Bến Tre hỗ trợ khôi phục kinh tế sau 2 tháng giãn cách

11:12' - 26/09/2021
BNEWS Bến Tre đang khẩn trương thực hiện các giải pháp, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và người dân từng bước khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Sau hơn 2 tháng tỉnh Bến Tre thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, tình hình dịch COVID-19 tại tỉnh Bến Tre được kiểm soát chặt chẽ, số ca mắc trong cộng đồng giảm mạnh và tỉnh Bến Tre trở thành địa phương "vùng xanh" trong khu vực. Bên cạnh đó, tỉnh Bến Tre đang khẩn trương thực hiện các giải pháp, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và người dân từng bước khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bảo vệ "vùng xanh"

Hơn hai tháng mới được đi ra khỏi nhà, mặc dù tình hình dịch bệnh đã bớt căng thẳng nhưng với bà Võ Thị Tâm, Thị Trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm vẫn luôn trong tâm thế phòng dịch, tuân thủ "5K" khi đi chợ. Bà Tâm cho hay, khó khăn lắm chính quyền địa phương và người dân tỉnh Bến Tre mới được thành quả như hôm nay.

Nhưng nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn còn, do vậy nếu mỗi người dân tuân thủ quy định, cùng nhau tiếp tục phòng chống dịch cố gắng giữ "vùng xanh" thì đời sống người dân sẽ an toàn hơn. Theo bà Tâm để hạn chế đi chợ bà Tâm mua thức ăn dự trữ trong 3-4 ngày. Ngoài ra, bà Tâm không đi đến nhà người quen hay đi các nơi để vừa bảo vệ bản thân, người thân trong gia đình và cộng đồng.

Ông Võ Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND Thị Trấn Giồng Trôm chia sẻ, tuy tình hình dịch bệnh có khả quan, nhưng lực lượng chống dịch của địa phương sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Các tổ COVID-19 cộng đồng trong khu phố, ấp luôn chủ động tuyên truyền cho người dân tuân thủ quy định phòng dịch, mỗi gia đình là một pháo đài để chống dịch hiệu quả.

Đặc biệt, trên địa bàn có 2 khu chợ, 1 khu chợ huyện và 1 khu vực chợ nhỏ nhóm họp, thường tập trung đông người, nguy cơ dịch bệnh lây lan rất lớn. Do đó, địa phương chủ động cử lực lượng luôn nhắc nhở, tuyên truyền cho người dân khi đi chợ tuân thủ theo quy định, mang khẩu trang, hạn chế tiếp xúc gần… để đảm bảo an toàn phòng dịch.

Đến nay, tỉnh Bến Tre có 9/9 huyện, thành phố và 157/157 xã, phường, thị trấn trở về mức bình thường mới. Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND - Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh Bến Tre cho rằng: nhiệm vụ quan trọng hiện nay là bảo vệ và giữ vững "vùng xanh", đẩy nhanh tiêm vaccine và phục hồi, phát triển kinh tế.

Chủ tịch Trần Ngọc Tam yêu cầu, các địa phương quan tâm thực hiện nhanh, sớm các chế độ an sinh cho người dân theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 25 của UBND tỉnh Bến Tre.

Đồng thời, bảo quản trang thiết bị y tế và các phương tiện khác tại các khu cách ly tập trung, cơ sở y tế để khi có tình huống tiếp tục sử dụng, tránh mua sắm lãng phí. Đối với các trường hợp người dân về tự phát, tùy tình hình tài chính của tỉnh sẽ thực hiện thu phí xét nghiệm và tiền ăn, uống, sinh hoạt trong khu cách ly theo quy định hiện hành.

Tập trung phát triển kinh tế

Theo UBND tỉnh Bến Tre, thời gian qua tỉnh Bến Tre xác định nhất quán thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống, đẩy lùi dịch COVID-19 hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân là trên hết, trước hết vừa duy trì và phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn, lưu thông an toàn, ăn, ở an toàn; tùy tình hình dịch bệnh mà ưu tiên thứ tự trước - sau.

Với đặc điểm thành phần kinh tế nông nghiệp đa dạng, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực như: kinh tế vườn, chăn nuôi và thủy hải sản; trong đó, tỉnh xác định và xây dựng các chuỗi giá trị nông sản chủ lực là lợn, bò, tôm biển, dừa, bưởi, chôm chôm, nhãn, cây giống - hoa kiểng...

Đặc biệt, hơn 74.000 ha trồng dừa và trên 1.950 ha nuôi tôm công nghệ cao cùng với vùng nguyên liệu tôm lớn đang là tiềm năng, lợi thế để tỉnh phấn đấu khôi phục phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian sớm nhất.

Đến nay, tỉnh Bến Tre có 666 doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh, đạt tỷ lệ 16% trên tổng số 4.143 doanh nghiệp ở trạng thái đang hoạt động. Cùng đó là gần 400 đơn vị, doanh nghiệp; 29 đơn vị trực thuộc; 34 hộ kinh doanh hoạt động theo phương án "3 tại chỗ" với tổng số 15.597 lao động.  .

Ông Lê Đức Thọ, Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre cho biết, tỉnh xác định kết quả phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh đến nay chỉ là bước đầu, dịch COVID-19 có thể tái bùng phát, xâm nhập bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào. Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh xác định mục tiêu trọng tâm là bảo vệ những kết quả  phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh, giữ vững "pháo đài xanh" để tập trung phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.

Theo đó, tỉnh Bến Tre chú trọng quy hoạch, bố trí các chốt kiểm soát dịch bệnh tại địa phương bảo đảm chặt chẽ, hạn chế thấp nhất các yếu tố nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn; tổ chức tuần tra lưu động liên tục để nhắc nhở, xử lý vi phạm, đặc biệt quan tâm đến các khu vực giáp ranh giữa tỉnh với các tỉnh bạn; kiểm soát chặt chẽ cả đường bộ, đường thủy và đường biển.

Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ phương tiện giao thông, lưu thông hàng hóa; với nhiều giải pháp, phương pháp khoa học để kiểm soát, không gây ách tắc giao thông; kiểm tra, kiểm soát kỹ điểm đi, điểm đến; tỉnh chỉ đạo các địa phương xây dựng quy định và bố trí địa điểm bốc, dỡ hàng hóa tại các xã, phường, thị trấn…

Ngoài ra, các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ tiếp tục chủ động nắm tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất, vào cuộc thực sự, thực hiện các biện pháp thực sự thiết thực tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, tổ chức sản xuất kinh doanh an toàn.

Cùng với đó, tạo điều kiện tối đa cho các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị hoạt động an toàn; càng khó khăn thì càng phải tìm cách giữ vững chuỗi, kể cả chuỗi cung ứng (đầu vào) và chuỗi phân phối (đầu ra).

Đồng thời, khẩn trương phục hồi kết nối trở lại các chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn, hoặc "đứt gãy" trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội; nhất là việc lưu thông hàng hóa, khôi phục và mở cửa trở lại hoạt động buôn bán hàng hóa một cách có tổ chức khoa học và chặt chẽ.

Bên cạnh đó, tỉnh Bến Tre ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân, người lao động tham gia sản xuất trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất kinh doanh… lực lượng lưu thông hàng hóa, các hộ kinh doanh, buôn bán ở các chợ, cửa hàng, lực lượng tham gia thu hoạch nông - thủy - hải sản…

Đồng thời, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công, dự án sử dụng vốn ODA, thực hiện tốt để giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, tạo điều kiện để thúc đẩy đầu tư toàn xã hội.

Đối với những khó khăn phát sinh thuộc trách nhiệm của địa phương, của tỉnh thì phải tập trung tháo gỡ, tuyệt đối không để ảnh hưởng, trì trệ tiến độ công trình, dự án, nhất là các công trình, dự án có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Mặt khác, khuyến khích vận động, thu hút doanh nghiệp, thu hút nhà đầu tư, nhất là đầu tư phát triển công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch trên địa bàn tỉnh gắn với vùng nguyên liệu sản xuất tập trung nhằm bảo quản tốt nông sản và nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp.../.

>>>Thương lái tại Bến Tre đổ xô mua cau non xuất khẩu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục