Bí quyết để tránh những đại dịch trong tương lai

07:25' - 04/11/2020
BNEWS Theo IPBES, các đại dịch sẽ xảy ra nhiều hơn trong tương lai và gây thiệt hại lớn hơn cho kinh tế toàn cầu so với đại dịch COVID-19 nếu con người không thay đổi tư duy tương tác với thiên nhiên.

Các đại dịch sẽ xảy ra thường xuyên hơn trong tương lai, với mức độ nguy hiểm cao hơn và gây nhiều thiệt hại hơn cho nền kinh tế toàn cầu so với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 nếu như con người không thay đổi tư duy tương tác với thiên nhiên.

Đây là cảnh báo mới do Ủy ban đa dạng sinh học của Liên hợp quốc (IPBES) đưa ra ngày 29/10.

Báo cáo đặc biệt về đa dạng sinh học và các đại dịch của IPBES cảnh báo các đại dịch là nguy cơ hiện hữu với loài người bởi trên thực tế có tới 850.000 loại virus, giống virus corona, đang ký sinh trong các động vật và có thể sẽ lây lan cho con người bất kỳ lúc nào.

Các tác giả của báo cáo trên cho rằng chính việc hủy hoại môi sinh và thói quen tiêu dùng vô độ của con người sẽ mở rộng cửa cho các loại bệnh truyền nhiễm qua vật chủ trung gian tấn công con người trong tương lai.

Chủ nhiệm nhóm thực hiện báo cáo, chuyên gia Peter Daszak, khẳng định đại dịch COVID-19 không phải là một căn bệnh thế hệ mới và cũng không có bí ẩn nào về nguồn gốc của căn bệnh này.

Những hoạt động của con người dẫn tới các tình trạng như biến đổi khí hậu và suy giảm đa dạng sinh học cũng chính là những yếu tố dẫn tới nguy cơ xảy ra đại dịch.

IPBES khẳng định tính từ đại dịch cúm năm 1918, COVID-19 là đại dịch thứ 6 xảy ra với con người và tất cả những đại dịch này đều hoàn toàn bắt nguồn từ hoạt động của chính con người.

Những hoạt động này bao gồm khai thác môi trường một cách thiếu bền vững thông qua những hình thức như phá rừng, không ngừng mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp, buôn bán và tiêu thụ các loại động vật hoang dã.

Tất cả những hành động này đẩy con người vào tình thế tiếp xúc gần hơn với những động vật hoang dã và động vật nuôi cũng như những căn bệnh truyền nhiễm từ virus sống ký sinh trong cơ thể chúng.

Theo đó, 70% trong số những căn bệnh mới- như Ebola, Zika và HIV/AIDS-có nguồn gốc động vật, tức là bệnh lây truyền trong động vật trước khi lây sang cho con người. IPBES cảnh báo mỗi năm lại có khoảng 5 căn bệnh mới bùng phát trong loài người và mỗi bệnh này đều có nguy cơ trở thành đại dịch.

Báo cáo đánh giá định kỳ về môi trường thiên nhiên mà IPBES đưa ra hồi năm ngoái cho thấy hơn 3/4 diện tích đất trên Trái Đất đã bị suy thoái nghiêm trọng vì tác động của con người, 1/3 diện tích đất bề mặt và 3/4 lượng nước ngọt của hành tinh hiện đang được dùng để phục vụ nông nghiệp và lượng tài nguyên thiên nhiên mà loài người sử dụng tăng tới 80% chỉ trong 3 thập kỷ.

IPBES cũng đã tổ chức một hội thảo trực tuyến với 22 chuyên gia hàng đầu để vạch ra danh sách những lựa chọn mà các chính phủ có thể sử dụng để giảm thiểu nguy cơ xảy ra các đại dịch.

Báo cáo của IPBES cũng ước tính chi phí do COVID-19 gây ra có thể lên đến 16.000 tỷ USD tính đến tháng 7/2020 nhưng chi phí để ngăn chặn các đại dịch trong tương lai có thể rẻ hơn 100 lần so với con số này nếu các chính phủ triển khai những sáng kiến kinh tế quyết liệt tạo ra thay đổi căn bản.

Theo đó, báo cáo nhận định cách tiếp cận hiện nay đang đi theo lối mòn và rơi vào bế tắc vì đều theo cách thức chỉ đến khi dịch bệnh xuất hiện mới tìm cách khống chế và kiểm soát rồi trông chờ vào các biện pháp điều trị hoặc các loại vaccine phòng bệnh.

IPBES cho rằng cần có một cơ chế ứng phó đại dịch quy mô toàn cầu với sự phối hợp chặt chẽ, để các quốc gia thống nhất về các mục tiêu ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học theo một hiệp định quốc tế tương tự như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Một trong những phương án được đề xuất để giảm thiểu nguy cơ bùng phát đại dịch là các chính phủ cân nhắc đánh thuế với hoạt động tiêu thụ thịt, sản xuất các sản phẩm từ gia súc và các mô hình hoạt động được cho là có nguy cơ cao gây đại dịch.

Chuyên gia Nick Ostle, từ Đại học Lancaster, nhận định sức khỏe và sự thịnh vượng của con người phụ thuộc vào sức khỏe, sự thịnh vượng của môi trường.

Những thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra một lần nữa chỉ rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ và khôi phục các hệ thống môi sinh thiết yếu cho sự sống trên toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục