Bệnh viện 199 những ngày "chia lửa" chống dịch COVID-19

16:45' - 30/07/2020
BNEWS Những ngày qua, Bệnh viện 199 liên tục tiếp nhận bệnh nhân nặng từ các bệnh viện bị phong tỏa chuyển đến. Lực lượng mỏng vì vậy các y, bác sĩ phải quên đi mệt nhọc để tập trung cứu chữa bệnh nhân.

Thành phố Đà Nẵng lại tiếp tục cuộc chiến chống dịch COVID-19. Các bệnh viện nơi trước đây là trung tâm điều trị, nay đã trở thành điểm có dịch, phải thực hiện phong tỏa như Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng.

Trước những khó khăn của ngành y tế, Bệnh viện 199 (Bộ Công an) sẵn sàng, nhận nhiệm vụ tiếp nhận các bệnh nhân từ tuyến trên, với ý chí chiến thắng đại dịch.

Túc trực tại bệnh viện

Những ngày qua, Khoa Nội tim thận khớp (Bệnh viện 199 - Bộ Công an) liên tục tiếp nhận các bệnh nhân nặng từ các bệnh viện bị phong tỏa chuyển đến. Số lượng y, bác sĩ của khoa chỉ với 14 người trong đó có 3 bác sĩ và 11 điều dưỡng.

Lực lượng mỏng nhưng số lượng bệnh nhân nhiều vì vậy các y, bác sĩ của khoa phải vận hết nội lực, quên đi mệt nhọc để tập trung cứu chữa bệnh nhân.

Qua 17 năm công tác tại Bệnh viện 199, nữ bác sĩ Trần Nam Chung, Trưởng khoa Nội tim thận khớp (sinh năm 1977), chưa từng chứng kiến khoảng thời gian khó khăn như thế này của ngành y tế. Bản thân chị trong 4 ngày qua liên tục túc trực ở bệnh viện, tiếp tục cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Bác sĩ Chung chia sẻ: “Nghe tin những đồng nghiệp của mình bị mắc COVID-19 tôi cũng có đôi chút lo lắng. Tuy vậy tôi vẫn bình tâm, dành hết sức mình để hỗ trợ, cứu chữa các bệnh nhân nặng đang được chuyển đến”.

Hiện Khoa Nội tim thận khớp (Bệnh viện 199) đã tiếp nhận hơn 50 ca bệnh nặng từ các bệnh viện. Trước áp lực số lượng bệnh nhân tăng cao, các y bác sĩ phải phân phối công việc, trực xuyên suốt trong những ngày qua.

Theo bác sĩ Chung, mỗi ngày chị chỉ chợp mắt ngủ được 2-3 tiếng, rồi lại tiếp tục làm việc. Nhiều khi “say việc” nên đến quá trưa hay tối muộn chị mới ăn cơm.

Mặc dù căng thẳng, lo lắng, áp lực công việc tăng cao nhưng nhờ có hậu phương vững chắc, đã phần nào giúp chị bước vào cuộc chiến với tinh thần lạc quan.

Nữ bác sĩ chia sẻ: Xa nhà lâu ngày, tôi rất nhớ con, lúc rảnh lại tranh thủ gọi video cho con. Nhờ có chồng luôn quan tâm việc nhà và con cũng chăm ngoan nên tôi bớt lo lắng và chuyên tâm vào công việc hơn.

Sẵn sàng chia lửa

Bước sang ngày thứ 5 Bệnh viện 199 tiếp tục thực hiện giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên của thành phố, đồng thời hạn chế tối đa lây nhiễm chéo.

Hầu hết những bệnh nhân có bệnh lý nền và tình trạng diễn tiến nặng đều được chuyển về điều trị và chăm sóc tích cực tại Bệnh viện 199.

Với hơn 19 khoa phòng và 450 giường bệnh, Bệnh viện 199 sẵn sàng chia lửa cùng các cơ sở trên địa bàn thành phố bị cách ly.

Đang chạy thận tại Bệnh viện 199, ông Nguyễn Văn Khoa (trú tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) cho biết: Mấy ngày trước, tôi điều trị tại Bệnh viện C Đà Nẵng, tuy nhiên do dịch bùng phát nên tôi được chuyển sang Bệnh viện 199.

Ở đây tôi luôn được các bác sĩ tận tình chữa trị, chăm sóc. Tôi cũng rất cảm động trước sự tiếp lửa của bệnh viện, nếu không được điều trị kịp thời không biết tình trạng sức khỏe của tôi sẽ ra sao.

Phó Giám đốc Bệnh viện 199 (Bộ Công an) Nguyễn Văn Đăng cho biết, hiện Bệnh viện 199 (Bộ Công an) đang tiếp nhận các bệnh nhân nặng từ Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng, Bệnh viện C Đà Nẵng với hơn 200 ca, trong đó có 36 ca chạy thận.

Để phòng, chống dịch hiệu quả, Bệnh viện đã thực hiện phân luồng bệnh nhân theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Các bệnh nhân khi đến khám tại bệnh viện đều được điều tra lịch sử dịch tễ, khử trùng tay, bắt buộc đeo khẩu trang.

Việc sàng lọc các bệnh nhân khi tiếp nhận từ bệnh viện khác cũng được chú trọng và thực hiện theo từng bước như việc khử khuẩn, lấy mẫu dịch xét nghiệm, phun thuốc khử khuẩn tại các điểm tiếp nhận bệnh nhân liên tục, thường xuyên.

“Các y, bác sĩ tại bệnh viện luôn nhắc nhở bệnh nhân thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang y tế, sát khuẩn tay bằng dung dịch chứa cồn, vệ sinh sát khuẩn quần áo, dụng cụ thực hiện chuyên môn thường xuyên. Đồng thời, chính họ phải đảm bảo thực hiện đúng, đầy đủ các quy trình vệ sinh, tiệt khuẩn bề mặt quần áo, dụng cụ thực hiện chuyên môn”, bác sĩ Đăng chia sẻ.

Với tâm thế sẵn sàng chống lại đại dịch, tất cả các y bác sĩ của Bệnh viện 199 luôn vững niềm tin đẩy lùi dịch bệnh. Bác sĩ Đăng khẳng định: Trận đầu mình thắng, trận này cũng quyết tâm chiến thắng. Mặc dù rất khó khăn nhưng cán bộ, chiến sĩ đồng lòng, đoàn kết để hoàn thành tốt nhiệm vụ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục