Biến chủng Delta lây lan nhanh, tốc độ tấn công tăng gấp 2-3 lần

12:13' - 16/07/2021
BNEWS Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, căn cứ vào diễn biến của dịch, ngành Y tế đã có một số thay đổi cơ bản trong phòng, chống dịch hiện nay.

Sáng 16/7, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến công tác phòng, chống dịch COVID-19 toàn quốc. Hội nghị kết nối đến gần 130 điểm cầu trong cả nước.

Hội nghị nhằm đánh giá, rà soát những kịch bản phòng dịch trong thời gian qua, đặc biệt là chuẩn bị cho tình hình dịch phức tạp hơn.

Tính từ 27/4 tới sáng 17/7, số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước là 38.726 ca tại 58 tỉnh, thành phố, trong đó có 6.914 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh có gần 22.000 ca bệnh.

*Gia tăng ca mắc trong những ngày tới

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong thời gian qua, chúng ta đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp phòng chống dịch. Tuy nhiên, nhiều địa phương hiện nay, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ đang đối mặt với sự bùng phát hết sức phức tạp.

Trong những ngày tới, có thể các trường hợp mắc sẽ gia tăng, nhiều trường hợp có khả năng tử vong.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá, các đợt dịch trước chỉ 1,5 tháng là kết thúc. Tuy nhiên, với đợt dịch này, biến chủng Delta lây lan nhanh, tốc độ tấn công tăng gấp 2-3 lần so với các đợt dịch trước, do tốc độ bám dính đối với tế bào vật chủ, khả năng nhân lên nhanh với số lượng lớn trong tế bào dẫn đến việc phá huỷ tế bào, phát tán mầm bệnh ra môi trường xung quanh trong thời gian ngắn. Chu kỳ lây nhiễm hiện nay chỉ còn 2 ngày chứ không phải 5 ngày như trước đây.

“Đợt dịch này sẽ kéo dài hơn so với các đợt dịch trước, gây tác động trên diện rất rộng, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến đời sống, phát triển kinh tế, xã hội nhất là các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam. Vì vậy, dù chúng ta triển khai quyết liệt, rất cố gắng nhưng kết quả chưa được như mong muốn”, Bộ trưởng cho biết.

Một trong những lý do là việc thực hiện Chỉ thị 16 tại một số nơi ở một số địa phương thực hiện chưa nghiêm túc, chưa đầy dủ, chưa quyết liệt nhiều khi còn chần chừ, nấn ná. Người dân đi lại vẫn nhộn nhịp, cửa hàng siêu thị vẫn mở dù Chỉ thị 16 quy định chỉ mở các dịch vụ thiếu yếu như thực phẩm, thuốc.

“Chợ vẫn họp đông thì không thể chấm dứt chuỗi lây nhiễm được. Các khu công nghiệp cũng chưa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Y tế”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh;

Đồng thời chỉ rõ, có địa phương chưa kiểm tra, chưa giám sát, chưa xét nghiệm, đặc biệt là tâm thế chuẩn bị cho tình hình dịch lan rộng kéo dài còn rất lần chần. Một số nơi vẫn còn trông chờ vào Trung ương, ngại mua sắm…

Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương đánh giá rà soát lại các kịch bản đã đưa ra, chuẩn bị cho tình hình dịch phức tạp hơn.

Các địa phương cần chuẩn bị tình huống, kịch bản xấu, chuẩn bị hơn một mức so với yêu cầu chống dịch. Về xét nghiệm, cần nâng cấp trong công tác tổ chức xét nghiệm, điều phối, trả kết quả.

Bên cạnh đó, cần chuẩn bị cơ sở về cách ly. Trong đó cách ly tập trung cần giảm thiểu tối đa lây nhiễm, tuân thủ nghiêm túc vì chủng này lây nhiễm rất cao.

Bên cạnh đó, các địa phương cần rà soát lại khả năng cung ứng ô-xy, tăng khả năng điều phối…

* Thay đổi về chiến lược điều trị

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, căn cứ vào diễn biến của dịch, ngành Y tế đã có một số thay đổi cơ bản trong phòng, chống dịch hiện nay.

Theo đó, về cách ly, thực hiện giảm thời gian cách ly dù có rủi ro nhưng chấp nhận rủi ro ở mức thấp. Đồng thời thí điểm cách ly F1 tại nhà, có thể áp dụng theo hướng dẫn của Bộ nếu đảm bảo các tiêu chí, thay đổi trong xét nghiệm.

Về xét nghiệm, trước đây chủ yếu sử dụng xét nghiệm PCR là chính, giờ thay đổi sử dụng test nhanh là chính, để tối ưu hóa vấn đề xét nghiệm, trả kết quả nhanh, đưa F0 ra khỏi cộng đồng càng nhanh càng tốt. Lý do vì đặc tính virus phát tán mạnh, một người nhiễm, cả nhà, cả nơi đó nhiễm.

Đặc biệt để tiết kiệm test nhanh, Bộ Y tế kiến nghị có thể gộp mẫu trong test nhanh, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh - nơi có tỷ lệ nhiễm cao, đặc biệt là khu vực có diễn biến phức tạp thì có thể sử dụng test nhanh gộp mẫu 3-5 mẫu trong một test, vừa tiết kiệm vừa đảm bảo tốc độ, đảm bảo độ nhậy gần tương đương mẫu đơn.

Dù vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng lưu ý, với vùng nguy cơ cao không nên gộp quá nhiều mẫu test nhanh, chỉ nên gộp tối đa là 5 mẫu.

Trong điều trị bệnh nhân COVID-19, Bộ Y tế đã có những thay đổi về chiến lược điều trị, thiết lập phân tầng theo các khu vực khác nhau, gồm: khu vực dành cho điều trị bệnh nhân nhẹ, không có triệu chứng sẽ điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu phù hợp với diễn tiến bệnh để tránh lãng phí nhân lực và trang thiết bị, cơ sở điều trị.

Đối với bệnh nhân có triệu chứng, sẽ chuyển đến điều trị tại các cơ sở y tế.

Bệnh nhân nặng, rất nặng chuyển đến điều trị tại các bệnh viện đa khoa, bệnh viện dã chiến.

“Chúng tôi khuyến nghị các địa phương nên thiết lập khu vực điều trị ICU tại các bệnh viện dã chiến để có thể nâng cao năng lực khi cần và giảm lây nhiễm chéo trong bệnh viện”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý.

Cũng liên quan đến công tác điều trị, Bộ trưởng Bộ Y tế nói rõ, nếu bệnh nhân không có triệu chứng 2 lần xét nghiệm có kết quả âm tính hoặc 2 lần xét nghiệm dương tính nhưng chỉ số nồng độ virus thấp (giá trị CT >=30), thì được xuất viện và không phải thực hiện cách ly vì khả năng lây ra cộng đồng hầu như không có.

Tuy nhiên, các trường hợp này vẫn phải theo dõi, giám sát y tế tại nơi lưu trú trong 14 ngày.

Với trường hợp dương tính SARS-CoV-2 phát hiện tại cộng đồng, nếu giá trị CT>=30 thì chuyển đến cơ sở y tế và lấy mẫu xét nghiệm lần 2 sau 24h. Nếu kết quả xét nghiệm lần 2 âm tính hoặc dương tính nhưng giá trị CT>=30 thì bệnh nhân được xuất viện và thực hiện theo dõi, giám sát y tế như trên.

Bộ Y tế cũng đã tổng kết hơn 400 trường hợp tái dương sau khi ra viện và không ghi nhận trường hợp nào lây lan ra cộng đồng. Vì vậy, khi các địa phương phát hiện trường hợp tái dương tính trong cộng đồng, không phải thực hiện các biện pháp cách ly, xử lý ổ dịch.

Các trường hợp này cần tiếp tục theo dõi y tế, nếu xuất hiện triệu chứng thì liên hệ ngay với cơ sở y tế để được chăm sóc, theo dõi.

“Như vậy về điều trị, với những thay đổi này đã giảm được thời gian nhập viện, giảm bệnh nhân nhẹ để tập trung điều trị bệnh nhân nặng tại các cơ sở điều trị”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

* Đàm phán thành công khoảng 170 triệu liều vaccine

Liên quan đến công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện nay, Việt Nam đã đàm phán thành công được khoảng 170 triệu liều vaccine phòng COVID-19 từ các nguồn khác nhau.

Tuy nhiên, do mức độ khan hiếm của vaccine toàn cầu, nên dù đã có những hợp đồng mua từ tháng 11/2020, có những cam kết thoả thuận từ tháng 9/2020 nhưng đến nay chúng ta mới có vaccine. Tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài đến tháng 9/2021.

Do đó, “trước mắt chúng tôi ưu tiên phân bổ vaccine cho các tỉnh, thành phố có dịch, các đầu tầu phát triển kinh tế - xã hội để đảm bảo đạt được mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Khi có vaccine về, các tỉnh, thành phố phải triển khai ngay kế hoạch tiêm chủng, lựa chọn tiêm theo đúng đối tượng trong Nghị quyết 21, cùng với quyết định về đối tượng tiêm của địa phương phù hợp”, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ.

Tại hội nghị, thông tin về những trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc đã tiêm 1 mũi vaccine phòng COVID-19, nếu là F1 thì sẽ thực hiện cách ly như thế nào? Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện nay Bộ đang thí điểm thực hiện cách ly 7 ngày đối với những người nhập cảnh đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, tại Quảng Ninh. Những người đã tiêm vaccine mũi 1 cũng sẽ như vậy./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục