Bầu cử Tổng thống Pháp: Hai ứng viên lọt vào vòng hai công kích lẫn nhau

10:37' - 26/04/2017
BNEWS Hai ứng cử viên lọt vào vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống Pháp gồm ông Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen ngày 25/4 đã công kích lẫn nhau.

Hai ứngcử viên Tổng thống Pháp là ông Emmanuel Macron (trái) và bà Marine Le Pen (phải). Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Macron cáo buộc đối thủ của mình đang "kích động thù hận", còn bà Le Pen cáo buộc ông Macron là "ứng cử viên của chính thể tập quyền".

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ứng cử viên trung dung Macron sẽ giành ít nhất 60% phiếu ủng hộ sau khi hai đối thủ khác bị đánh bại tại vòng 1 cam kết sẽ ủng hộ ông Macron nhằm ngăn chặn trào lưu chống nhập cư và hoài nghi châu Âu của ứng cử viên Le Pen.

Tuy nhiên, bà Len Pen đang tìm cách đảo ngược cục diện khi phác họa chân dung cựu Bộ trưởng Kinh tế Macron 39 tuổi, như một kẻ yếu thế trong cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo cực đoan.

Ngoài ra, bà Le Pen cũng lên tiếng chỉ trích ông Macron quá "tự mãn" với chiến thắng trong vòng một cuộc bầu cử Tổng thống hôm 23/4 vừa qua, trong đó ông Macron dẫn đầu với 23,82% số phiếu gủng hộ và bà Le Pen về thứ hai với 21,58% số phiếu ủng hộ.

Trả lời phỏng vấn trên truyền hình, bà Le Pen đã cáo buộc đối thủ Macron thân Liên minh châu Âu (EU) đại diện cho cơ chế "toàn cầu hóa dễ dãi" và thiếu tình yêu đối với nước Pháp.

Bà Le Pen cho rằng "tất cả người dân Pháp đang thấy rằng ông Macron hành động như thể đã là người chiến thắng". Cho rằng đây là hành động thiếu tôn trọng cử tri và nền dân chủ Pháp.

Trong khi đó, Chủ tịch đảng Xã hội Jean-Christophe Cambadelis cũng phát biểu trên đài phát thanh Pháp cho rằng ứng cử viên Macron đã "tự mãn và sai lầm khi nghĩ rằng mình đã chiến thắng trong cuộc đua, trong khi cuộc chiến chưa kết thúc".

Về phần mình, ông Macron đã bác bỏ những lời công kích và cáo buộc nói trên, ông nhấn mạnh "chưa có chiến thắng nào cả" trong cuộc đua với đối thủ cực hữu Le Pen và ông cũng không "nghỉ ngơi hay tự mãn" sau khi dẫn đầu trong vòng 1 cuộc bầu cử.

Phát biểu khi tới thăm một bệnh viện gần Paris trong chiến dịch vận động của mình, ông Macron nhấn mạnh ông không coi việc dẫn đầu trong cuộc bầu cử hôm 23/4 là một chiến thắng, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục cuộc đua trong hai tuần tới và bảo vệ đến cùng chiến dịch tranh cử tiến bộ của mình.

Ông cũng giải thích việc có các bữa tiệc sau khi có kết quả bầu cử vòng 1 không phải là sự ăn mừng và cho biết khách đến bữa tiệc chủ yếu là những người vận động tranh cử của ông - vốn đã trải qua một năm làm việc rất vất vả. Ứng cử viên sáng giá này cũng tuyên bố ông luôn hoàn thành nhiệm vụ của mình và không có gì phải hối tiếc.

Trong một diễn biến được cho là sự bất lợi đối với bà Le Pen, Nghị viện châu Âu (EP) cho biết đã bắt đầu xem xét tước quyền miễn trừ truy tố của ứng cử viên này. Dự kiến, EP sẽ bắt đầu tiến trình tước quyền miễn trừ của bà Le Pen trong ngày 26/4 do cáo buộc bà này sử dụng sai mục đích các khoản quỹ của EU.

Các thẩm phán Pháp đã yêu cầu EP tước quyền miễn trừ của bà Le Pen nhằm cho phép họ điều tra kỹ hơn về các cáo buộc bà này lạm dụng công quỹ của EU để chi trả cho các phụ tá của bà. Hai quan chức Nghị viện châu Âu cho biết sẽ đưa ra thông báo chính thức tại buổi họp toàn thể ở Brussels vào chiều 26/4. Bà Le Pen có thể sẽ bị triệu tập tới EP sớm nhất vào tuần tới để giải thích về vụ việc này.

Tuy vậy, nhiều dự đoán cho rằng có thể bà sẽ lại không đến vì thời điểm diễn ra vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp không còn nhiều. Cho đến nay, bà Le Pen luôn tố cáo các hoạt động tố tụng chống lại bà là âm mưu chính trị.

Mặc dù đã giành được sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri Pháp tại vòng 1 bầu cử, tuy nhiên, giới phân tích cho rằng ứng cử viên Le Pen vẫn thiếu đa số phiếu ủng hộ cần thiết để có thể giành chiến thắng trong vòng bầu cử quyết định sắp tới, và ứng cử viên độc lập Emmanuel Macron sẽ dễ dàng đánh bại bà Le Pen với ít nhất 60% số phiếu ủng hộ.

>>>Cả hai ứng viên Tổng thống Pháp gặp khó khi hình thành phe đa số tại Quốc hội

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục