Bên lề Quốc hội: Lựa chọn nhà đầu tư Sân bay Long Thành phù hợp

12:57' - 12/11/2019
BNEWS Bên lề Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, phóng viên BNEWS ghi lại ý kiến đại biểu xung quanh việc hiện nay Chính phủ đang trình đề nghị ACV đấu thầu thực hiện dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Sáng 12/11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đây là một trong những dự án trọng điểm quốc gia cần được Quốc hội phê duyệt.

Bên lề Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, phóng viên TTXVN đã ghi lại ý kiến của các đại biểu xung quanh việc hiện nay Chính phủ đang trình đề nghị Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đấu thầu thực hiện dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Vậy, việc giao cho ACV liệu có công bằng khi rất nhiều doanh nghiệp cũng có khả năng như: SunGroup, VinGoup hay VietJet.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Đoàn Phú Thọ): ACV là doanh nghiệp có đủ điều kiện 

Đại biểu Hoàng Quang Hàm. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Thực ra đây không phải vấn đề của Quốc hội mà là thẩm quyền của Chính phủ. Trong Luật Đấu thầu quy định rất rõ trường hợp nào đấu thầu, trường hợp nào chỉ định thầu và xét nếu hiệu quả hơn thì vẫn có thể làm.

Còn xét về trường hợp của ACV có thể thấy đây là doanh nghiệp có đủ điều kiện và tôi chưa có điều kiện so sánh với doanh nghiệp khác vì chưa mở thầu.

Còn nếu đánh giá doanh nghiệp nào hơn thì phải xem đánh giá mà Chính phủ trình, bởi rõ ràng trong việc chỉ định thầu vẫn phải có đánh giá với các nhà thầu đang làm như thế nào. Hiện tôi vẫn chưa được nhìn hồ sơ nên vẫn chưa thể đánh giá nhưng đây là việc của Chính phủ không phải trình Quốc hội.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội): ACV có kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư cảng hàng không

Đại biểu Hoàng Văn Cường. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Trước hết, Chính phủ muốn đưa ra một phương án đầu tư để thực hiện Cảng hàng không quốc tế Long Thành phải đạt được yêu cầu về trình độ phát triển, sân bay lớn nên phải có nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Ngoài ra, cần có thời gian hoàn thành nhanh để đưa vào khởi công ngay, không mất quá nhiều thời gian vào thủ tục hành chính.

Do đó, Chính phủ mới đưa ra chỉ định thầu với ACV vì đây là đơn vị có kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư cảng hàng không, đầu tư và quản lý sân bay. Việc chỉ định thầu luôn sẽ không phải mất thời gian đấu thầu giữa các nhà đầu tư mất khoảng 1,5 năm. Đây cũng là đề xuất đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, tại các khía cạnh khác, nếu Chính phủ chỉ định thầu cho ACV là một doanh nghiệp nhà nước thì không phải tổ chức đấu thầu.

Điều đáng nói, khi đơn vị này là chủ đầu tư việc triển khai xây dựng các hạng mục công trình của dự án buộc ACV cũng phải tổ chức đấu thầu khi mỗi công trình đó đầu tư từ 1 tỷ đồng trở lên.

Bởi đây là doanh nghiệp Nhà nước, phải sử dụng ngân sách Nhà nước nên vấn đề đặt ra là chỉ tiết kiệm được giai đoạn đầu về tổ chức đấu thầu nhưng giai đoạn sau sẽ lại gặp phải vướng mắc.

Thực tế hiện nay rất nhiều dự án công đang giải ngân chậm; trong đó, một trong những vướng mắc là thủ tục đấu thầu chậm. Vì thế, tôi cho rằng cần phải tính đến phương án này.

Hơn nữa, đúng ACV là đơn vị có kinh nghiệm nhất trong việc tổ chức cảng hàng không nhưng không có nghĩa các nhà đầu tư tư nhân khác chưa đầu tư cảng hàng không sẽ không đầu tư được.

Điển hình như sân bay Vân Đồn cũng là một nhà đầu tư tư nhân chưa bao giờ đầu tư cảng hàng không nhưng vẫn thực hiện rất tốt, thời gian đầu tư rất nhanh và được đánh giá là sân bay tốt.

Vì vậy, chúng ta có thể kỳ vọng rằng những nhà đầu tư tư nhân khác cũng có thể làm được việc này.

Mặt khác, về vốn ACV có tiềm lực lớn nhưng theo báo cáo của Chính phủ thì ngay giai đoạn đầu ACV đã huy động vay khoảng 2,6 tỷ USD.

Tất nhiên, đây không phải là vay bảo lãnh của Chính phủ và cũng không ảnh hưởng đến nợ công. Dù vậy, nếu nguồn vốn này phải đi vay các tổ chức quốc tế thì vẫn ảnh hưởng đến nợ quốc gia.

Trong khi đó, nếu các Tập đoàn tư nhân tham gia vào thì sẽ huy động được nguồn vốn của chính Tập đoàn đó mà không chỉ giai đoạn 1 mà còn thực hiện cho các giai đoạn sau.

Do đó, việc tính đến Tập đoàn tư nhân cũng là phương án cần được tính đến trong bối cảnh hiện nay. Để tận dụng được tất cả những yếu tố, Chính phủ cần có cuộc làm việc với các Tập đoàn tư nhân xem đơn vị nào quan tâm đầu tư, có năng lực, có khả năng đầu tư đến các hạng mục của công trình cảng hàng không này.

ACV cũng là một trong những nhà đầu tư, qua đây để các nhà đầu tư khác có cơ hội cùng ngồi lại bắt tay hình thành nên một tổ hợp chung cùng triển khai dự án.

Theo đó, sẽ không phải tổ chức đấu thầu tìm nhà đầu tư và đấu thầu cho từng công đoạn vì tổ hợp này sẽ mang tính chất đầu tư tư nhân và có thể tận dụng được tổng hoà các sức mạnh đó.

Tôi cũng rất mừng vì chính sách của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải khi xác định đây là dự án quan trọng mang tính an ninh quốc phòng nên không giao cho nhà đầu tư nước ngoài mà chỉ kêu gọi đầu tư trong nước.

Điều này tạo thuận lợi tốt cho các nhà đầu tư trong nước và khi thực hiện đầu tư trong nước việc kiểm soát cũng dễ hơn so với các dự án phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài.

Dù vậy, việc giao cho ACV xuất phát từ lý do mà Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải cũng đưa ra là giảm bớt thời gian đấu thầu lưạ chọn chủ đầu tư để sớm đưa dự án vào khởi công.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre): Quỹ đất dùng chung nên giao cho ACV khai thác

Tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp là vấn đề rất đáng được quan tâm vì rút kinh nghiệm từ những dự án quan trọng của quốc gia và dự án khu vực như dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông, dự án đường sắt Hà Nội-Nhổn hay dự án metro Bến Thành-Suối Tiên…

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Mặt khác hàng nghìn hộ gia đình và ở đây không còn là vấn đề di chuyển còn liên quan đến sinh kế. Tôi cũng băn khoăn việc kiểm đếm ra sao khi lô đấtnày rộng 5.000 ha, vậy bao nhiêu héc ta thuộc về đất sản xuất, bao nhiêu héc ta thuộc về đất ở, bao nhiêu héc ta thuộc quỹ đất tự nhiên sông suối…

Do đó, nếu không cẩn thận sẽ dẫn đến hệ luỵ như các dự án khác nên tôi cho rằng việc kiểm đếm rất quan trọng.

Tại lần họp này Quốc hội đưa ra để lấy ý kiến thống nhất giao dự án cho ACV là nhà thầu chính vì đây là doanh nghiệp nhà nước và có kinh nghiệm thực hiện các dự án hàng không.

Cùng đó, ACV nằm trong thẩm quyền quản lý của Bộ chuyên ngành và Chính phủ.

Đặc biệt, nếu lựa chọn ACV, chúng ta đều có thể thay đổi cán bộ quản lý và sử dụng biện pháp về mặt hành chính để đảm bảo quá trình từ xây dựng phương án đến quản lý để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Bản thân tôi cho rằng đất dùng chung nên giao cho ACV sử dụng để khai thác hiệu quả bù đắp một phần vào khoản đầu tư và trong bất kỳ tình huống nào vẫn có thể trưng dụng lại.

Đặc biệt, đa số ý kiến đều đồng tình với phương án để Thủ tướng Chính phủ chỉ định giao cho ACV đứng làm nhà thầu chính nhưng điều này không có nghĩa ACV có toàn quyền./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục