Biển Bắc sẽ là trung tâm năng lượng xanh lớn nhất thế giới

09:10' - 25/04/2023
BNEWS Thành phố Ostend của Bỉ đã chào đón chín nguyên thủ quốc gia và chính phủ tới tham dự Hội nghị thượng đỉnh Biển Bắc lần thứ hai.

Sự kiện này là phần tiếp theo của hội nghị lần thứ nhất diễn ra tại Esbjer (Đan Mạch) vào năm ngoái với sự tham dự của bốn quốc gia là Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch và Đức nhằm thành lập một Liên minh mới về năng lượng gió.

Ngoài bốn quốc gia sáng lập, sự kiện năm nay ghi nhận sự tham gia của năm đối tác khác: Na Uy, Vương quốc Anh, Ireland, Pháp và Luxembourg.

Tới tham dự hội nghị, Thủ tướng Luxembourg, Xavier Bettel nhấn mạnh mục tiêu của Luxembourg là ký kết các hợp đồng để có quyền sử dụng điện "carbon thấp" sẽ được sản xuất bởi các công viên ngoài khơi trong tương lai.

Việc mở rộng liên minh Biển Bắc này đã giúp nâng cao tham vọng lắp đặt các công viên điện gió ngoài khơi.

 

Như vậy, mục tiêu đến năm 2030 đã tăng từ 65 GW lên 134 GW, trong khi mục tiêu đến năm 2050 tăng từ 150 GW lên 300 GW. Theo Ủy ban châu Âu (EC), mục tiêu này cần khoản đầu tư 800 tỷ euro (884,5 tỷ USD).

Theo Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo, thách thức lớn hiện nay là đạt được mục tiêu này. Ngoài các trang trại gió, cần cả cơ sở hạ tầng kết nối, chuỗi công nghiệp, dự án hydro xanh. Ngoài quan hệ đối tác, chín quốc gia ký kết muốn điều phối chính sách của họ và kêu gọi đấu thầu, tăng cường dây chuyền sản xuất hoặc đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Thủ tướng Alexander De Croo nhấn mạnh vai trò của ngành công nghiệp trong việc đạt được những mục tiêu này. Theo ông, ngày nay, công suất sản xuất của các tuabin gió ngoài khơi là 7 GW mỗi năm và các đối tác cần phải tăng công suất này lên 20 GW để đạt được mục tiêu của mình.

Ngoài ra, cũng cần phải phối hợp các dự án khác nhau của châu Âu vì "nếu tất cả chúng ta xây dựng cùng một lúc, ngành sẽ gặp vấn đề".

Thủ tướng Bỉ cũng ca ngợi vai trò tiên phong của Bỉ và châu Âu trong lĩnh vực năng lượng gió ngoài khơi.

Tuy nhiên, những tuabin gió "Made in Europe" phải đối mặt với trở ngại nhất định. Đặc biệt là khả năng tiếp cận nguyên liệu thô. Theo Thủ tướng Hà Lan, Mark Rutte, "nếu chúng tôi muốn sản xuất tuabin gió của mình ở châu Âu, chúng tôi phải ít phụ thuộc vào một nhà cung cấp duy nhất đối với các nguyên liệu thô quan trọng".

Hiện nay, các thành viên của Liên minh mới về năng lượng gió có mức độ phát triển điện gió ngoài khơi rất không đồng đều. Trong khi Vương quốc Anh đã có 14 GW điện gió ngoài khơi và Đức với 8 GW điện gió ngoài khơi, công suất điện gió của Đan Mạch, Bỉ và Hà Lan là từ 2 GW đến 3 GW. Còn con số tương ứng của Pháp và Na Uy chỉ vào khoảng 0,5 GW.

Trong tuyên bố chung kết thúc hội nghị, Pháp đang nhắm tới công suất điện gió ngoài khơi ít nhất 2,1 GW vào năm 2030 và từ 4,6 GW đến 17 GW vào năm 2050 ở Biển Bắc và biển Manche. Paris trước đó đã thông báo rằng họ đang nhắm tới 40 GW điện gió ngoài khơi trên tất cả các bờ biển của Pháp vào năm 2050.

Về phần mình, Bỉ đã lắp đặt 2,3 GW và sẽ đạt 300 GW vào năm 2050 nhằm đáp ứng mức tiêu thụ điện của 300 triệu hộ gia đình./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục