Bên lề Quốc hội: Đưa tài chính về đất đai trở thành công cụ nâng cao hiệu quả sử dụng đất

17:51' - 01/11/2022
BNEWS Sau gần 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này nhằm tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất.

Trong bối cảnh tài chính đất đai và giá đất chưa phản ánh đúng thực tế thị trường, đây trở thành là một trong nội dung được quan tâm tại Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội ngày 1/11.

Bên lề Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với đại biểu Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội về việc làm thế nào để cơ chế, chính sách tài chính về đất đai bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư?

Phóng viên: Đại biểu đánh giá như thế nào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này?

Đại biểu Phan Đức Hiếu: Sau gần 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này nhằm tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được kỳ vọng giải quyết được các “điểm nghẽn” về đất đai như thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa ổn định, cải cách hành chính trong quản lý đất đai chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, tài chính đất đai và giá đất chưa phản ánh đúng thực tế thị trường…

Mục tiêu quan trọng nhất là bảo đảm nhu cầu sử dụng đất trong phát triển kinh tế - xã hội, đưa nguồn lực đất đai vào sản xuất kinh doanh và nâng cao đời sống xã hội, từ đó tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao trong 10 – 20 năm tới.

Phóng viên: Tài chính về đất đai được đánh giá là sửa đổi lớn trong dự án Luật này, đại biểu nhận định vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Phan Đức Hiếu: Với cách tiếp cận tài chính công, cụ thể trong lĩnh vực đất đai, khái niệm tài chính về đất đai có thể hiểu là nghĩa vụ vật chất liên quan đến quyền sử dụng. Như vậy, đây cần được coi là công cụ để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần nhìn nhận vấn đề này một cách rộng hơn, bao quát hơn, theo hướng thúc đẩy sử dụng công cụ này tạo ra giá trị gia tăng, không chỉ vấn đề nguồn thu trực tiếp từ giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Bởi, nếu chỉ tập trung vào những vấn đề đó thì có mặt tích cực nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ tác động đến nền kinh tế. Ví dụ, giá đất tăng dẫn đến chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh tăng, dẫn đến việc doanh nghiệp hạn chế gia nhập thị trường. Hoặc, chỉ doanh nghiệp có khả năng về tài chính có thể tiếp cận với đất đai, gây méo mó thị trường.

Trong khi đó cân bằng giữa giá đất và giá trị gia tăng từ đất sẽ bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Nếu doanh nghiệp tiếp cận được đất đai sẽ phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó tạo ra nguồn thu thuế, giải quyết bài toán lao động cho địa phương. Lúc này, tài chính từ đất đai không chỉ tập trung vào giá đất, tăng thu trực tiếp từ đất.

Phóng viên: Bên cạnh tài chính về đất đai, giá đất, theo đại biểu, làm thế nào để phát huy vai trò của đất đai trong phát triển kinh tế - xã hội?

Đại biểu Phan Đức Hiếu: Để phát huy vai trò của đất đai, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Đây là căn cứ để phân bổ đất theo cách khoa học, thuận tiện trong phát triển kinh tế - xã hội.

Bởi, nếu quy hoạch, kế hoạch không tốt, không hợp lý sẽ trở thành rào cản trong phân bổ nguồn lực, từ đó tạo ra dự án treo, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống xã hội của người dân, cũng như gián tiếp gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước.

Việc này đòi hỏi quá trình quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải được tính toán kỹ lượng, đặc biệt bảo đảm tương thích trong lập quy hoạch giữa cấp trên cấp dưới, ngang cấp, cấp thời gian. Hiện nay quy hoạch có quy hoạch quốc gia, vùng, rồi chia thành các cấp hành chính và các quy hoạch được lập theo khung thời gian khác nhau. Điều này có thể dẫn tới việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thiếu đồng nhất.

Đơn cử, trong trường hợp quy hoạch cùng cấp thì cái nào cần tương thích với cái nào. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần làm rõ tiêu chí nào, điều kiện nào xác định tương thích trong lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Chừng nào quy hoạch không tương thích sẽ hình thành điểm nghẽn trong phân bổ nguồn lực đất đai nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Phóng viên: Đại biểu có đề xuất gì cho việc phân bổ nguồn lực đất đai trong thời gian tới?

Đại biểu Phan Đức Hiếu: Để đất đai thực sự trở thành nguồn lực phát triển, cần đa dạng hoá công cụ phân bổ nguồn lực này, đặc biệt cần nhiều hơn quy định để phát triển đầy đủ thị trường quyền sử dụng đất.

Cụ thể, tăng dư địa trong thị trường quyền sử dụng đất thông qua việc bổ sung cơ chế, cách thức giao dịch trên thị trường về góp vốn là quyền sử dụng đất, cơ chế để cho thuê rồi cho thuê lại quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất…

Thực tế với trường hợp góp vốn bằng quyền sử dụng đất hiện nay đồng nghĩa với chuyển nhượng toàn bộ quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp. Ở một góc độc nào đó là tạm “mất đất”, nếu doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả.

Trong trường hợp này, nên chăng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần xem xét bổ sung cơ chế cấp quyền sử dụng đất nhưng có thời hạn. Để người góp vốn có quyền nhận lại đất sau thời gian góp vốn và tiếp tục sử dụng nguồn lực này.

Trong bối cảnh thị trường phát triển hiện nay, nếu bó hẹp công cụ trong mệnh lệnh hành chính là thu hồi đất và giao đất, phân bổ đất thì đồng nghĩa với việc bó hẹp việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giảm hiệu quả phân bổ và sử dụng đất.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục