Bí ẩn đằng sau sự thiếu hụt lương thực toàn cầu

05:30' - 21/08/2023
BNEWS Tần suất và cường độ ngày càng tăng của lũ lụt, hạn hán và các hiện tượng thời tiết cực đoan dẫn đến nguy cơ thiếu lương thực luôn rình rập.
Báo Bangkok Post (Thái Lan) đăng bài viết của Jayati Ghosh, Giáo sư Kinh tế học tại Đại học Massachusetts Amherst và là một thành viên của Câu lạc bộ Rome về Uỷ ban Kinh tế Chuyển đổi, lý giải nguyên nhân đằng sau sự thiếu hụt ngũ cốc trên toàn cầu.

Trong những năm gần đây, giá lương thực tăng cao. Cùng với đó, tần suất và cường độ ngày càng tăng của lũ lụt, hạn hán và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác đã dẫn đến cảnh báo về tình trạng thiếu lương thực đang rình rập. Điều này có khả năng gây ra thảm họa cho những nhóm dân số nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.

Mặc dù biến đổi khí hậu đặt ra mối đe dọa trung và dài hạn lớn nhất đối với an ninh lương thực toàn cầu, nhưng cuộc xung đột tại Ukraine thường được coi là nguyên nhân trực tiếp của cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay. Dù vậy, đây chỉ là cách để đánh lạc hướng dư luận về một vấn đề khác.

Chắc chắn là cuộc xung đột đã làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu lúa mỳ của cả Nga và Ukraine, hai trong số các nhà sản xuất hàng đầu thế giới, khiến các mối quan hệ thương mại quan trọng trở nên hỗn loạn.

Chỉ số giá lúa mỳ toàn cầu tăng khoảng 23% trong những tháng sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng phát. Nhưng giá mặt hàng này đã bắt đầu giảm trở lại trong tháng 6/2022. Đến tháng 12 cùng năm, giá lúa mỳ đã trở lại mức trước xung đột. Kết quả này được cho là nhờ sự thành công của Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen (BSGI), một thỏa thuận do Liên hợp quốc hậu thuẫn nhằm dỡ bỏ lệnh phong tỏa xuất khẩu ngũ cốc của Nga đối với Ukraine. Ngược lại, quyết định rút khỏi thỏa thuận gần đây của Nga đã làm dấy lên lo ngại về những tác động tiềm tàng đối với thương mại ngũ cốc toàn cầu.

Những mối lo ngại này là sai lầm vì hai lý do. Đầu tiên, nguồn cung lúa mỳ toàn cầu (cả tổng sản lượng và số lượng giao dịch) vẫn ổn định kể từ khi xung đột bắt đầu. Đáng chú ý nhất, tổng nguồn cung lúa mỳ đã vượt mức sử dụng tới 275 triệu tấn. Tình trạng dôi dư này thách thức kịch bản về sự thiếu hụt toàn cầu. Tương tự, nguồn cung toàn thế giới ước tính đã vượt cầu trong khoảng thời gian từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023.

Thứ hai, chính phủ và các phương tiện truyền thông có xu hướng nhấn mạnh sự thiếu hụt cụ thể trong khu vực, trong khi bỏ qua sự gia tăng sản xuất và thương mại ở những nơi khác trên thế giới. Trên thực tế, lúa mỳ được sản xuất trên toàn cầu, điều đó có nghĩa là sự thiếu hụt ở một khu vực có thể được bù đắp bằng việc tăng sản lượng ở một khu vực khác.

Vì vậy, điều gì đã gây ra sự tăng giá lúa mỳ? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải theo dõi dòng tiền. Thị trường ngũ cốc toàn cầu hoạt động dưới hình thức độc quyền, với 4 nhà kinh doanh ngũ cốc gồm Archer-Daniels-Midland, Bunge (gần đây đã sáp nhập với Viterra), Cargill và Louis Dreyfus kiểm soát hơn 70% thị trường và Glencore chiếm thêm 10% nữa.

Trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột tại Ukraine, đặc biệt là từ tháng Ba đến tháng Sáu năm ngoái, 4 nhà kinh doanh ngũ cốc lớn đã thu được lợi nhuận và doanh thu kỷ lục. Doanh thu hàng năm của Cargill tăng 23%, lên 165 tỷ USD, trong khi lợi nhuận của Louis Dreyfus tăng 80%. Những lợi ích này phản ánh việc tăng giá không phù hợp với cung và cầu trong thế giới thực.

Hơn nữa, thị trường ngũ cốc kỳ hạn đã chứng kiến một loạt động thái từ tháng 4 đến tháng 6/2022. Các nhà đầu tư tài chính, bao gồm cả quỹ hưu trí, đã tăng tỷ lệ nắm giữ các vị thế mua trên thị trường kỳ hạn lúa mỳ Paris, từ 23% vào tháng 5/2018 lên 72% vào tháng 4/2022. Mười quỹ phòng hộ được báo cáo đã kiếm được 1,9 tỷ USD bằng cách tận dụng giá lương thực tăng vọt do cuộc xung đột Nga - Ukraine. Thay vì ngăn chặn hoặc kiềm chế các hoạt động tài chính như vậy, các cơ quan quản lý ở Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã cho phép chúng tiếp tục diễn ra.

Đáng ngạc nhiên là phần lớn ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine không đến được các nước nghèo nhất thế giới. Thay vào đó, 81% trong số 32,9 triệu tấn được xuất khẩu theo BSGI đã đến các nước có thu nhập cao và thu nhập trung bình cao, chủ yếu là các nước châu Âu như Tây Ban Nha, Italy và Hà Lan, cũng như Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Các nước có thu nhập thấp nhận được chỉ 3% lượng ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine và 9% lúa mỳ của nước này (hầu hết cho Bangladesh).

BSGI dường như thiên về tạo thuận lợi cho xuất khẩu từ Ukraine hơn là giải quyết nạn đói trên thế giới. Ngoài việc Nga phong tỏa các tuyến đường biển, các tuyến đường bộ của Ukraine đã bị tổn hại bởi các hạn chế nhập khẩu ngầm do Ba Lan, Bulgaria, Hungary, Slovakia và Romania áp đặt, nhằm mục đích bảo vệ nông dân địa phương đang gặp khó khăn trước ngũ cốc Ukraine có giá cạnh tranh. Tuy nhiên, như những người khác đã chỉ ra, BSGI chủ yếu phục vụ lợi ích của những "gã khổng lồ" kinh doanh nông sản kiếm lời từ buôn bán ngũ cốc Ukraine và các nhà tài chính hậu thuẫn cho họ.

Mặc dù nạn đói toàn cầu gia tăng trong những năm gần đây, nhưng nguyên nhân không phải do thiếu ngũ cốc. Thay vào đó, xuất khẩu giảm mạnh, doanh thu ngoại hối giảm, vốn tháo chạy khỏi thị trường và chi phí trả nợ cao hơn đã làm giảm khả năng nhập khẩu thực phẩm của nhiều quốc gia.

Để giải quyết những thách thức này, các nước cần chuyển trọng tâm của họ. Thay vì phân phối ngũ cốc như một tổ chức từ thiện, các nhà hoạch định chính sách toàn cầu phải giảm thiểu các lỗ hổng ngoại hối của các nước nghèo và thực hiện các biện pháp hỗ trợ tăng sản xuất các mặt hàng thực phẩm thiết yếu trong nước và khu vực. Thế giới vẫn có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại nạn đói toàn cầu, nhưng chỉ khi các quốc gia nhận ra nguyên nhân thực sự của tình trạng khó khăn hiện tại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục