Bên lề Quốc hội: Cần rà soát và điều chỉnh lại Luật Đầu tư công

16:15' - 15/06/2017
BNEWS Cần sửa đổi, bổ sung những quy định trong Luật Đầu tư công; giao quyền tự chủ cho các địa phương trong việc sử dụng nguồn thu ngân sách nhà nước ở địa phương; xác định rõ về phân bổ nguồn vốn…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN

Đây là những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm chia sẻ bên lề hành lang Quốc hội ngay sau Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng ngày 15/6.

Đại biểu Nguyễn Văn Thể (đoàn Sóc Trăng): Cần sửa đổi, bổ sung những quy định trong Luật Đầu tư công

“Tôi thấy hoạt động xây dựng cơ bản, có tác dụng rất lớn cho phát triển kinh tế xã hội. Khi chúng ta triển khai xây dựng cơ bản sẽ góp phần tăng trưởng GDP, ngoài ra, các mục đầu tư của năm nay sẽ tạo ra tiền đề cho sự phát triển của những năm tiếp theo. Do đó, hoạt động xây dựng cơ bản và kế hoạch xây dựng cơ bản là hết sức quan trọng.

Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng, Luật Đầu tư công hiện nay còn một vài vấn đề cần sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc chuẩn bị cho danh mục đầu tư công là chuẩn bị từ năm 2014, đến nay năm 2017, cả một quá trình 2-3 năm như thế, đến nay, chúng ta vẫn chưa phân khai toàn bộ ngân sách của năm 2017. Như vậy, thủ tục kéo dài do đầu mối quá ít, chúng ta tập trung ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư quá nhiều.

Tôi nghĩ cần phân khai cho các tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chính phủ chỉ cần quản lý về mục tiêu đầu tư và phần vốn phân bổ. Nếu địa phương nào làm sai thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Nếu được như vậy, chúng ta sẽ có nhiều đầu mối và xử lý được công việc, lúc đó sẽ nhanh hơn rất nhiều và chỉ cần tăng cường giám sát.

Tôi cho rằng, ngân sách nhà nước có mà không hoàn thiện được những công trình, việc này là có lỗi đối với dân. Do đó, cần có một điều chỉnh mới đối với Luật Đầu tư công, để làm sao cho nhanh hơn, tốt hơn và đưa vốn ngân sách nhà nước vào xã hội nhanh hơn”.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh): Giao quyền tự chủ cho các địa phương

“Tôi đánh giá, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mới trả lời đáp ứng được 70% yêu cầu câu hỏi của các đại biểu. Tôi chia sẻ với Bộ trưởng, vì chỉ hơn 11 tháng nhận nhiệm vụ đến nay, Bộ trưởng phải quản lý và nắm bắt tất cả các lĩnh vực về kế hoạch và đầu tư.

Một trong những vấn đề, được nhiều đại biểu quan tâm là phải rà soát, điều chỉnh lại Luật Đầu tư công. Tôi nghĩ rằng, rất cần thiết. Bởi, trước tình hình đầu tư công lãng phí sử dụng không hiệu quả trong thời gian vừa qua, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Đầu tư công và có hiệu lực từ năm 2015.

Tuy nhiên, qua 2 năm chúng ta thấy có những ách tắc trong việc triển khai đầu tư. Do đó, trước hết cần tăng thêm tính tự chủ cho các địa phương; đặc biệt là các địa phương cần tự chủ nguồn tài chính của mình, các địa phương có nguồn thu ngân sách để điều chuyển về Trung ương.

Như vậy, những địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội có những khoản quyết định về đầu tư mà sử dụng ngân sách của địa phương thì chúng ta có thể ủy quyền cho địa phương ra các hội đồng thẩm định để ra chủ trương đầu tư cho kịp thời.

Tôi cho rằng, đây là vấn đề cấp bách, chúng ta cần sớm giao quyền tự chủ đó cho các địa phương mà có tự chủ về nguồn thu ngân sách nhà nước”.

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (đoàn Thừa Thiên Huế): Xác định rõ về phân bổ nguồn vốn

“Như Nghị quyết Trung ương Đảng đã đề cập, chúng ta phải tập trung trong nhiệm kỳ tới là chú trọng tăng trưởng kinh tế kết hợp với chiều rộng và chiều sâu. Tôi cho rằng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phân tích chiều sâu là lĩnh vực nào, ngành nào để xác định cho rõ, để phân bổ nguồn vốn.

Theo đó, phân bố như thế nào để thông thoáng, kịp thời. Khi chủ trương đầu tư đã có, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải làm thế nào để giải quyết nhanh, đảm bảo thời gian để chuyển vốn, tránh ách tắc vốn...

Theo tôi, đây là những vấn đề bức xúc của xã hội, bức xúc của người dân; đặc biệt là đối với những dự án treo. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có chiến lược hơn, không đi sâu vào những vấn đề cụ thể. Đây là Bộ tổng tham mưu để đảm bảo về phát triển kinh tế xã hội và quốc phòng an ninh.

Ngoài ra, một số lĩnh vực mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tập trung là phối hợp với các Bộ; đặc biệt là Bộ Tài chính. Theo tôi, vai trò của 2 Bộ này cần có sự thống nhất”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục