Biến phế thải thành nguyên liệu, giảm tận thu tài nguyên thiên nhiên

08:44' - 18/03/2021
BNEWS Biến chính phế thải thành nguyên liệu đầu vào, giảm việc tận thu tài nguyên thiên nhiên đã được tính đến. Đây cũng sẽ là hành trình dài mà ngành xây dựng định hướng thực hiện trong thời gian tới.

Phát triển kinh tế tuần hoàn đã và đang trở thành xu hướng của các quốc gia, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới ngày càng cạn kiệt. Ngành xây dựng là một trong nhiều lĩnh vực cần sử dụng nguồn tài nguyên. Do đó, câu chuyện tuần hoàn trong sản xuất để biến chính phế thải thành nguyên liệu đầu vào, giảm việc tận thu tài nguyên thiên nhiên đã được tính đến. Đây cũng sẽ là hành trình dài mà ngành xây dựng định hướng thực hiện trong thời gian tới. 

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), ứng dụng kinh tế tuần hoàn với mô hình tái sản xuất và chuỗi cung ứng khép kín là một giải pháp hiệu quả đã được áp dụng ở nhiều nước nhằm hạn chế rác thải đô thị, giảm tải cho các bãi chôn lấp rác, đồng thời tạo ra chuỗi giá trị tái sinh.

Các chuyên gia cho biết, chuỗi cung ứng khép kín bao gồm thu gom lại sản phẩm đã sử dụng để tái chế hoặc sản xuất sản phẩm mới theo cách tuần hoàn hay các chu kỳ khép kín, nhằm bảo đảm phục hồi kinh tế và bảo vệ môi trường. Chuỗi cung ứng khép kín này không chỉ bao gồm quá trình sản xuất truyền thống mà còn bao gồm cả các hoạt động như: thu gom, phân loại, chọn lọc, tân trang, sửa chữa, tái sử dụng, tái sản xuất.

Với ngành xây dựng, câu chuyện tái sử dụng phế thải từ các ngành khác đã được thực hiện hơn 10 năm trước từ Quyết định 567/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 và Quyết định số 452/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng. Đây là tiền đề để ngành xây dựng phát triển mảng vật liệu xây không nung - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh khẳng định.

Những năm qua, ngành công nghiệp vật liệu xây dựng không ngừng phát triển, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng từ 8-10% năm. Nhu cầu vật liệu xây cũng tăng qua các năm. Đáng chú ý, hiện năng lực sản xuất vật liệu xây không nung đạt 9,4 tỷ viên quy tiêu chuẩn (QTC)/năm, chiếm 30% tổng lượng gạch xây; công nghệ sản xuất vật liệu xây không nung ngày càng hiện đại; chất lượng sản phẩm vật liệu xây không nung ngày càng được nâng cao; chủng loại, mẫu mã sản phẩm vật liệu xây không nung ngày càng phong phú đa dạng đáp ứng nhu cầu thị trường.

Điều này cũng thể hiện việc các doanh nghiệp trong nước đã chủ động trong chế tạo dây chuyền thiết bị sản xuất vật liệu xây không nung có giá cạnh tranh với dây chuyền, thiết bị nhập khẩu. Theo ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, hiện cả nước có trên 1.600 cơ sở vật liệu xây không nung, với tổng công suất thiết kế khoảng 10,2 tỷ viên QTC/năm, chiếm khoảng 30% tổng công suất thiết kế sản phẩm vật liệu xây.

Con số sản lượng này phản ánh việc hàng năm đã tiết kiệm được khoảng 7,5 triệu m3 đất sét, tương đương 375 ha đất khai thác ở độ sâu 2m, giảm tiêu thụ khoảng 750.000 tấn than và giảm thải ra môi trường khoảng 2,85 triệu tấn CO2. Đây chính là kết quả ấn tượng góp phần giảm thải gây ô nhiễm môi trường và giảm quá trình suy giảm diện tích đất nông nghiệp. Đặc biệt, giai đoạn 10 năm qua, việc xóa bỏ các lò gạch thủ công đã được các địa phương thực hiện rất quyết liệt và đến nay, hầu hết các cơ sở sản xuất gạch bằng lò thủ công lạc hậu đã chấm dứt hoạt động...

Bãi chứa xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN
Theo thống kê, hiện cả nước phải sử dụng khoảng 740 ha đất làm bãi chứa tro xỉ thải ra từ các nhà máy nhiệt điện. Đó là chưa kể hàng triệu tấn bã thạch cao cũng đang ứ đọng chỗ chứa. Mặc dù lượng tiêu thụ cho sản xuất vật liệu xây dựng, san lấp… đã được các doanh nghiệp nỗ lực sử dụng thì vẫn còn quá ít so với lượng thải khổng lồ vẫn tiếp tục tăng lên. Nếu không có giải pháp kịp thời thì đây chính là nguy cơ tiềm ẩn lớn về ô nhiễm môi trường.

Giải bài toán tồn đọng tro xỉ cũng là vấn đề liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia và môi trường, cần có kế hoạch dài và đặc biệt là sự phối hợp giữa các bộ ngành chức năng, doanh nghiệp sử dụng… Bởi hiện suất đầu tư nhiệt điện than có chi phí thấp hơn một số mô hình khác nhưng nếu không giải quyết được việc dồn ứ tro xỉ thải thì sẽ khó phát triển được loại hình này.

Thực hiện đề án của Chính phủ về đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro xỉ ở các nhà máy nhiệt điện, nhà máy sản xuất phân bón, nhiều bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp tham gia chương trình này. Mặc dù những nỗ lực của ngành xây dựng đang được ghi nhận nhưng rất nhiều doanh nghiệp vẫn phản ánh về các vướng mắc cần được tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời.

Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) Bùi Hồng Minh chia sẻ, các đơn vị phát thải là các hộ sản xuất phải quan tâm đến khách hàng, cạnh tranh để cung cấp theo yêu cầu của khách hàng. Ông Bùi Hồng Minh cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần có chính sách, cơ chế phù hợp, ví dụ tạo ra cơ chế thị trường khi tiêu thụ tro xỉ.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng đang sử dụng tro xỉ phản ánh, nguồn cung mặt hàng này của các nhà máy nhiệt điện nhiều khi không đảm bảo. Cho dù sản lượng tro xỉ ứ đọng lớn nhưng số lượng có chất lượng để sử dụng được cho sản xuất xi măng và clinker lại ít.

Đó là chưa kể, các nhà máy điện cũng chịu sự điều tiết trong sản xuất để phù hợp với nhu cầu điện năng nên có thời điểm lượng tro xỉ không đáp ứng đủ nhu cầu cho doanh nghiệp xi măng là những khách hàng thường xuyên. Đây cũng là những hạn chế mà các doanh nghiệp tiêu thụ cũng như sử dụng tro xỉ làm phụ gia sản xuất vật liệu xây dựng phải cùng hợp tác, có phương án hữu hiệu để việc tiêu thụ thuận cả đôi đường.

Hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn với các hoạt động từ thiết kế, sản xuất đến cung cấp dịch vụ hướng tới tái sử dụng vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Thời gian tới, ngành xây dựng định hướng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này thực hiện chu trình sản xuất khép kín hoặc tái sử dụng các chất thải được quay trở lại để trở thành nguyên liệu phục vụ sản xuất nhằm giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục