Bên lề kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII: Nhiều thách thức trong nhiệm kỳ Chính phủ mới

14:47' - 09/04/2016
BNEWS Chính phủ mới phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức khi hội nhập sâu vào thế giới, thực hiện các hiệp định TPP, hiệp định thị trường tự do ASEAN, EU và các hiệp định song phương khác.

Những mong mỏi, kỳ vọng vào một nhiệm kỳ Chính phủ mới đã được các đại biểu trải lòng cùng phóng viên Thông tấn xã Việt Nam bên hành lang Quốc hội.

Nhìn nhận về dấu ấn của Chính phủ trong 5 năm qua, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho rằng rất đáng ghi nhận trong thực hiện ba đột phá chiến lược: cải cách thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Lê Như Tiến. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Ông cho biết rất kỳ vọng vào những gương mặt mới của Chính phủ, từ Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng - có khá nhiều người mới, nhưng phần lớn là những người đã từng trải qua, kinh qua nhiều cương vị công tác khác nhau, có kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành.

Tuy nhiên, theo đại biểu Lê Như Tiến, sắp tới nước ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức khi hội nhập sâu vào thế giới, thực hiện các hiệp định TPP, hiệp định thị trường tự do ASEAN, EU và các hiệp định song phương khác.

Điều này đòi hỏi bộ máy của Chính phủ phải có năng lực đặc biệt trong chỉ đạo điều hành, ứng xử với các tình huống diễn ra hàng ngày và phải rất nhanh, rất nhạy cảm.

Nếu điều hành theo cách cũ hiệu quả sẽ không cao vì Việt Nam hội nhập sâu với thế giới, đặc biệt là đối với các nước tiên tiến, có trình độ công nghệ cao, Chính phủ điện tử từ hàng chục năm nay, các thành viên Chính phủ cũng phải phấn đấu để hòa nhập được, hội nhập được với đòi hỏi cao của thế giới.

Cho rằng còn nhiều vấn đề bức xúc, như cải cách thủ tục hành chính, người dân vẫn trông đợi cải cách mạnh mẽ hơn nữa hay phòng chống tham nhũng, phòng chống lãng phí tuy có bước tiến nhất định nhưng người dân, cử tri còn cảm thấy chưa hài lòng, đặc biệt là vấn đề nợ công, nợ quốc gia ngày càng nhiều lên, vượt quá ngưỡng cho phép, đại biểu cảnh báo điều này sẽ trở thành gánh nặng cho thế hệ sau là con cháu chúng ta.

“Tôi thấy còn một việc nữa ít đại biểu nhắc tới, đó chính là chỉ số ICOR, chỉ số đầu tư trên tăng trưởng. Trong khi các nước trong khu vực và trên thế giới người ta đầu tư 3-4 thì được 1 tăng trưởng, chúng ta vẫn còn 6,92 đầu tư mới được 1 tăng trưởng có nghĩa là càng đầu tư, càng thất thoát lãng phí vốn.

Đó chính là những cảnh báo để cho Chính phủ nhiệm kỳ tới quan tâm nhiều hơn nữa đến chất lượng đầu tư, hiệu quả đầu tư, chứ không phải là đầu tư một cách dàn trải và đầu tư bằng mọi giá” – đại biểu Lê Như Tiến nói.

Cũng như đại biểu Lê Như Tiến, cùng quan tâm đến vấn đề kinh tế, đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) mong muốn Chính phủ khắc phục được những tồn tại của đất nước, tồn tại của nền kinh tế.

Theo đại biểu Thụ, những tồn tại ấy không dễ gì giải quyết một sớm, một chiều mà phải kiên trì giải quyết trong nhiều năm, đó là nâng cao chất lượng nền kinh tế, tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới một cách toàn diện, quyết liệt hơn, đồng bộ hơn, có hiệu quả hơn.

Đại biểu Bùi Đức Thụ phát biểu trong một phiên họp của Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Các cân đối lớn của nền kinh tế quốc dân, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ổn định chính sách tiền tệ là vấn đề thách thức với chính sách tài khóa; cân đối ngân sách nhà nước thời gian tới hết sức khó khăn, áp lực tăng nợ công nguy cơ vượt trần hiệu hữu, áp lực trả nợ cao, cân đối ngân sách, cân đối tài chính nợ công trong thời gian tới hết sức khó khăn – ông Thụ cho hay.

Đứng trên góc độ của một nhà kinh tế, đại biểu Bùi Đức Thụ cho rằng hơn lúc nào hết, an ninh tài chính phải là nhiệm vụ trọng tâm, phải coi như vấn đề cốt tử đối với nền kinh tế, phải giữ cho được an ninh tài chính, an ninh tiền tệ. Đây chính là điều kiện để phát triển ổn định, phát triển bền vững.

Ông Bùi Đức Thụ đề xuất trong nhiệm kỳ tới Chính phủ phải rà lại chính sách thu cho hợp lý, quản lý chặt chẽ chi ngân sách, cân nhắc hết sức thận trọng trong việc ban hành chính sách mới làm tăng chi, đặc biệt tăng chi thường xuyên, tái cơ cấu lại ngân sách nhà nước, giảm chi thường xuyên, tăng chi trả nợ, tăng chi đầu tư phát triển và hơn lúc nào hết phải lấy hiệu quả của sử dụng ngân sách, lấy kỷ luật tài chính là nhiệm vụ số 1.

Theo đó, phải kiên quyết thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, khó khăn đến mấy cũng phải làm cho được.

Còn theo đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh), Chính phủ nhiệm kỳ tới sẽ gặp rất nhiều thách thức. Chính phủ nhiệm kỳ qua đã làm được những vấn đề mang tính chất ứng phó linh hoạt tình hình, nhưng cái tồn tại còn lớn, đó là những vấn đề trung và dài hạn, trong đó có vấn đề cơ cấu kinh tế, bài toán nguồn nhân lực, điều đó hiện nay đang đặt ra những thách thức kép.

“Tôi cho rằng thách thức cho Chính phủ nhiệm kỳ mới là hội nhập quá sâu rộng, trong khi nó khác với thời năm 2006 - khi gia nhập WTO, doanh nghiệp phấn khởi hồ hởi, còn bây giờ doanh nghiệp đa số là lo lắng, đó là những thách thức đặt ra” – ông Trần Du Lịch nói.

Chia sẻ kỳ vọng của mình, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho biết: Ông mong muốn có sự phối hợp nhịp nhàng hơn, tốt hơn giữa các thành viên được phân công trách nhiệm từng lĩnh vực, giữa Chính phủ, Quốc hội với Chủ tịch nước. Các vị này với vai trò là Ủy viên Bộ Chính trị hay Ban Chấp hành Trung ương, cần có sự phối kết hợp và thường xuyên thông tin hơn nữa – đại biểu Hoàng nêu ý kiến./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục