Biến gạo thành nhựa phát thải thấp hồi sinh thị trấn ở Fukushima

08:10' - 10/03/2023
BNEWS Gạo Fukushima sẽ có nguồn khách mua hàng ổn định sau khi thị trấn Namie ở đây từng bị bỏ hoang vì nhiễm phóng xạ từ các lò phản ứng hạt nhân Fukushima sau thảm họa cách đây hơn 1 thập kỷ.

Quan sát những người thợ đào xới đất bên cạnh các thửa ruộng để tìm cách cải thiện năng suất canh tác cho các cánh đồng, ánh mắt người nông dân Jinichi Abe lộ rõ vẻ lạc quan về tương lai của thị trấn Namie từng bị bỏ hoang vì nhiễm phóng xạ từ các lò phản ứng hạt nhân Fukushima sau thảm họa cách đây hơn 1 thập kỷ.

Jinichi Abe còn vui mừng hơn khi biết rằng gạo Fukushima sẽ có nguồn khách mua hàng ổn định, người nông dân Namie có một nguồn hy vọng mới khi 1 công ty liên doanh sẽ thu mua hàng tấn gạo vốn không thể bán được cho ai vì những lời đồn đoán về nguy cơ đối với sức khỏe.

Từ tháng 11/2022, công ty Biomass Resin, có trụ sở tại Tokyo, đã mở 1 nhà máy ở Namie để chế biến gạo trồng ở địa phương thành những viên nguyên liệu thô rồi tái chế thành những đồ dùng nhựa như dao, kéo nhựa và hộp đựng đồ mang đi dùng trong các nhà hàng, túi nhựa ở các bưu điện và quà lưu niệm bán ở những sân bay quốc tế lớn nhất của Nhật Bản.

 

Ông Abe, 85 tuổi, sinh trưởng trong gia đình có 13 thế hệ làm nông, cho biết trồng lúa gạo là công việc truyền thống của Namie. Trong những năm qua, gạo trồng ở địa phương không bán được vì những lời đồn đoán về nguy cơ sức khỏe và cuối cùng phải dùng làm thức ăn chăn nuôi gia súc. Chính vì vậy, Biomass đã mang lại sự hỗ trợ đáng quý, giúp người nông dân Namie vững tâm trồng lúa mà không phải lo ngại về đầu ra.

Nằm trải dài từ những sườn núi tới vùng bờ biển, nhiều vùng của Namie nằm cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima Số 1 chỉ 4 km. Nhà máy đã tạo việc làm cho rất nhiều người dân trong thị trấn, trong đó có cả con trai và cháu trai của ông Abe.

Khi sóng thần ập đến, nhà máy hạt nhân bị hư hại, người dân Namie ban đầu được yêu cầu sơ tán vào sâu trong làng nhưng sau đó vì nồng độ phóng xạ tăng, họ được yêu cầu khẩn cấp sơ tán khỏi thị trấn mà không kịp mang theo tài sản gì.

Namie bị bỏ không cho đến năm 2017 người dân mới được phép trở lại sau những nỗ lực khử phóng xạ, nhưng đến nay địa phương này vẫn đang chật vật tìm cách hồi sinh. Đất nhiễm phóng xạ vẫn tồn tại xung quanh thị trấn này và cả ở trên những cánh đồng trong nhiều năm.

Vẫn còn 80% diện tích thị trấn là các khu vực cấm người dân lui tới và hiện dân số thị trấn chỉ khoảng 2.000 người, chỉ bằng 1/10 so với mức 21.000 người trước khi thảm họa xảy ra. Hiện tại thị trấn đã có 1 trung tâm mua sắm, 1 phòng khám, 2 phòng nha khoa, 1 trường liên cấp tiểu học và trung học cơ sở, nhưng việc làm cho người dân vẫn thiếu rất nhiều.

Giới chức chính quyền địa phương thừa nhận mọi thứ vẫn còn rất khó khăn, địa phương cần thu hút thêm nhiều doanh nghiệp để tạo càng nhiều việc làm càng tốt, cơ bản là các ngành sản xuất. Từ năm 2017, đã có 8 công ty đến xây dựng cơ sở ở Namie, tạo ra 200 việc làm. Hiện chính quyền vẫn tìm cách thu hút thêm các viện nghiên cứu và thêm người đến phục hồi địa phương.

Chia sẻ về quyết định đưa cơ sở về Fukushima, Chủ tịch Biomass Resin Takemitsu Imazu cho biết Namie đã cùng lúc hứng chịu 4 thảm họa gồm động đất, sóng thần, sự cố hạt nhân và sau đó là những đồn đoán về nguy cơ phóng xạ. Dù đã dần phục hồi sau động đất và sóng thần, nhưng Namie vẫn đang chịu những gánh nặng lớn từ 2 thảm họa còn lại.

Ông mong muốn việc xây dựng nhà máy ở đây sẽ tạo thêm cơ hội việc làm và thu hút người dân trở lại thị trấn. Còn với người nông dân như ông Abe, trồng lúa vẫn là công việc quan trọng để duy trì Namie và ông tin tưởng đây mới thực sự là điều tốt cho thị trấn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục