Bệnh nhân điều trị rối loạn tâm thần do rượu có xu hướng tăng

12:51' - 15/04/2017
BNEWS Bệnh nhân phải nhập viện và điều trị rối loạn tâm thần do rượu có xu hướng tăng tại thành phố Hải Phòng trong thời gian qua.
Bệnh nhân điều trị rối loạn tâm thần do rượu có xu hướng tăng. Ảnh minh họa: TTXVN.
Theo số liệu tại Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng, năm 2015 có 314 người; năm 2016 có 334 người; tháng 1 và tháng 2 năm 2017 có 57 người phải nhập viện điều trị say, sảng rượu. Những bệnh nhân phải điều trị tại bệnh viện thường là người uống rượu từ 5 năm trở lên hoặc các ca say rượu cấp tính.

Bà Đoàn Thị Bạn, xã Tân Phong, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng cho biết: “Chồng tôi uống rượu từ ngày đi bộ đội. Hai năm trở lại đây, uống rượu thay nước, ra một hớp, vào một hớp. Dù biết uống rượu nhiều gây nhiều tác hại cho sức khỏe như: sơ gan, bệnh dạ dầy, ung thư nhưng khuyên can thế nào cũng không nghe”.

Ông Phạm Văn Chiến, xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng nói: “Tôi điều trị nghiện rượu tại Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng lần này là lần thứ hai. Lần điều trị đầu tiên tại bệnh viện về nhà, tôi thấy sức khỏe tốt, không còn cảm giác thèm rượu. Nhưng khi có bạn bè rủ, tôi không từ chối được. Vợ con có can ngăn nhưng tôi uống ở quán xá, nhà người khác, vợ con không biết.”

Theo các bác sĩ của Khoa Điều trị Rượu và Ma túy, Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng, các bệnh nhân đến điều trị tại khoa thường là bệnh nhân nghiện rượu nhiều năm. Khi nhập viện, ngoài các biểu hiện như nôn ọe, nói năng lảm nhảm, bệnh nhân còn xuất hiện những rối loạn mê sảng, mất năng lực định hướng về người xung quanh, tư duy rối loạn hoàn toàn. Bệnh nhân xuất hiện những ảo thị như chuột bọ, ma quỷ rồi các hình ảnh rùng rợn có thể có những hành vi rất khủng khiếp như gây án cho người xung quanh, tự sát. Ngoài ra, khi sảng rượu, bệnh nhân có các rối loạn hoang tưởng, đặc trưng nhất là hoang tưởng ghen tuông, cảm giác bị người khác theo dõi.

Cai nghiện rượu khó khăn nhất vẫn là kiểm soát bệnh nhân khi họ trở về cộng đồng. Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Đàm Đức Thắng, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng, rượu là chất rất dễ mua, mua ở bất kỳ nơi nào cũng có nhưng lại không thể kiểm soát được chất lượng hoặc nguồn gốc rượu. Ngoài hệ lụy của việc uống phải rượu giả, rượu kém chất lượng, việc mua rượu quá dễ dàng cũng khiến việc kiểm soát bệnh nhân ngoài cộng đồng khó khăn hơn. Bên cạnh đó, các bệnh nhân nghiện rượu chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, việc điều trị nghiện rượu thành công chủ yếu phụ thuộc vào lý trí của người bệnh, sự hỗ trợ của người thân, gia đình, cộng đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục