BNEWS
Khởi đầu từ một công ty nhỏ với số vốn ít ỏi, Sony Group đã trở thành một trong mười tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới sau hơn 70 năm. Vậy điều gì đã làm nên thành công theo cấp số nhân của Sony?
Ngày nay, Sony được biết đến là một “gã khổng lồ” trong ngành công nghiệp điện tử toàn cầu khi trở thành thương hiệu đi đầu cho một bộ sưu tập “khủng” các sản phẩm điện tử tiêu dùng chất lượng cao. Đáng chú ý, Sony sở hữu máy chơi game bán chạy nhất mọi thời đại – PlayStation.
Akio Morita và Masaru Ibuka đã sáng lập công ty tiền thân của Sony vào năm 1946. Với số vốn chỉ vài trăm USD và lượng nhân lực mỏng, Sony đã rất eo hẹp về nguồn lực ngay từ đầu. Sau đó, doanh nghiệp này liên tục gặp phải những trở ngại, như sản phẩm không được ưa chuộng, việc xây dựng thương hiệu gặp khó khăn. Nhưng trong mọi tình huống, Sony không hề lùi bước. Thay vào đó, doanh nghiệp này thích nghi với hoàn cảnh và không ngại thay đổi hoặc chấp nhận rủi ro. Họ thay đổi sản phẩm, chiến lược tiếp thị và thậm chí cả tên thương hiệu, để tìm cách tiến lên phía trước.
Kết quả là từ một doanh nghiệp nhỏ hiện nay Sony đã vươn lên trở thành một “gã khổng lồ” trong ngành với vô số chi nhánh. Theo các chuyên gia, một trong những bí quyết tạo nên thành công của Sony là chinh phục được trái tim của người tiêu dùng. Một số sản phẩm thành công nhất của Sony là những sản phẩm ban đầu gặp khó khăn do sự thiếu nhận thức của khách hàng. Do đó, Sony đã thực hiện các chiến lược tiếp thị khác nhau để tạo sự hấp dẫn cho sản phẩm đồng thời thiết lập những lời chào mời độc đáo. Đà tăng trưởng của Sony phụ thuộc vào việc tạo ra công nghệ hoặc thiết bị tốt nhất và thu hút khách hàng bằng chính giá trị mà các sản phẩm của doanh nghiệp này mang lại.
Bí quyết thành công của Sony còn nằm ở khả năng sáng tạo và đổi mới của tập đoàn này, với khả năng đoán trước được những gì khách hàng của họ muốn hoặc cần. Điều này tạo sức mạnh cho sự sáng tạo và đổi mới liên tục. Ví dụ, Walkman - một máy nghe nhạc di động - là một tiện ích độc đáo mà mọi người chưa từng thấy trước đây. Tuy nhiên, ý tưởng có một máy nghe nhạc trong túi kết nối với tai nghe đã được hàng triệu người hưởng ứng.
Với cách tiếp cận sáng tạo, Sony đã thu hút được khán giả và ghi dấu ấn bằng một sản phẩm mà ở thời điểm đó chưa có đối thủ cạnh tranh nào. Trong suốt hành trình của họ, từ đầu đĩa CD đến máy chơi game PlayStation, các sản phẩm tiên phong của doanh nghiệp này là yếu tố then chốt tạo nên thành công của Sony.
Ngoài ra, khả năng chấp nhận rủi ro cũng tạo nên sự khác biệt giữa Sony với các công ty thông thường. Để tồn tại và phát triển, Sony đã không "bỏ tất cả trứng vào một giỏ". Tập đoàn này khám phá các ngành khác nhau, chẳng hạn như trò chơi, phim và dịch vụ tài chính, đa dạng hóa danh mục sản phẩm của họ, vì vậy trong trường hợp họ không hoạt động tốt trong một lĩnh vực, những lĩnh vực khác sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của công ty.
Vì vậy, trong khi chấp nhận rủi ro bằng cách nhảy ra ngoài ngành, Sony cũng đang giảm thiểu rủi ro từ việc phụ thuộc quá mức vào các sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể. Do đó, nếu nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi, các đối thủ cạnh tranh mới gia nhập hoặc có một cú sốc lớn trên thị trường, hoạt động kinh doanh của họ sẽ không đột ngột sụp đổ.
Các khoản đầu tư lớn của Sony vào các nền tảng phát trực tuyến như Crunchyroll, Disney Plus và Netflix cho thấy rằng tập đoàn sẵn sàng chuyển hướng nguồn lực của mình sang những gì khách hàng sẽ ngày càng đòi hỏi nhiều hơn trong tương lai. Các chuyên gia khẳng định Sony luôn nhìn vào tương lai, luôn đi đầu trong các xu hướng và đón nhận sự đổi mới.
Đầu năm 2022, Sony thông báo thành lập công ty Sony Mobility nhằm thâm nhập vào thị trường xe điện. Tuyên bố được ông Kenichiro Yoshida, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Sony, đưa ra nhân sự kiện ra mắt nguyên mẫu xe điện mới dòng Vision-S tại Triển lãm hàng điện tử tiêu dùng (CES) 2022 ở Las Vegas (Mỹ) trong tháng Một.
Sony và Honda cũng có kế hoạch thành lập một liên doanh vào cuối năm nay nhằm tiếp thị những chiếc xe điện đầu tiên của hai doanh nghiệp này vào năm 2025. Sony sẽ phát triển phần mềm và nội dung giải trí có sẵn trên xe như phim ảnh và âm nhạc, trong khi Honda sẽ cung cấp phần cứng và các tính năng an toàn cho xe.
Năm ngoái, Sony đã tuyên bố mục tiêu dài hạn là thu hút 1 tỷ khách hàng kết nối trực tiếp với các hoạt động giải trí và dịch vụ khác của tập đoàn này. Hiện nay, hoạt động kinh doanh giải trí của Sony đang phát triển nhanh chóng và "làm lu mờ" hoạt động kinh doanh điện tử truyền thống của tập đoàn này. Trong tài khóa 2021-2022 (kết thúc vào cuối tháng 3/2022), trò chơi, dịch vụ mạng, phim và âm nhạc đóng góp 51% tổng doanh thu của Sony, ghi dấu lần đầu tiên tỷ lệ này vượt 50%.
Trong tài khóa trước, Sony đã báo cáo doanh thu tốt nhất từ trước đến nay nhờ kết quả tốt trong mảng phim ảnh, điện tử và âm nhạc, với doanh thu cả năm đạt 9.900 tỷ yen (76 tỷ USD) và lợi nhuận ròng là 882 tỷ yen./.