Bầu cử Mỹ 2020: Thế trận chưa thể định hình

15:48' - 23/10/2020
BNEWS Đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump của đảng Cộng hòa và ứng cử viên Joe Biden của đảng Dân chủ đã kết thúc cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng trong chiến dịch vận động tranh cử.

Đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump của đảng Cộng hòa và ứng cử viên Joe Biden của đảng Dân chủ ngày 23/10 (theo giờ Việt Nam) đã kết thúc cuộc tranh luận trực tiếp thứ hai và cũng là cuối cùng trong chiến dịch vận động tranh cử quyết liệt kéo dài nhiều tháng qua.

Sự kiện này được xem là cơ hội quý báu để Tổng thống Trump tái định hình thế trận cuộc đua vào Nhà Trắng, trong khi cựu Phó Tổng thống Biden có thể tận dụng màn tranh luận để củng cố vị thế dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đã có hơn 40 triệu cử tri đi bỏ phiếu sớm, kết quả cuộc tranh luận này có thể không tác động đáng kể đối với sự lựa chọn cuối cùng của cử tri còn lưỡng lự.

Khác với cuộc tranh luận đầu tiên hơn 1 tháng trước được mô tả là "hỗn loạn" khi hai nhân vật chính liên tục to tiếng và ngắt lời nhau, màn "so găng" cuối cùng của hai ứng cử viên hơn 70 tuổi này tại Đại học Belmont ở thành phố Nashville, bang Tennesse, diễn ra thực chất hơn.

Hai ứng cử viên đã điềm tĩnh trả lời các câu hỏi, tập trung về những vấn đề quốc gia đại sự, gắn liền với chính sách đối nội như đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, vấn đề sắc tộc, chăm sóc sức khỏe y tế hay an ninh quốc gia. Hai đối thủ cũng đã thể hiện rõ ràng quan điểm khác biệt trong từng vấn đề.

Nếu như Tổng thống Trump thể hiện sự lạc quan về triển vọng điều chế một loại vaccine phòng COVID-19 vào cuối năm nay cũng như thúc đẩy chính sách mở cửa kinh tế, thì ứng cử viên Biden cảnh báo rằng điều tồi tệ nhất của đại dịch có thể chưa đến và cho rằng nước Mỹ sắp "trải qua một mùa Đông đen tối".

Trong vấn đề chăm sóc sức khỏe y tế, Tổng thống Trump bảo vệ quan điểm thay thế Đạo luật Chăm sóc sức khỏe giá cả phải chăng, còn gọi là Obamacare, bằng một chương trình tốt hơn trong khi vẫn đảm bảo việc bảo vệ sức khỏe tương tự.

Trong khi đó, ông Biden khẳng định sẽ thực hiện những điều chỉnh cần thiết với Obamacare để có thể mở rộng tới những đối tượng có bệnh lý nền và gặp khó khăn kinh tế, đặc biệt sau đại dịch COVID-19.

Hai ứng cử viên cũng tranh cãi gay gắt về chủ đề chủng tộc ở Mỹ, trong bối cảnh đất nước vừa trải qua nhiều tuần căng thẳng vì các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc và phản đối tình trạng cảnh sát lạm dụng quyền lực trong các vụ trấn áp người da màu.

Ông Biden cho biết có kế hoạch giúp cộng đồng người thiểu số có cơ hội phát triển, trong khi Tổng thống Trump khẳng định những nỗ lực của chính quyền trong cải cách tư pháp hình sự, tài trợ cho các trường đại học và cao đẳng hỗ trợ người da màu. Sự đối lập càng được thể hiện rõ nét qua thông điệp cuối cùng mà hai ứng cử viên đưa ra dành cho cử tri.

Trong khi Tổng thống Trump nêu bật sự cần thiết phải khôi phục nền kinh tế đầu tàu thế giới như trước thời điểm đại dịch COVID-19 ập đến, cựu Phó Tổng thống Biden lại kết thúc bằng thông điệp về sự đoàn kết và hy vọng.

Đánh giá về cuộc tranh luận lần này, giới phân tích cho rằng cả ông Trump và ông Biden đã có màn thể hiện tương đối tốt trong nỗ lực lôi kéo sự ủng hộ của cử tri, đặc biệt là nhóm cử tri còn do dự.

Tổng thống Trump được đánh giá phần nào giữ được thái độ bình tĩnh hơn và thể hiện rõ phong thái của một nhà lãnh đạo hơn khi không còn duy trì cách tiếp cận "tấn công toàn diện từ đầu đến cuối" nhằm vào đối thủ, vốn khiến ông bị "mất điểm" sau cuộc tranh luận đầu tiên.

Ông chủ Nhà Trắng cũng được nhìn nhận có những thời điểm tạo ưu thế nổi trội hơn, với những lần "nhấn" đúng nốt và đích đáng hơn.

Đó là khi Tổng thống Trump chỉ trích việc "Luật tội phạm" do ông Biden đề xuất vào những năm 90 của thế kỷ trước đã gây tổn hại cho cộng đồng người da màu, hay tấn công vào những thành tích được cho là "nghèo nàn" của ông Biden trong vấn đề nhập cư và sắc tộc suốt 8 năm giữ cương vị phó tổng thống.

Trong khi đó, ứng cử viên Biden dù không có màn thể hiện hoàn hảo, song được đánh giá là vừa đủ và đã làm mọi điều cần thiết để duy trì thế thượng phong hiện có.

Chính khách 77 tuổi này đã cho thấy ưu thế nhất định trong các vấn đề như cách thức xử lý dịch COVID-19 hay biến đổi khí hậu.

Đến với "vòng quyết đấu" lần này, các kết quả thăm dò dư luận gần đây cho thấy ứng cử viên Biden vẫn duy trì ưu thế so với Tổng thống Trump.

Cuộc khảo sát do Đại học Quinnipiac thực hiện và công bố ngày 22/10 cho thấy cách biệt giữa ông Biden và ông Trump là 10% với tỷ lệ ủng hộ 51%/41%.

Còn theo khảo sát của RealClearPolitics, đến nay ông Biden vẫn dẫn trước ông Trump hơn 8% trên phạm vi toàn quốc.

Trong bối cảnh đã có khoảng 48,5 triệu cử tri đi bỏ phiếu sớm, chiếm 34,5% tổng số cử tri đã đi bầu trong cả cuộc bầu cử năm 2016, cả hai ứng cử viên đều xem cuộc tranh luận cuối cùng là cơ hội then chốt để thuyết phục các cử tri còn do dự.

Mặc dù vậy, mức độ ảnh hưởng của cuộc tranh luận này ra sao vẫn còn là dấu hỏi, bởi trên thực tế bản thân nhiều cử tri dù chưa đi bỏ phiếu song đã có được sự lựa chọn cho riêng mình.

Lịch sử đã chứng minh không phải người chiếm ưu thế trong cuộc tranh luận đều chắc suất vào Nhà Trắng. Năm 2016, bà Hillary Clinton được công nhận chiến thắng cả 3 vòng đối đầu với ông Trump, nhưng cuối cùng thất cử.

Theo kết quả thăm dò ý kiến mới nhất do hãng ABC7 News thực hiện, chỉ có 10% người tham gia thăm dò cho rằng cuộc tranh luận cuối cùng giữa ông Trump và ông Biden thay đổi suy nghĩ của họ về ứng cử viên mà họ ủng hộ, trong khi có tới 90% người trả lời "Không".

Nhà nghiên cứu chính trị Yanna Krupnikov thuộc Đại học Stony Brook (Mỹ) đánh giá hầu hết mọi người theo dõi các cuộc tranh luận đã lựa chọn được ứng cử viên, do đó kể cả khi ứng cử viên của họ không thể hiện tốt, họ vốn đã có quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai.

Cùng chung quan điểm, Giáo sư Jack Pitney thuộc trường Cao đẳng Claremont McKenna (Mỹ) nhận định các cuộc tranh luận ảnh hưởng nhiều tới suy nghĩ của cử tri, cho rằng cử tri không phải theo dõi những màn đối đầu này để ra quyết định, mà nhằm củng cố sự ủng hộ của họ đối với ứng cử viên yêu thích.

Giáo sư James Borton, chuyên gia cao cấp của Trung tâm Ngoại giao khoa học thuộc Đại học Tuft (Mỹ), thì cho rằng hai chính khách đã bộc lộ những thế mạnh và điểm yếu của mình cùng quan điểm rõ ràng trong cuộc tranh luận cuối cùng. Tuy nhiên, ông cũng nhận định "màn so găng" này sẽ không tác động nhiều tới quyết định của các cử tri.

Mặc dù vậy, trong một số trường hợp, các cuộc tranh luận lại phát huy tác dụng. Năm 1960, màn thể hiện khả năng lập luận lưu loát, rành rọt trong cuộc tranh luận với đối thủ Richard M. Nixon đã trở thành một yếu tố làm nên chiến thắng của ông John F. Kennedy.

Bà Kathleen Hall Jamieson, Giám đốc Trung tâm Chính sách công Annenberg tại Đại học Pennsylvania, nhận định việc phân tích ảnh hưởng chính xác của các cuộc tranh luận đối với cử tri là rất khó, nhưng rõ ràng "chúng có ý nghĩa quan trọng".

Bà nêu rõ: "Đây là cơ hội duy nhất trong mùa bầu cử để so sánh hai ứng cử viên khi họ trả lời cùng một vấn đề tại cùng một nơi. Bạn có thể hiểu được tính khí và khả năng ứng biến của họ".

Ông Bill Benoit, Giáo sư về nghiên cứu truyền thông tại Đại học Alabama ở Birmingham (Mỹ), cho rằng: "Các cuộc tranh luận đúng là làm thay đổi lựa chọn bỏ phiếu của một số cử tri, nhưng thường là chúng khiến cử tri củng cố quan điểm về một chiến dịch hơn. Tranh luận không phải là yếu tố đơn lẻ định đoạt một chiến dịch sẽ thua hay thắng, nhưng nó chắc chắn củng cố hoặc làm suy yếu một chiến dịch".

Trong bối cảnh chỉ còn khoảng 10 ngày nữa là đến giờ G, ứng cử viên Biden vẫn đang được đánh giá cao và liên tục dẫn trước đương kim Tổng thống Trump về tỷ lệ ủng hộ trên toàn quốc và tại các bang chiến địa. Với số tiền gây quỹ tăng lên mức kỷ lục, cựu Phó Tổng thống Biden đang có lợi thế lớn về mặt tài chính, tạo điều kiện cho ông phủ sóng rộng rãi thông điệp tranh cử khi chặng đua chỉ còn tính bằng tuần.

Tuy nhiên, đảng Dân chủ có lẽ không thể quên "sự đảo chiều đầy đau đớn" trong cuộc bầu cử tổng thống 2016, khi mọi dự đoán đều nghiêng về ứng cử viên Hillary Clinton với một chiến thắng vang dội, song vị trí chủ nhân Nhà Trắng cuối cùng vẫn thuộc về ông Trump.

Do đó, với một cuộc đua khó đoán định, tiềm ẩn những yếu tố bất ngờ và khó lường như bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, bất luận kết quả của cuộc tranh luận cuối cùng giữa hai ứng cử viên tổng thống ra sao hay thế trận đang nghiêng về bên nào, thì đáp án cuối cùng vẫn phụ thuộc vào ngày định mệnh 3/11 tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục