Bên lề Quốc hội: Cần có chính sách đặc thù về điều hành giá xăng dầu

12:18' - 06/06/2022
BNEWS Việc bình ổn giá xăng dầu phải thực hiện bằng nhiều giải pháp, cơ bản là tăng nguồn cung. Việc giảm thuế, phí chỉ là biện pháp tức thời thời và điều chỉnh nhanh để giảm chi phí trong giá sản phẩm.

Trước thông tin "Giá xăng chỉ 13.000 đồng/lít, Malaysia muốn xuất khẩu xăng sang Việt Nam", đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, chúng ta có chính sách điều hành giá xăng dầu riêng, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, Nhà nước và người dân, nên chúng ta không nên áp dụng máy móc như các nước. Việc trợ giá sẽ là không khả thi và thậm chí có thể gây ra bất bình đẳng hay bị trục lợi.

Bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 6/6, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn đại biểu Hoàng Văn Cường xung quanh nội dung này.

Phóng viên: Thưa đại biểu, giá xăng dầu trong nước tăng liên tiếp và đứng ở mức cao, trước thông tin Malaysia muốn xuất 300 nghìn lít xăng RON 95 sang Việt Nam với giá rẻ, đại biểu có nhận định thế nào về vấn đề này?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Tôi cho rằng, việc bình ổn giá xăng dầu phải thực hiện bằng nhiều giải pháp, nhưng cơ bản là tăng nguồn cung. Việc giảm thuế, phí chỉ là biện pháp tức thời và điều chỉnh nhanh để chúng ta giảm chi phí cấu thành trong giá sản phẩm, điều chỉnh nguồn cung mới là giải pháp cơ bản. Việc tăng nguồn cung có thể từ khai thác và chế biến trong nước như: Tăng cường khai thác lọc hóa dầu trong nước và tăng dự trữ để có một lượng dự trữ đủ lớn thì giá xăng sẽ không bị ảnh hưởng bởi biến động bên ngoài.

Nếu như có các nguồn nhập khẩu với mức giá phù hợp thì đó cũng là một cách rất quan trọng để tăng nguồn cung. Tôi nghĩ không có lý do gì khi giá xăng dầu trong nước cao và có nguồn nhập khẩu với giá ưu đãi mà chúng ta lại không tính đến nguồn này.

Phóng viên: Hiện nay, do Chính phủ trợ giá nên giá xăng của Malaysia chỉ 13.000 đồng/lít. Theo ông đây có phải là giải pháp tối ưu, vì hiện nay giá xăng dầu trong nước biến động rất mạnh và đứng ở mức cao?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Chúng ta có chính sách điều hành giá xăng dầu riêng, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, Nhà nước và người dân nên chúng ta không áp dụng máy móc như các nước. Nếu nhập được nguồn xăng dầu giá rẻ thì chúng ta sẽ hòa chung vào nguồn trong nước chứ không thể tách riêng lô hàng này được trợ giá và bán với mức giá thấp.

Do vậy, việc trợ giá là không khả thi và thậm chí có thể gây ra bất bình đẳng hay bị trục lợi. Dù chúng ta có nhận được lô hàng trợ giá; thậm chí ngay cả lô hàng cho không thì chúng ta vẫn phải thực hiện việc điều hành chung của quốc gia.

Phóng viên: Dự trữ xăng dầu quốc gia là giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng và nguồn cung cho nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay, dự trữ xăng dầu quốc gia cực kỳ mỏng, không có kho dự trữ riêng. Thưa ông, làm thế nào để dự trữ xăng dầu quốc gia đáp ứng đủ nguồn cung cho nền kinh tế?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Đúng, dự trữ xăng dầu là một giải pháp quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng nhưng dự trữ xăng dầu mà để một khu vực riêng của quốc gia với nguồn xăng dầu kinh doanh cũng chưa chắc đã phải là tốt.

Bởi, điều này có thể ảnh hưởng đến những yếu tố như: Chất lượng, hao phí, hao hụt hay nhiều yếu tố khác. Do vậy, trung chuyển nguồn dự trữ là rất cần thiết và cần phải thực hiện thường xuyên. Chính vì vậy, tôi cho rằng phương thức để chung nguồn xăng dầu dự trữ quốc gia cùng với nguồn dự trữ của doanh nghiệp là một phương thức phối hợp tốt.

Quan trọng nhất là chúng ta phải kiểm tra giám sát để xem việc tuân thủ của các doanh nghiệp xăng dầu có duy trì đúng mức dự trữ theo quy định hay không. Để tránh tình trạng trên sổ sách thì có nhưng trên thực tế lại trống rỗng, đó mới là điều nguy hại.

Việc tăng thêm dự trữ xăng dầu quốc gia cũng là một việc cần thiết. Tuy nhiên, khi tăng dự trữ quốc gia đi kèm theo đó là tăng các nguồn kinh phí ngân sách sẽ bị tồn đọng. Do vậy, cần có sự kết hợp hài hòa giữa dự trữ quốc gia với dự trữ của các doanh nghiệp.

Trên thế giới, tôi cho rằng, dự trữ xăng dầu của các nước là kinh doanh theo cơ chế thị trường, việc dự trữ của doanh nghiệp vô cùng quan trọng. Dự trữ xăng dầu của doanh nghiệp ở đây không phải là dự trữ bằng việc mua về tồn kho ở đó. Mà chúng ta biết rằng, trong kinh doanh xăng dầu thường áp dụng phương thức mua bán theo hợp đồng. Đó là biện pháp phổ biến trên thế giới.

Tôi cho rằng, Chính phủ cần có khuôn khổ pháp lý, mặc dù, hiện nay, Bộ Công Thương cho phép các công ty kinh doanh xăng dầu hoàn toàn được quyền mua bán theo hợp đồng nhưng hầu hết các công ty hiện nay đều chưa thực hiện biện pháp này. Bởi, có những yếu tố có thể là phòng tránh được rủi ro rất tốt nhưng cũng có thể chưa chắc đã hiệu quả; đồng thời có thể gây ra hệ lụy trong kinh doanh ổn định và gây hệ lụy cho chính doanh nghiệp. Vì vậy, Chính phủ cần có chính sách để bảo vệ doanh nghiệp khi thực hiện hợp đồng mua bán trước để phòng tránh rủi ro khi biến động giá thị trường.

Phóng viên: Bộ trưởng Bộ Công Thương có nói về khó khăn trong dự trữ xăng dầu. Theo ông, trong bối cảnh giá xăng dầu biến động khó lường, chúng ta có nên tăng dự trữ bằng tiền để sẵn sàng mua bù đắp khi cần thiết?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Tôi không nghĩ rằng dự trữ xăng dầu là dự trữ bằng tiền. Tất nhiên, chúng ta phải có nguồn lực tài chính để đáp ứng nhu cầu, nhưng chỉ có tiền mà không có nguồn xăng dầu thì không thực hiện được vai trò bình ổn nguồn cung.

Các công ty xăng dầu, họ kinh doanh chứ không dự trữ trong kho, mà dự trữ bằng các hợp đồng mua bán trước. Với hợp đồng mua bán trước, doanh nghiệp xăng dầu không cần nhập hàng về để trong kho, đến thời điểm nào cần, doanh nghiệp mới nhập hàng về và trả tiền.

Có thể, thời điểm đó doanh nghiệp phải chấp nhận trả tiền cao hơn giá thị trường nhưng cũng có thể thời điểm đó doanh nghiệp lại trả tiền thấp hơn giá thị trường vì đó là hợp đồng mua bán trước. Đây cũng là một phương thức dự trữ, tôi cho rằng, cần phải tính toán đến.

Phóng viên: Thưa ông, cơ chế như ông nói, doanh nghiệp có thể ký các hợp đồng mua bán trước. Như vậy, phần lợi ích doanh nghiệp sẽ được chia sẻ như thế nào?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Về nguyên tắc, chúng ta không cấm các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức này. Chúng ta đều biết, với hợp đồng mua bán trước như thế nếu gặp phải những thời điểm giá xăng dầu tăng nhanh như hiện nay thì rõ ràng doanh nghiệp ký kết rất có lợi và lợi nhuận rất cao.

Thế nhưng cũng có thể đến thời hạn mua và nhận hàng thì giá thị trường tụt xuống, như vậy đương nhiên việc ký kết mua hàng trước là không có hiệu quả, doanh nghiệp phải chịu rủi ro.

Tôi cho rằng, cơ chế quản lý hiện nay còn đang có những vấn đề khiến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chưa mặn mà với những hoạt động đầu tư có tính chất rủi ro.

Phóng viên: Trao đổi bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, nếu như ép giá xăng dầu là một mặt hàng đầu vào với giá thấp thì có thể gây ra thiệt hại, hệ lụy cho nền kinh tế. Chẳng hạn như chúng ta có thể đối diện với những biện pháp về thuế, kiện chống bán phá giá của các nước. Ông có đồng tình với quan điểm của người đứng đầu ngành công thương?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Nếu chúng ta dùng những biện pháp hành chính hoặc những biện pháp trợ cấp để ép giá xăng dầu xuống thấp, thì việc đó hoàn toàn có thể rơi vào trạng thái của bên kiện chống phá giá.

Còn nếu chúng ta dùng các biện pháp thị trường một cách sòng phẳng thì không có cơ sở nào để các nước kiện chúng ta. Nói ví dụ như là những cam kết về cắt giảm thuế nhập khẩu thì chúng ta hoàn toàn có quyền được cắt giảm hoặc là những vấn đề về thuế giá trị gia tăng hay thuế môi trường hay thuế tiêu thụ đặc biệt đấy là quyền của mỗi quốc gia. Chính phủ có thể áp dụng các giải pháp như một số nước; nếu bỏ tiền ra thì việc đó mới vi phạm vào yếu tố về hiện trạng.

Phóng viên: Xin cám ơn đại biểu!


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục