Bình Định nhiều tàu thuyền nằm bờ vì giá xăng dầu tăng ​

17:14' - 08/07/2022
BNEWS Bình Định có đội tàu cá đánh bắt xa bờ lớn nhất nước nhưng hiện có nhiều tàu phải nằm bờ vì giá xăng dầu tăng, phí tổn cho chuyến biển tăng mạnh.

Trong số hàng nghìn chiếc tàu có công suất từ 90 CV trở lên và dài trên 15m chuyên hoạt động đánh bắt xa bờ của tỉnh Bình Định, thì thị xã Hoài Nhơn hiện có khoảng 1.000 tàu đang nằm bờ không ra khơi.

 

Ông Nguyễn Minh Khải, Giám đốc Ban quản lý cảng cá và dịch vụ đô thị thị xã Hoài Nhơn cho biết, trong số khoảng 1.000 tàu cá đang nằm bờ thì toàn bộ khoảng 300 tàu cá hành nghề lưới rút, lưới vây đều không ra khơi.

Đây là ngành nghề đang gặp khó khăn nhất khi giá xăng dầu tăng cao. Nếu giá cá ngừ đại dương tăng đến 50 – 60% (150.000 – 160.000 đồng/kg) thì giá cá ngừ sọc dưa và các loại cá ngừ khác vẫn giữ ở mức 30.000 đồng/kg.

Không khí tại các cảng cá ở tỉnh Bình Định đang rất trầm lắng, lượng tàu ra vào chỉ khoảng 60 – 65% so với mọi năm. Với giá xăng dầu và các loại phí tổn khác đều tăng cao như hiện nay, ngư dân phải tăng thêm khoảng 100 triệu đồng cho mỗi chuyến biển, bình quân chi phí cho mỗi chuyến biển khoảng gần 200 triệu đồng.

Sau 20 – 30 ngày trên biển, nếu tàu nào đánh bắt được 1 tấn cá ngừ đại dương trở lên thì có chi phí trả công cho thuyền viên, chủ tàu có thể có chút lợi nhuận. Nếu sản lượng đánh bắt được thấp hơn thì chuyến biển bị thua lỗ.

Trong khi đó, nghề lưới rút, lưới vây còn khó hơn. Ông Bùi Thanh Ninh, chủ nghiệp đoàn nghề cá 6 Ninh (thị xã Hoài Nhơn) chuyên hành nghề lưới rút, lưới vây cho biết, từ đầu năm tới giờ, nghiệp đoàn bị thu lỗ khoảng 800 triệu đồng.

Nguyên nhân là giá dầu hiện nay lên tới 30.000 đồng, tăng gấp đôi năm ngoái; phí tổn mỗi chuyến tàu năm ngoái khoảng 150 triệu thì nay là 250 triệu đồng, đánh bắt được 15 tấn cá mỗi chuyến thì đủ tổn, thấp hơn thì thua lỗ, nhưng để đánh bắt được 15 tấn là điều rất khó hiện nay.

“Tàu nào ra khơi thì cũng không dám di chuyển rộng tìm ngư trường mà chỉ đứng một chỗ đánh bắt được bao nhiêu hay bấy nhiêu rồi về, rồi lại nằm bờ. Biển nản, chủ tàu nản, bạn thuyền nản nên bỏ biển lên bờ tìm nghề khác để sinh sống” – ông Ninh nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục