có tỷ lệ dân số mua sắm cao nhất Đông Nam Á gần 1 nửa dân số Việt Nam mua sắm online, cao nhất Đông Nam Á với 49,3 triệu người, tương đương 41% tỷ lệ dân số.

Điều này cho thấy, thương mại điện tử có yếu tố online, nên yêu cầu tính nghiệp vụ cực kỳ lớn. Do vậy, quá trình kiểm soát, xử lý.. lực lượng gặp rất nhiều khó khăn bởi tính đặc thù như địa điểm mua bán không xác định được, người bán hàng có thể ở bất kỳ đâu; kho hàng, thời điểm giao kết hợp đồng rất khó để xác định và chứng cứ rất dễ thay đổi. Hơn nữa, việc thanh toán qua trung gian càng khiến quá trình truy vết gặp khó.

Theo ông Trần Hữu Linh, cũng chính những vấn đề này dẫn tới tâm lý ngại xử lý đối với các vụ vi phạm thương mại điện tử ngay tại lực lượng cơ sở. Bởi, để theo đuổi một vụ việc bán hàng online đòi hỏi lực lượng quản lý thị trường phải theo dõi kín đáo, nếu sơ suất dễ bị khiếu kiện vì người bán có thể xóa bỏ, thay đổi nội dung.. các chứng cứ một cách nhanh chóng.

Hiện nay, người mua hàng dần tạo thành thói quen mua sắm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Tổng cục Quản lý thị trường thường xuyên nhận được phản ánh từ hãng có thương hiệu về tình trạng hàng giả, nhái ngay trên sàn như Lazada, Shopee và mới đây là Tiktok, càng sinh sau càng hiện đại. Song song với đó là Facebook, Zalo cũng tạo ra đất sống cho vi phạm.

Bên cạnh người bán, người mua, vô hình chung các công ty chuyển phát trở thành bên vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng lậu.. Do quy định hiện nay, xe niêm phong đang kẹp chì không được phép mở. Một số vụ việc, lực lượng quản lý thị trường buộc phải theo xe dỡ hàng tại kho rồi mới ập vào kiểm tra.

"99% các công ty chuyển phát giờ đây đang sống bằng vận chuyển, mua bán online và chỉ có 1% thư tín. Bởi có đến 60% doanh nghiệp bán hàng là ở nước ngoài. Tất nhiên điều này là thiết yếu trong quá trình phát triển nhưng cũng gây ảnh hưởng đến dữ liệu người dùng, an ninh tiền tệ", Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh nói.

Báo cáo tại hội nghị, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho biết: Trong 10 tháng năm 2023, tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới còn diễn biến phức tạp, nhất là đối với mặt hàng lợn, đường cát, thuốc lá điếu, hàng điện tử đã qua sử dụng...

Không những thế, vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tiếp tục gia tăng; nhiều chủ thể quyền các nhãn hiệu lớn ở các nước như: Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Italy... đã có buổi làm việc, phản ánh với Tổng cục. Qua đó, đề xuất các phương án hợp tác trong phòng, chống cũng như ngăn chặn các hành vi phạm.

Đáng lưu ý, cũng trong 10 tháng năm 2023, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không bày bán tràn lan như trước đây mà sau khi qua biên giới được tập kết tại các kho hàng nơi hẻo lánh, ít người qua lại hoặc nhà riêng, rồi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh; hàng hóa được chuyển đến người tiêu dùng thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh.

Theo thống kê, 10 tháng năm 2023, lực lượng đã kiểm tra 62.338 vụ việc, xử lý 44.554 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 410 tỷ đồng. Dù đã tích cực vào cuộc ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, song vấn nạn hàng giả, gian lận thương mại, hàng lậu vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Các đối tượng chuyển địa bàn hoạt động từ môi trường truyền thống sang môi trường thương mại điện tử.

Gần đây nhất, đầu tháng 11/2023, tại Gia Lai, lực lượng Quản lý thị trường đã phối hợp kiểm tra hộ kinh doanh Trương Ngọc Quyên thường xuyên livestream bán hàng giả, chốt hàng trăm đến hàng nghìn đơn/ngày. Theo lãnh đạo Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, để kiểm tra cơ sở này, lực lượng đã mất hàng nghìn giờ theo dõi các đối tượng livestream bán hàng. Thời điểm kiểm tra, la liệt hàng hiệu giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng được đối tượng đổ đống, ngổn ngang từ khu vựa phía ngoài cổng đến kho chứa trữ sâu bên hông khu vực nhà ở.

Không những thế, mạng xã hội Tiktok bùng nổ mạnh mẽ. Người dân từ tận Hà Giang vẫn hàng ngày livestream bán hàng đi cả nước và ngược lại. Chưa kể, đây là mạng xã hội xuyên biên giới, cho nên, các hành vi vi phạm đã vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Do đó, lực lượng quản lý thị trường xác định, chống hàng giả trên thương mại điện tử sẽ là nhiệm vụ chủ chốt của lực lượng trong vòng 3 đến 5 năm tới.

Để tháo gỡ vướng mắc trong thực tế khi cá nhân mua hàng hóa trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, websites thương mại điện tử bán hàng, bà Phạm Như Hà- đại diện Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan) đề xuất: Cần có các quy định cụ thể về định mức miễn thuế và các trường hợp được miễn kiểm tra chuyên ngành.

Chẳng hạn về miễn giấy phép, kiểm tra chuyên ngành ngoài các trường hợp được quy định, đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử quy định: “Hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử có trị giá hải quan theo từng mặt hàng trong đơn hàng từ 2 triệu đồng Việt Nam trở xuống hoặc trên 2triệu đồng Việt Nam đối với hàng hóa nhập khẩu đơn chiếc (trừ hàng hóa phải kiểm dịch, hàng hóa thuộc danh mục quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hàng hoá thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu) được miễn giấy phép, điều kiện, miễn kiểm tra chuyên ngành nhưng tổng trị giá hàng hóa được miễn không quá 96 triệu đồng Việt Nam/năm đối với mỗi tổ chức, cá nhân.”

Về miễn thuế đối với hàng hóa nhập  khẩu quy định, hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử được miễn thuế nhập khẩu bao gồm hàng hóa nhập khẩu có trị giá hải quan theo từng đơn hàng từ 2.000.000 đồng Việt Nam trở xuống; hàng hóa nhập khẩu có trị giá hải quan theo từng đơn hàng trên 2.000.000 đồng Việt Nam nhưng có tổng số tiền thuế nhập khẩu phải nộp dưới 200.000 đồng Việt Nam;

Mỗi tổ chức, cá nhân mua hàng chỉ được hưởng tiêu chuẩn miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu quy định tại điểm a, điểm b khoản này không quá 96 triệu đồng Việt Nam/năm.

Căn cứ vào mức độ rủi ro của hàng hóa xuất nhập khẩu, cơ quan hải quan áp dụng thủ tục hải quan phù hợp. Theo đó,  hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử được chia thành các nhóm hàng hóa với mức độ rủi ro khác nhau.

Ngoài ra, căn cứ vào đặc điểm của từng nhóm hàng hóa được phân loại, tại Nghị định quy định về hồ sơ hải quan khác nhau. Đồng thời, số hóa hồ sơ hải quan gửi đến Hệ thống cùng với thông tin đơn hàng, không yêu cầu nộp/xuất trình hồ sơ giấy khi làm thủ tục hải quan hướng tới hải quan phi giấy tờ.

Đặc biệt, thủ tục hải quan quy định đảm bảo việc đơn giản, nhanh chóng và áp dụng các biện pháp kĩ thuật hiện đại nhằm đảm bảo việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan hải quan nhưng không làm ảnh hưởng đến tốc độ thông quan của hàng hóa.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục