Bên lề Quốc hội: Tạo hành lang pháp lý cho tổ chức liên kết sản xuất nông nghiệp

15:00' - 08/11/2018
BNEWS Luật Trồng trọt được kỳ vọng sẽ tạo ra một nền sản xuất hàng hóa có hợp đồng, có chứng nhận chất lượng gắn với sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường và tài nguyên.
Chăm sóc lúa chất lượng cao trên cánh đồng mẫu lớn ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, dự án Luật Trồng trọt dự kiến sẽ được thảo luận tại Quốc hội vào ngày 9/11. Luật Trồng trọt được kỳ vọng sẽ tạo công cụ pháp lý có hiệu lực cao để quản lý hoạt động sản xuất trồng trọt theo chuỗi từ quy hoạch định hướng phát triển ngành theo hướng hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng đến quản lý sử dụng tài nguyên, vật tư… hiệu quả. Liên quan đến dự án Luật này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.

Phóng viên: Xin ông cho biết sự cần thiết ban hành Luật Trồng trọt?

Ông Nguyễn Hồng Sơn: Ngành trồng trọt đang có sự phát triển mạnh. Lực lượng sản xuất chuyển biến mạnh với tốc độ cao. Tất cả chỉ tiêu về năng suất, sản lượng và đặc biệt là giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đang tăng trưởng cao. Những chỉ tiêu này cho thấy chúng ta có năng lực sản xuất rất lớn. Tuy nhiên, quan hệ sản xuất chưa được điều chỉnh nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu của lực lượng sản xuất.

Chính vì thế, cần có Luật để điều chỉnh quan hệ sản xuất; trong đó, có cả quản lý vật tư nông nghiệp để tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, đáp ứng yêu cầu phát triển. Cùng với đó là quản lý các hoạt động của nông dân trong quá trình sản xuất cũng rất quan trọng.

Hiện nay, sản xuất vẫn còn manh mún, chưa có sự liên kết để tạo ra hàng hóa đủ lớn, mối liên kết tốt nhằm tạo ra sản phẩm đồng nhất về chất lượng có chứng chỉ. Hay, việc quản lý khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên như đất, nước… chưa có những quy định để quản lý. Trong sản xuất đã có những biểu hiện thiếu bền vững, đáng chú ý là nguồn tài nguyên có biểu hiện suy thoái, đa dạng sinh học đang bị đe dọa, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Do đó, rất cần có những quy định trong quản lý quá trình canh tác để đảm bảo sự phát triển bền vững; có sự điều chỉnh trong quan hệ sản xuất để tiến tới nền sản xuất có quy mô đủ lớn với việc ứng dụng cơ giới hóa. Đồng thời, tiến tới nền sản xuất có hợp đồng liên kết, tránh việc thị trường không ổn định, gây thiệt hại lớn cho nông dân. Các sản phẩm phải có chứng nhận chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường ngày càng cao trong nước và xuất khẩu.

Nguyên tắc của Luật là tạo ra một nền sản xuất hàng hóa có hợp đồng, có chứng nhận chất lượng gắn với sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường và tài nguyên.

Phóng viên: Vậy, khi Luật Trồng trọt được ban hành sẽ tạo cơ hội cho ngành như thế nào?

Ông Nguyễn Hồng Sơn: Khi Luật Trồng trọt được thực thi sẽ khuyến khích, đẩy nhanh việc chọn tạo các loại giống cây trồng, phân bón tốt. Luật cũng sẽ tạo hành lang pháp lý cho việc tổ chức liên kết sản xuất cho các doanh nghiệp với nông dân đảm bảo nền sản xuất liên kết có chứng nhận. Từ đó, giúp nhanh chóng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, quy trình canh tác vào sản xuất.

Luật cũng sẽ tạo điều kiện thúc đẩy thay đổi quan hệ sản xuất theo hướng từ một nền sản xuất nhỏ, không có hợp đồng, chứng nhận chất lượng sang nền sản xuất có quan hệ sản xuất chặt chẽ, có hợp đồng, có chứng nhận chất, tạo điều kiện cho nông sản hàng hóa vươn thị trường thế giới.

Phóng viên: Xin ông cho biết chi tiết hơn về sự gắn kết trong sản xuất trồng trọt được thể hiện trong dự án Luật?

Ông Nguyễn Hồng Sơn: Trong quá trình dự thảo, Luật mở ra quy định cho các địa phương sản xuất dựa trên quy mô, đơn đặt hàng của thị trường. Nhưng khi đã hình thành vùng sản xuất tập trung thì các hộ nông dân phải tuân thủ theo định hướng của vùng sản xuất đó. Những hộ nông dân không thực hiện sản xuất theo nhóm đối tượng cây trồng đó có thể bố trí quỹ đất để nông dân đổi đất, tạo điều kiện hình thành vùng sản xuất tập trung. Việc hình thành vùng sản xuất tập trung sẽ giúp chúng ta kế thừa được hạ tầng cơ sở, đồng bộ cơ giới hóa, giám sát được chất lượng.

Các địa phương sẽ phải xây dựng kế hoạch sản xuất dựa trên năng lực thị trường và có sự phê duyệt các cấp. Nhà nước không can thiệp nhiều, nhưng từng cấp địa phương phải có kế hoạch sản xuất cụ thể. Khi đã xác định một vùng sản xuất sẽ phải gắn với thị trường. Đó là địa phương phải định hướng chứ không phải nông dân thích trồng gì thì trồng. Nhà nước không quản lý đến địa phương nhưng địa phương phải quản lý đến từng hộ nông dân để đảm bảo tính đồng bộ.

Chẳng hạn, việc quản lý và cấp mã số vùng trồng nhằm tạo thuận lợi cho việc theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. Đây cũng tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan quản lý nhà nước cung cấp thông tin về nhu cầu thị trường, tình hình cung ứng của các vùng sản xuất ngược lại để nông dân làm cơ sở điều tiết sản xuất, tránh việc thu hoạch cùng lúc. Việc cung cấp thông tin hai chiều giữa người sản xuất và nhà quản lý có thể giúp điều tiết trong sản xuất, giúp hạn chế tình trạng sản xuất lúc thừa, lúc thiếu như hiện nay.

UBND các cấp sẽ có trách nhiệm tạo điều kiện và hỗ trợ  các bên đàm phán, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN
Để phát triển hợp tác, liên kết sản xuất, UBND các cấp sẽ có trách nhiệm tạo điều kiện và hỗ trợ các bên tham gia đàm phán, ký kết, thực hiện các cam kết trong hợp đồng hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để tránh hiện tượng phá vỡ hợp đồng. UBND các cấp hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần và xúc tiến thương mại sản phẩm cho các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Trên những cơ sở đó, các chính sách hỗ trợ sẽ ưu tiên vào vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có sự liên kết trong sản xuất.

Phóng viên: Khi Luật được được ban hành, các thủ tục hành chính sẽ được rút gọn như thế nào?

Ông Nguyễn Hồng Sơn: Về căn bản luật đang rà soát, giảm tối đa thủ tục hành chính. Điển hình là thủ tục công nhận giống cây trồng đang trải qua qua 2 giai đoạn, nhưng với Luật sẽ chỉ còn 1 giai đoạn. Hay, trước đây là phải công nhận tất cả các loại cây trồng thì tới đây cùng với Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, việc quản lý chất lượng do chủ sở hữu chịu trách nhiệm. Vì vậy, chúng ta sẽ chỉ quản lý chặt việc công nhận giống cây trồng chính còn lại tác giả tự công bố lưu hành và chịu trách nhiệm với người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, thủ tục khảo nghiệm cũng giảm đi với việc không bắt buộc sản xuất thử nghiệm, cho phép các khảo nghiệm đó chỉ là kiểm nghiệm độc lập của cơ quan được công nhận đủ năng lực thực hiện các khảo nghiệm. Luật cũng sẽ cho phép việc tiến hành khảo nghiệm diện hẹp và diện rộng cùng tiến hành song song để tối giảm thời gian, thủ tục hành chính mà các doanh nghiệp phải tiến hành.

Nếu trước đây một giống cây trồng được công nhận chính thức có thể mất trên 3 năm đối với cây ngắn ngày, 7 năm với cây dài ngày, nhưng với Luật sẽ chỉ mất từ 1 - 1,5 năm với cây ngắn ngày, cây dài ngày tối đa là 2,5 năm.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục