Bầu cử Mỹ 2020: Các chính sách then chốt của Tổng thống Donald Trump (Phần 1)

05:30' - 13/09/2020
BNEWS Khi ra tranh cử để ở lại Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa, ông Trump phải đối mặt với một đất nước đang vật lộn với những thách thức từ đại dịch COVID-19 và dư chấn kinh tế của dịch bệnh.

Tỷ phú Donald Trump đã đắc cử Tổng thống Mỹ vào năm 2016 nhờ cam kết “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”.

Khi ra tranh cử để ở lại Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa, ông Trump phải đối mặt với một đất nước đang vật lộn với những thách thức từ đại dịch COVID-19 và dư chấn kinh tế của dịch bệnh cũng như một khối đại cử tri đang cân nhắc thành quả của ông trong bốn năm cầm quyền.

Chiến dịch tranh cử năm 2020 của ông Trump dựa vào chính sách phục hồi nền kinh tế, thúc đẩy việc làm, bảo vệ lợi ích thương mại của Mỹ và tiếp tục lập trường cứng rắn về vấn đề nhập cư. Dưới đây là các chính sách then chốt của Tổng thốn Trump.

* Khôi phục nền kinh tế sau đại dịch

Tổng thống Trump từ lâu đã vận động tranh cử theo nguyên tắc “Nước Mỹ trên hết” và thúc đẩy kế hoạch đưa việc làm và ngành sản xuất trở lại nước Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử đầu tiên, ông Trump cam kết sẽ giảm thuế cho những người Mỹ đang làm việc, giảm thuế doanh nghiệp, cải thiện hiện trạng thương mại và phục hồi ngành sản xuất của Mỹ. Trong một số những điều này, ông đã phần nào thực hiện được.

Trong bốn năm qua, ông đã rút lại các quy định liên bang liên quan đến doanh nghiệp, giảm thuế doanh nghiệp và thuế thu nhập, đồng thời ký các lệnh hành pháp hỗ trợ ưu đãi cho các sản phẩm sản xuất trong nước.

Kể từ tháng 1/2017, Mỹ đã có thêm hơn 480.000 việc làm trong lĩnh vực sản xuất, mặc dù các nhà phân tích cho rằng tăng trưởng trong lĩnh vực này đang chậm lại và các chính sách liên quan của ông Trump, như thuế quan, chưa giải quyết được các vấn đề mang tính cơ cấu.

Ông Trump cũng dự đoán kinh tế sẽ phục hồi ngay sau đại dịch, mặc dù các nhà phê bình nói phản ứng COVID-19 của ông đã gây ra thiệt hại kinh tế lâu dài.

* Chấm dứt sự phụ thuộc vào Trung Quốc

Ông Trump vận động tranh cử với lời hứa đưa Mỹ tập trung vào lợi ích kinh tế của chính mình, mặc dù ông nói “Nước Mỹ trên hết” không có nghĩa là “nước Mỹ đơn độc”.

Về thương mại, ông Trump có lập trường cứng rắn với Trung Quốc, cùng với chính sách bảo vệ các nhà sản xuất trong nước khỏi sự cạnh tranh từ nước ngoài, và đây vẫn là những khía cạnh quan trọng trong chính sách thương mại của ông.

Trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh công việc của ông là đàm phán lại các thỏa thuận thương mại trong quá khứ mà ông cho là không công bằng đối với Mỹ, như Thỏa thuận thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) giữa Mỹ, Canada và Mexico, hoặc rời bỏ chúng, như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông cũng cam kết sẽ giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại của Mỹ. Chỉ số này lần đầu tiên trong sáu năm đã giảm vào năm 2019, mặc dù các nhà kinh tế không đồng ý về việc liệu điều này có thực sự cải thiện kinh tế hay không.

Trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc, Tổng thống Trump đã áp thuế lên khoảng 500 tỷ USD hàng hóa của quốc gia Đông Bắc Á này, và Thỏa thuận thương mại giai đoạn một được ký kết hồi đầu năm nay giữa hai nước vẫn giữ nguyên hầu hết các mức thuế đó.

Vào tháng Tám vừa qua, ông Trump cho biết muốn đưa ra các khoản miễn trừ thuế để lôi kéo doanh nghiệp Mỹ chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, đồng thời nói “chúng ta sẽ chấm dứt sự phụ thuộc vào Trung Quốc”.

Ông Trump cũng đã áp thuế lên hàng hóa từ Liên minh châu Âu (EU) như thép và rượu vang của Pháp, đe dọa áp thuế lên thép và nhôm từ Brazil và Argentina. Mỹ gần đây cũng đã tái áp thuế đối với một số sản phẩm nhôm nhập từ Canada.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục