Bầu cử Mỹ 2020: Gương mặt tiềm năng cạnh tranh với Tổng thống Trump
Gương mặt tiềm năng của đảng Dân chủ sẽ cạnh tranh với Tổng thống Mỹ Donald Trump, đối thủ Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới đang dần lộ diện sau ngày bầu cử "Siêu thứ Ba".
Nếu vào thời điểm sau các cuộc bầu cử sớm trong tháng 2 vừa qua diễn ra tại 4 bang, gồm Iowa, New Hampshire, Nevada và South Carolina, tình thế giữa các ứng cử viên có nhiều khả năng giành vị trí đề cử của đảng Dân chủ vẫn còn nhiều biến động, thì kết quả kiểm phiếu tại 14 bang và 1 vùng lãnh thổ của Mỹ đồng loạt tổ chức bỏ phiếu sơ bộ ngày “Siêu thứ Ba” khiến cục diện cuộc đua trở nên rõ ràng hơn.
Sau ngày bầu cử “Siêu thứ Ba” năm nay, chặng đua sắp tới của cuộc bầu cử sơ bộ đảng Dân chủ dường như sẽ chỉ còn tập trung vào hai ứng cử viên “ngang tài, ngang sức” là cựu Phó Tổng thống Joe Biden và Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders, bởi hai ứng cử viên này liên tục theo sát nhau trong việc giành số đại biểu ở các bang bầu cử và bỏ xa các ứng cử viên còn lại của đảng này như Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, người đang dần tụt lại phía sau, hay cựu Thị trưởng New York, tỉ phú Michael Bloomberg, nhân vật xuất hiện đầu tiên trong lá phiếu bầu cử do đã bỏ 4 cuộc bầu cử trước đó.
Cựu Phó Tổng thống Joe Biden đã có sự bứt phá ngoạn mục khi ông vươn lên từ vị trí thứ hai trong nhiều cuộc thăm dò trước khi diễn ra ngày “Siêu thứ Ba” và dẫn trước ứng cử viên Sanders với thắng lợi liên tiếp tại 10 tiểu bang gồm Texas, Virginia, Alabama, Oklahoma, Tennessee, Minnesota, Arkansas, North Carolina, Massachusetts và Maine.
Trong số những bang này, chiến thắng tại bang Texas có ý nghĩa quan trọng bởi Texas là một trong hai bang có số lượng đại biểu lớn nhất với 228 đại biểu.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ bang Vermont Sanders chỉ về nhất ở 4 bang gồm Colorado, Vermont Utah và California. Tuy nhiên, chiến thắng tại California hết sức đặc biệt bởi đây là bang có số đại biểu lớn nhất của đảng Dân chủ với 415 đại biểu. Ngoài ra, trong ngày "Siêu thứ Ba", cựu Thị trưởng thành phố New York - ứng cử viên Michael Bloomberg đã giành chiến thắng tại vùng lãnh thổ Samoa.
Với kết quả của ngày "Siêu thứ Ba", ứng cử viên Biden được dự đoán có thể giành ít nhất 317 đại biểu. Ông được đánh giá sẽ là đối thủ lớn nhất của Tổng thống Donald Trump nhờ bề dày và kinh nghiệm chính trị sâu rộng của mình trong suốt hơn 40 năm qua. Không những vậy, ông Joe Biden còn rất được lòng các cử tri là tầng lớp lao động da trắng, nhóm người đã giúp Tổng thống đương nhiệm Donald Trump giành chiến thắng vào năm 2016.
Như vậy, nếu ông Joe Biden được bầu chọn là ứng cử viên tổng thống chính thức của đảng Dân chủ, cả hai sẽ phải cạnh tranh tại các tiểu bang Trung Đông Bắc được xem là vùng vành đai công nghiệp (Rust Belt) và Trung Tây – nơi tỷ phú Trump đã giành chiến thắng trước phe Dân chủ bằng cách tập trung khai thác vấn đề khó khăn kinh tế tại bang này.
Bên cạnh đó, cựu Phó Tổng thống Biden còn có lợi thế khi nhận được sự yêu mến của các cử tri người Mỹ gốc Phi, không chỉ ở bang South Carolina mà còn ở một số bang khác như Alabama và đây chính là lý do giúp ông giành chiến thắng tại bang này trong ngày “Siêu thứ Ba”.
Ngoài ra, việc hai ứng cử viên nặng ký là Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar và cựu Thị trưởng thành phố South Bend Pete Buttigieg cùng tuyên bố rời khỏi cuộc đua một ngày trước cuộc bầu cử "Siêu thứ Ba" và công khai ủng hộ cựu Phó Tổng thống Biden đã giúp ông có được sự ủng hộ của các cử tri từng ủng hộ cho hai ứng cử viên này.
Mặc dù vậy, chặng đường phía trước đối với ông Biden vẫn còn nhiều khó khăn khi ông bị đánh giá rằng “thiếu phong thái tổng thống” và việc từng là "phó tướng" của Tổng thống Barack Obama khiến cử tri khó đánh giá về khả năng của ông trong điều hành đất nước nếu ông đứng ở vị trí tổng thống.
Nếu như ông Biden nhận được sự ủng hộ của cử tri người Mỹ gốc Phi thì Thượng nghị sĩ Sanders được coi là "lực hút" hấp dẫn với cử tri theo quan điểm tự do, trong đó có nhóm người Mỹ gốc Latinh. Ban vận động tranh cử của ông đã thiết lập được một liên minh đa thế hệ, đa chủng tộc, nhất là thu hút được lực lượng cử tri trẻ đông đảo, nguồn lực tài chính dồi dào và đây được xem là điểm tựa vững chắc để Thượng nghị sĩ độc lập bang Vermont tiếp tục tiến xa hơn nữa. Tính đến sáng 1/3, ông Sanders cho biết đã gây quỹ được 46,5 triệu USD trong tháng 2, số tiền lớn nhất trong số các ứng cử viên.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Sanders tập trung vào lời hứa về một hệ thống y tế “Medicare cho tất cả”, xóa nợ y tế và nợ sinh viên, xây dựng hệ thống cao đẳng công lập, đại học, trường dạy nghề miễn phí; song song với các biện pháp đánh thuế giới nhà giàu. Ông Sanders còn có một chiến dịch tranh cử bài bản, với nhiều nội dung đã được triển khai từ năm 2015, cùng một mạng lưới các nhà tài trợ và tình nguyện trải dài trên toàn nước Mỹ.
Tuy nhiên, việc ông Sanders tự nhận mình là “nhà xã hội dân chủ” là điểm gây lo ngại khi sự đoàn kết và thống nhất được xem là yếu tố then chốt cần có nếu đảng Dân chủ muốn đánh bại Tổng thống Donald Trump. Cùng với đó, sự cứng nhắc trong tư tưởng của ứng cử viên này là yếu tố chính hạn chế lực lượng ủng hộ ông, khiến ông khó lòng củng cố nền tảng cử tri của mình.
Như vậy, tương quan lực lượng giữa hai bên hiện không có sự chênh lệch lớn khi ông Sanders và ông Biden đều giành được số phiếu đại biểu tương đương nhau. Điều này báo hiệu cuộc đua gay cấn và bất ngờ ở phía trước và đòi hỏi hai ứng cử viên phải đưa ra chiến lược rõ ràng nhằm phát huy lợi thế để có thể tiếp tục chiến thắng trong các bang bầu cử còn lại, hướng tới Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ sẽ diễn ra vào ngày 13-16/7 tới./.
Tin liên quan
-
Kinh tế Thế giới
Bầu cử Mỹ 2020: Ứng cử viên Bernie Sanders giành chiến thắng tại bang California
12:53' - 04/03/2020
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders đã giành chiến thắng tại bang California trong ngày bầu cử “Siêu thứ Ba” ngày 3/3 tại Mỹ.
-
Kinh tế Thế giới
Bầu cử Mỹ 2020: Ứng cử viên Joe Biden tiếp tục chiến thắng tại bang Alabama
09:46' - 04/03/2020
Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiếp tục giành chiến thắng tại bang Alabama sau khi giành chiến thắng tại hai bang Virginia và Bắc Carolina.
-
Kinh tế Thế giới
Bầu cử Mỹ 2020: "Siêu thứ Ba" - Thời điểm quyết định cho các ứng cử viên đảng Dân chủ
11:56' - 03/03/2020
Trong cuộc bầu cử năm 2020, ngoài ngày 3/3, ngày 10/3 và ngày 17/3 cũng có thể được coi là những ngày “Siêu thứ Ba” do số bang bầu cử sơ bộ vào những ngày này cũng lớn.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Thế giới
Triển vọng ảm đạm của Kinh tế Hàn Quốc
16:30'
Triển vọng kinh tế của Hàn Quốc ngày càng trở nên ảm đạm, do những khó khăn trong nước và rủi ro bên ngoài, đặc biệt là với những thay đổi chính sách tiềm năng của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
-
Kinh tế Thế giới
Ngành dầu mỏ Mỹ cảnh báo hậu quả khi không được miễn trừ thuế
16:29'
Chính sách áp thuế nhập khẩu 25% (bao gồm cả dầu thô) với Canada và Mexico của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump được cảnh báo có thể gây hại cho người tiêu dùng, công nghiệp và an ninh quốc gia.
-
Kinh tế Thế giới
EC hỗ trợ các nước EU phát triển kinh tế
16:23'
EC đã công bố gói báo cáo mùa Thu (Autumn Package) được soạn thảo để hỗ trợ các nước thành viên của EU đạt được sự ổn định và tăng trưởng kinh tế vĩ mô, cũng như sự tăng trưởng bền vững về tài chính.
-
Kinh tế Thế giới
Những dấu hỏi về chính sách thuế mới của Mỹ
15:47'
Kinh tế toàn cầu đang đứng trước một làn sóng bất ổn mới khi Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố áp đặt mức thuế cao với hàng hóa nhập khẩu từ các đối tác thương mại lớn của Mỹ.
-
Kinh tế Thế giới
Gazprom có kế hoạch ngừng vận chuyển khí đốt qua Ukraine vào năm 2025
15:26'
Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đang lên kế hoạch cho năm 2025 dựa trên giả định sẽ không còn vận chuyển khí đốt sang châu Âu qua Ukraine sau ngày 31/12.
-
Kinh tế Thế giới
Anh muốn đứng đầu G7 về tỷ lệ việc làm
15:05'
Chính phủ Anh đặt mục tiêu vươn lên đứng đầu Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) về tỷ lệ việc làm.
-
Kinh tế Thế giới
Trung Quốc chống lãng phí thực phẩm
10:02'
Trung Quốc vừa công bố “Chương trình hành động tiết kiệm lương thực và chống lãng phí thực phẩm”, nhằm tiếp tục xây dựng cơ chế bình thường hóa trong toàn chuỗi.
-
Kinh tế Thế giới
Mỹ: Các bên chính thức ký thỏa thuận chuyển giao quyền lực
07:47'
Nhóm chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã ký một biên bản ghi nhớ với Nhà Trắng.
-
Kinh tế Thế giới
EU "đáp trả" vụ Mỹ áp thuế nhập khẩu ô liu Tây Ban Nha
16:19' - 26/11/2024
Liên minh châu Âu (EU) ngày 25/11 đã yêu cầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép áp dụng các biện pháp ứng phó để bù đắp cho việc Mỹ áp thuế nhập khẩu đối với ô liu Tây Ban Nha.