Bến Tre: Xâm nhập mặn trở thành mối đe dọa cho phát triển kinh tế

14:20' - 01/04/2021
BNEWS Vấn đề xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt sinh hoạt, sản xuất trở thành mối đe dọa thường xuyên đến phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bến Tre, không còn là chu kỳ vài năm mới xảy ra một đợt.

Bảo vệ tài nguyên nước, an ninh ninh nguồn nước là nhiệm vụ trọng tâm và thách thức quan trọng trong ứng phó với biến đổi khí hậu được tỉnh Bến Tre xác định trong thời gian tới.

Đây là thông tin được nêu lên tại Hội nghị đánh giá kết quả ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Bến Tre, do Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Bến Tre tổ chức sáng 1/4.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre Bùi Minh Tuấn, thách thức lớn nhất trong thích ứng biến đổi khí hậu của tỉnh thời gian tới liên quan đến diễn biến thất thường của nguồn nước sông Mêkông, xâm nhập mặn tác động đến quản lý nguồn nước, cho đến khi tỉnh hoàn thành hệ thống thủy lợi và chủ động được việc cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng quan tâm đến vấn đề sạt lở ven sông, ven biển do xu hướng nước dâng, triều cường kết hợp suy giảm lượng phù sa bồi đắp từ vấn đề nguồn nước sông Mêkông. Ngoài ra, xu hướng thoái hóa đất do canh tác chưa bền vững, xâm nhập mặn lưu tồn trong đất và xu hướng ô nhiễm nguồn nước mặt trong kênh, rạch, mương nội đồng trong điều kiện bắt buộc phải triển khai các công trình cống, đập ngăn mặn khép kín cũng đáng lo ngại.   

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh nhấn mạnh, hiện nay, vấn đề xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt sinh hoạt, sản xuất trở thành mối đe dọa thường xuyên đến phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, không còn là chu kỳ vài năm mới xảy ra một đợt. Tại Bến Tre, dưới tác động mạnh của nước biển dâng và triều cường gây sạt lở nghiêm trọng Cồn Bửng huyện Thạnh Phú, Cồn Ngoài, huyện Ba Tri và cồn Phú Đa, huyện Chợ Lách. Từ năm 2010 đến năm 2020, tỉnh đã mất hơn 200 ha đất và 54 ha rừng phòng hộ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Bến Tre, lãnh đạo các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường hơn sự phối hợp trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, cập nhật đánh giá tác động biến đổi khí hậu, rà soát, chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện các chương trình, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh. Mặt khác, phát triển kinh tế ưu tiên theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu và phát thải ít các-bon; đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch (điện gió, mặt trời) và giải pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên.

Theo kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021-2030, tỉnh tiếp tục nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, tăng cường khả năng chống chịu của các thành phần kinh tế và hệ sinh thái trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Tỉnh Bến Tre phấn đấu đến năm 2023, hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa nước ngọt điều tiết nước, chống xâm nhập mặn của tỉnh hoàn thành, khép kín. Đến năm 2025, tỉnh chủ động được nguồn cung cấp và cấp đủ nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất trên toàn tỉnh trong điều kiện thiên tai, xâm nhập mặn, khô hạn kéo dài; tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99%.

Bến Tre nhân rộng các mô hình trồng trọt và chăn nuôi có hiệu quả kinh tế và thích ứng biến đổi khí hậu của giai đoạn 2016-2020, nhằm tăng cường hiệu quả thích ứng với biến đổi khi hậu. Tỉnh điều chỉnh lịch mùa vụ canh tác thích ứng cho từng tiểu vùng sinh thái và phù hợp khi hệ thống thủy lợi các công trình thủy lợi hoàn thành khép kín; phát triển, ứng dụng công nghệ cao trong canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản; phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, Bến Tre đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước (ngọt, lợ, mặn) trên địa bàn tỉnh phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; quản lý tổng hợp môi trường các hồ chứa nước ngọt trong điều kiện biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn.

Theo Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Bến Tre, giai đoạn 2016-2020, việc ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh được triển khai rộng khắp với sự tham gia tích cực của các Sở, ban ngành, tổ chức đoàn thể và nhân dân. Nhiều mô hình sinh kế, canh tác thích ứng với biến đổi được thí điểm và đạt hiệu quả cao. Đến nay, các mô hình vẫn được người dân duy trì sản xuất và nhân rộng với sự tham gia của 350 hộ dân trong tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh đã huy động nguồn lực đầu tư các công trình trọng điểm ứng phó lâu dài về thủy lợi, cấp nước sinh hoạt và quan trắc, cảnh báo mặn tự động từ nguồn vốn viện trợ, vay ODA và hỗ trợ từ Trung ương. Giai đoạn 2016-2020, bằng nhiều nguồn vốn, tỉnh Bến Tre đã đầu tư hơn 707 tỷ đồng cho ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Bến Tre, thời gian qua, ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Bến Tre vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể, tỉnh chưa chủ động được nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt thích ứng với xâm nhập mặn, nước biển dâng; năng lực thích ứng của vật nuôi, cây trồng chưa cao trước tác động xâm nhập mặn và gia tăng tình tạng sạt lở bờ sông, bờ biển do triều cường, nước dâng ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục