Bình Dương có 45 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

21:12' - 25/12/2024
BNEWS Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng xanh ngày càng tăng, nông nghiệp hữu cơ được coi là xu hướng tất yếu.
Ngày 25/12, tại Hội nghị giao ban báo chí về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương đã trình bày các kế hoạch quan trọng nhằm đưa ngành nông nghiệp địa phương phát triển theo hướng hiện đại, bền vững. Đây là nỗ lực của tỉnh trong việc đối mặt với những thách thức của biến đổi khí hậu và sự cạnh tranh gay gắt từ thị trường quốc tế, đồng thời khẳng định vai trò của nông nghiệp trong nền kinh tế đa ngành của Bình Dương.

Theo bà Huỳnh Thị Kim Châu, Phó Trưởng phòng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Dương cho biết, tỉnh đang thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, hướng đến phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp đô thị. Trong năm qua, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Bình Dương đã đạt 6.960 ha, tăng 16% so với năm 2023.

Các loại cây trồng chủ lực như cao su, hồ tiêu, cam, quýt và bưởi da xanh được chú trọng phát triển tại các huyện phía Bắc như Dầu Tiếng, Bàu Bàng và Bắc Tân Uyên. Đặc biệt, việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP đang giúp nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, tạo điều kiện mở rộng thị trường tiêu thụ cả trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, Bình Dương cũng thúc đẩy ứng dụng giống cây trồng mới với khả năng chịu sâu bệnh và thích ứng tốt với biến đổi khí hậu. Các trung tâm nghiên cứu và hợp tác quốc tế đang hỗ trợ địa phương trong việc chuyển giao công nghệ hiện đại, góp phần nâng cao năng suất và giá trị nông sản.

 
Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng xanh ngày càng tăng, nông nghiệp hữu cơ được coi là xu hướng tất yếu. Bình Dương hiện có khoảng 600 ha diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tập trung vào các cây trồng như cây có múi, chuối, rau sạch và lúa. Hai đơn vị lớn là Công ty Vinamit và Hợp tác xã Năm Hạng đã đạt chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế, trở thành điển hình để nhân rộng mô hình này.

Tỉnh Bình Dương đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích sản xuất hữu cơ như hỗ trợ chi phí chứng nhận, đào tạo kỹ thuật, và xây dựng chuỗi giá trị bền vững cho các sản phẩm hữu cơ. Đồng thời, Bình Dương cũng đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường như giảm thiểu sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, và kiểm soát chặt chẽ chất lượng đất và nước.

Với chiến lược phát triển tăng trưởng xanh, tỉnh còn thực hiện các dự án tái chế chất thải nông nghiệp, tận dụng phụ phẩm từ cây trồng để sản xuất phân hữu cơ, góp phần giảm ô nhiễm và tiết kiệm chi phí cho người nông dân.

Một trong những vấn đề trọng tâm được Bình Dương quan tâm là xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 45 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, bao gồm các sản phẩm chủ lực như trái cây, rau sạch, và sản phẩm chăn nuôi.

Để thúc đẩy hiệu quả của các chuỗi liên kết này, Bình Dương đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến thương mại, hội chợ nông sản và các chương trình quảng bá sản phẩm. Các hợp tác xã, doanh nghiệp và nông dân được khuyến khích tham gia các mô hình hợp tác, vừa đảm bảo đầu ra ổn định, vừa nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương cũng tập trung vào việc xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương. Nhiều sản phẩm như bưởi da xanh Bắc Tân Uyên, cam sành Dầu Tiếng đã được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Để đảm bảo sự thành công của các chương trình phát triển nông nghiệp, Bình Dương không ngừng hỗ trợ nông dân trong việc tiếp cận nguồn vốn, kỹ thuật và công nghệ. Các lớp tập huấn về sản xuất hữu cơ, sử dụng công nghệ tưới tiêu tự động và truy xuất nguồn gốc nông sản được tổ chức thường xuyên.

Ngoài ra, các chương trình khuyến nông, hỗ trợ chi phí đầu tư nhà kính, hệ thống tưới nhỏ giọt và phát triển mô hình nông nghiệp thông minh cũng được triển khai mạnh mẽ. Những chính sách này không chỉ giúp nông dân nâng cao năng suất mà còn đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của thị trường xuất khẩu.

Với tầm nhìn dài hạn, Bình Dương đang nỗ lực xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và bền vững. Việc kết hợp đồng bộ giữa chuyển đổi cơ cấu sản xuất, bảo vệ môi trường và tăng cường liên kết chuỗi giá trị đang mang lại hiệu quả rõ rệt, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, trong những năm tới, tỉnh sẽ tiếp tục thúc đẩy các chương trình đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và nâng cao chất lượng sống cho người dân nông thôn. Các kế hoạch như tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, nhân rộng các mô hình sản xuất thông minh, và hỗ trợ thị trường xuất khẩu nông sản sẽ là ưu tiên hàng đầu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục