Bí quyết phát triển đô thị hài hòa của Singapore (Phần 1)

05:30' - 07/05/2017
BNEWS Quá trình hoạch định chính sách cùng những nỗ lực quy hoạch trong mục tiêu dài hạn của Thủ tướng Lý Quang Diệu mang lại không gian sống lý tưởng và giúp Singapore phát triển bền vững hơn.
Bí quyết phát triển đô thị hài hòa của Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 9/8/1965, Thủ tướng Lý Quang Diệu tuyên bố Singapore chính thức là một nước cộng hòa độc lập. Hơn 50 năm sau, “đảo quốc sư tử” đã chuyển mình từ một vùng đất nghèo nàn, lạc hậu trở thành quốc đảo xinh đẹp với mô hình phát triển xanh – sạch – đẹp và là một trong những quốc gia có trình độ quản lý đô thị hàng đầu thế giới.

Đây được coi là “trái ngọt” trong quá trình hoạch định chính sách cùng những nỗ lực quy hoạch trong mục tiêu dài hạn của Thủ tướng Lý Quang Diệu nhằm mang lại không gian sinh sống lý tưởng cho người dân và giúp Singapore phát triển bền vững hơn.

Khi Singapore còn là một quốc đảo nông nghiệp nghèo nàn, công nhân chỉ sống dựa vào cảng biển thì Lý Quang Diệu, một trí thức ưu tú, đã đưa ra quan điểm phát triển chung của Singapore là “Singapore xanh” - một quan điểm mới lạ, tạo nên sự khác biệt trong bối cảnh thế giới lúc bấy giờ.

Một xã hội “sạch” theo ông là một xã hội không còn tệ nạn. Ông kiên quyết giữ môi trường tự nhiên đến cùng, giữ môi trường pháp lý minh bạch, đồng thời tập trung vào giáo dục - đào tạo. Vừa muốn phát huy vai trò của cảng biển, vừa muốn bảo vệ môi trường nên Singapore đã chọn cách phát triển công nghệ lắp ráp, lọc dầu.

Từ đó, Lý Quang Diệu từng bước đưa Singapore trở thành trung tâm tài chính và điểm trung chuyển hàng không của thế giới, Singapore không những theo kịp tốc độ phát triển thế giới mà còn có những bước đi sớm nhất vào thời đại công nghệ 4.0.

Quy hoạch đô thị của Singapore đã thay đổi khá nhiều trong 4 thập kỉ qua kể từ ngày đất nước độc lập. Vào những năm 1960, Singapore phải đối mặt với nạn thất nghiệp, dân số gia tăng nhanh chóng tại khu vực trung tâm thành phố, thiếu nhà ở cùng hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém.

Diện tích đất sử dụng hạn chế cộng với những yêu cầu cấp thiết từ dân cư khiến các nhà quy hoạch đô thị Singapore phải đưa ra chính sách xây dựng phù hợp để phục vụ nhu cầu sử dụng không chỉ hiện tại mà còn về lâu dài.

Hình ảnh người dân chào đón ông Lý Quang Diệu trong buổi lễ mừng Quốc khánh ngày 9/8/2012. Ảnh: Reuters

Chiến lược quy hoạch của Singapore thể hiện rõ trong quy hoạch Vành đai Concept Plan (1971). Theo đó, một vành đai các đô thị vệ tinh mới có mật độ dân cư cao sẽ được xây dựng xung quanh các khu vực trữ nước. Bao quanh các đô thị là khu vực nhà ở tư nhân với mật độ dân cư thấp hơn. Các đô thị này được nối liền với nhau bởi hệ thống đường cao tốc.

Singapore ưu tiên phát triển không gian đô thị cho các hoạt động phát triển kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng mà trục đường Orchard, trung tâm mua sắm phát triển nhất Singapore, là ví dụ điển hình.

Khu cảng biển trung chuyển lớn nhất khu vực với đầy đủ bến bãi kho tàng và khu sản xuất gia công tái chế. Mạng lưới giao thông được quy hoạch đồng bộ để có thể đáp ứng yêu cầu sử dụng trong vòng 40 năm tiếp theo.

Trong quy hoạch, cảnh quan, môi trường, cây xanh được chú trọng đầu tiên. Với diện tích đất hạn chế, Chính phủ Singapore đã thực hiện chiến lược “vườn trong phố”, “vườn tường”, “vườn mái”, “vườn ở bất cứ đâu”.

Mật độ cây xanh che phủ cao đã khiến không gian đô thị được “mềm hóa” và cải thiện chất lượng môi trường nói chung. Bên cạnh đó, nhờ việc tận dụng tối đa những khoảng không gian ngầm dưới lòng đất, và hệ thống tàu điện ngầm hiện đại, tại Singapore hiếm khi xảy ra tình trạng tắc nghẽn, chật chội.

Để có được những phát triển vượt bậc của đất nước, có thể thấy Thủ tướng Lý Quang Diệu luôn chú trọng đến quyền lợi của người dân. Ông luôn xử lý quyết đoán và từng bước thay đổi vấn đề trong thời gian dài lên đến 30 năm.

Ví như giải quyết vấn đề bán hàng rong, Lý Quang Diệu đã tư duy theo hướng xử lý tới gốc rễ vấn đề. Khi dẹp khu vực bán hàng rong thì cần phải lo sinh kế cho người mất việc. Dẹp các khu vực bán hàng rong sẽ dẫn tới xung đột và ông Lý đã nghĩ cách giải quyết xung đột đó.

Ông giải quyết bằng cách hướng về con người, vì lợi ích nhân dân, đảm bảo chỗ ở, công ăn việc làm mới cho họ, giáo dục họ những điều tốt đẹp.

Trong khi đó, tại một đất nước nổi tiếng về quy hoạch đô thị hiệu quả, tính kỷ luật công cộng cao cùng với quyền lực phần lớn nằm ở phía chính phủ, khái niệm tranh phun sơn hay dán tranh, ảnh nơi công cộng đều là cấm kỵ.

Xem thêm:

>>> Bí quyết phát triển đô thị hài hòa của Singapore (Phần 2)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục