Biến không thể thành có thể: Nga liệu có vỡ nợ?

06:30' - 22/03/2022
BNEWS Các chuyên gia phân tích Mỹ dự đoán rằng trong một tháng nữa, Nga sẽ vỡ nợ. Tuy nhiên trên thực tế, điều này khó xảy ra, bởi các chủ nợ nước ngoài sẽ được trả bằng đồng ruble.

Các biện pháp trừng phạt tài chính gay gắt nhất đã được áp đặt lên Nga, với hơn 1/2 số dự trữ ngoại hối của Ngân hàng trung ương Nga (BoR) bị đóng băng.

Các chuyên gia phân tích Mỹ dự đoán rằng trong một tháng nữa, Nga sẽ vỡ nợ. Tuy nhiên trên thực tế, điều này khó xảy ra, bởi các chủ nợ nước ngoài sẽ được trả bằng đồng ruble.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bà Kristalina Georgieva từng nhận định khả năng Nga vỡ nợ sau các lệnh trừng phạt của phương Tây không còn là "điều không thể".

Các biện pháp trừng phạt đã dẫn đến thực tế là về mặt khách quan, Nga không thể thực hiện các nghĩa vụ trả nợ bằng đồng USD và euro. Tập đoàn tài chính Mỹ Morgan Stanley dự báo Nga có thể vỡ nợ sớm nhất vào ngày 15/4 tới, khi khoản thanh toán nợ công 700 triệu USD đã đến hạn. Đây là lúc thời điểm kết thúc thời gian ân hạn 30 ngày đối với các khoản lãi trái phiếu Chính phủ Nga đáo hạn năm 2023 và 2043.

"Nếu các quy tắc này không được tuân thủ, đây là một vụ vỡ nợ", chuyên gia phân tích Mikhail Bespalov tại KSP Capital nhận xét.

Vì lý do này phương Tây đã đóng băng các tài khoản ngoại hối của BoR. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là ở Nga, không có nguyên nhân kinh tế nào dẫn đến việc phá sản, Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov nhấn mạnh. Nga hoàn toàn có thể thực hiện các nghĩa vụ trả nợ công bởi các quỹ cần thiết cho việc này luôn sẵn sàng.

Thật vậy, vấn đề chính ở đây là chính trị, chứ không phải kinh tế, theo các chuyên gia. Tỷ lệ nợ (478,2 tỷ USD) trên GDP (1.650 tỷ USD) không vượt quá 25%, điều này cho thấy sự ổn định tài chính của Nga.

Ông Vitaly Manzhos, chuyên gia cấp cao quản lý rủi ro tại Algo Capital LLC, chỉ ra rằng nếu không có khả năng thanh toán bằng đồng USD và euro vì lý do bất khả kháng thì quyết định của các cơ quan nhà nước và tổ chức quốc tế thường là như vậy.

Andrey Kochetkov, chuyên gia phân tích hàng đầu của Open Broker, cho biết: "Thật khó để tưởng tượng rằng trong điều kiện dự trữ bị đóng băng, bên vay sẽ tìm kiếm thêm tiền để trả nợ. Nga không chịu trách nhiệm về bất kỳ sự gián đoạn nào".

Bên cạnh đó, Nga cũng có những công cụ đặc biệt để thực hiện các nghĩa vụ trả nợ. Ví dụ, có thể sử dụng quyền rút vốn đặc biệt (SDR) trong IMF, quyền này không bị trừng phạt, chuyên gia làm rõ.

Ngoài ra, trong trường hợp của Nga, các chủ nợ nước ngoài đã chuẩn bị trước tinh thần cho vụ vỡ nợ. Mọi người đều biết rằng châu Âu và Mỹ đã đóng băng khoảng 60% dự trữ ngoại hối của BoR, một phần là trái phiếu ngắn hạn và các trái phiếu khác bằng đồng USD và euro.

Mặc dù vậy, Nga vẫn có ý định thanh toán các khoản nợ, cho dù chính phương Tây đang ngăn chặn các khoản thanh toán này. Bộ Tài chính Nga chấp thuận thủ tục tạm thời để trả nợ công bằng đồng ruble theo tỷ giá của ngân hàng trung ương.

Theo ông Siluanov, đối với trái phiếu của châu Âu (Eurobonds) được phát hành từ năm 2018, khả năng này được ghi rõ trên các trái phiếu.

Mới đây, Tông thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh cho phép các khu vực và thành phố trực thuộc trung ương cũng như người dân Nga trả cho các chủ nợ nước ngoài bằng đồng ruble. Đối với chủ nợ từ các quốc gia tham gia vào các hoạt động chống lại Nga, chống lại các công ty và công dân nước này, các khoản thanh toán chỉ nên được chuyển bằng đồng ruble vào các tài khoản ngân hàng đặc biệt. Đối với các chủ nợ khác, thanh toán có thể được thực hiện bằng đồng ruble hoặc, nếu có giấy phép đặc biệt, bằng đơn vị tiền tệ của khoản nợ.

Chuyên gia Valery Korneichuk từ Viện Quản trị Tài chính cho biết: "Bất chấp việc phương Tây phong tỏa một nửa số vàng và dự trữ ngoại hối của Nga, phần vàng và tài sản định giá bằng đồng nhân dân tệ còn lại cho phép nước này thực hiện trả nợ".

Phần nợ lớn nhất của Nga là các khoản nợ phải trả bằng đồng ruble, trong khi nợ phải trả bằng ngoại tệ là nhỏ. Quỹ Phúc lợi Quốc gia (NWF), với nguồn thu gia tăng nhờ giá dầu tăng cao, sẽ làm dịu đòn trừng phạt. Quỹ này chỉ dành cho thời kỳ khủng hoảng và với khoản đệm tài chính trị giá 13.600 tỷ ruble (tính đến ngày 1/2), quỹ này hiện rất hữu ích.

Chuyên gia Anastasia Tarasova, người đứng đầu quỹ đầu tư Maerli Capital, cho biết: "Đối với các khoản nợ bằng ngoại tệ, chính phủ có thể tuyên bố không trả được nợ nước ngoài để đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Điều này sẽ không ảnh hưởng đến người dân Nga theo bất kỳ cách nào, ngoại trừ những người đã đầu tư vào Eurobond".

Tất cả những biện pháp này đều không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế và các tổ chức tài chính Nga. Chuyên gia Andrey Kochetkov nhấn mạnh "không có rủi ro nào cho những công dân bình thường".

Bà Oksana Karpenko, Phó Giáo sư tại Khoa Kinh tế của Đại học Tổng hợp Hữu nghị các dân tộc Nga (RUDN), chỉ ra rằng nếu Nga không thanh toán Eurobonds thì điều đó hầu như không ảnh hưởng đến đồng ruble.

Có thể thấy, Nga đã cảm nhận được phần lớn các tác động tiêu cực của lệnh trừng phạt khi không có khả năng nhập khẩu hàng hóa, thiết bị và phụ tùng. Nước này cũng trải qua sự gián đoạn quy mô lớn trong công tác hậu cần. Bên cạnh đó, các mối đe dọa chính vẫn là lạm phát và rủi ro các loại hàng sẽ tăng giá thêm 20-30%. Chính bởi vậy, nhà nước đang tập trung vào việc giải quyết các vấn đề này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục