Bình Dương: Thanh toán không dùng tiền mặt khi giải quyết thủ tục hành chính công

16:23' - 22/12/2020
BNEWS Ngày 22/12, tỉnh Bình Dương công bố dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt khi giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công tỉnh.

Theo đó, dịch vụ này được triển khai với 2 hình thức thanh toán. Cụ thể, thanh toán trực tiếp tại quầy một cửa: Hỗ trợ người dân giao dịch không sử dụng tiền mặt thông qua mã quét (QR code) theo tiêu chuẩn quốc tế (EMVCo) mà không lệ thuộc bất kỳ nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử nào.

Thông qua 1 mã duy nhất trên biên nhận hồ sơ, người dân có thể sử dụng các loại ví điện tử, các ứng dụng ngân hàng để quét và tiến hành thanh toán.

Theo đó, thanh toán qua Cổng dịch vụ công của tỉnh cho phép người dân, doanh nghiệp thanh toán thủ tục hành chính thông qua các dịch vụ của VNPT Pay tại địa chỉ: http://dichvucong.binhduong.gov.vn.

Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Bình Dương Lai Xuân Thành cho biết: Trong thời gian tới, Cổng dịch vụ công của tỉnh Bình Dương tiếp tục nâng cấp để cung cấp 1 mã QR Code theo tiêu chuẩn quốc tế (EMVCo) và bổ sung thêm một số phương thức thanh toán khác giúp người dân và doanh nghiệp đa dạng hóa việc lựa chọn dịch vụ thanh toán điện tử.

Sau khi triển khai dịch vụ này, thời gian tới tỉnh dự kiến mở rộng đến UBND cấp huyện, thị vào quý I/2021. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiếp tục cải tiến hệ thống cung cấp đa dạng các hình thức thanh toán cho người dân bằng hệ thống hiện tại và cung ứng thêm tiện ích biên lai điện tử thu phí hoàn toàn trên môi trường điện tử cho người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời, đồng hành cùng Sở Thông tin Truyền thông thực hiện tiến trình chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh của tỉnh, hướng đến mục tiêu 80% dân số có tài khoản thanh toán điện tử theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 749/QĐ-TTg ngày về việc phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Đến nay, Bình Dương là một trong địa phương đã có nhiều kết quả trong xây dựng chính quyền điện tử trong cơ quan Nhà nước. Cụ thể về hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ quan hành chính các cấp được đầu tư khá đầy đủ.

Tỉnh xây dựng được 2 Trung tâm dữ liệu cho chính quyền điện tử và hạ tầng truyền dẫn phủ đến cấp xã từ năm 2015; tất cả cơ quan tỉnh, huyện, xã đã được đầu tư hoàn chỉnh hệ thống mạng nội bộ. Các trang thiết bị bảo đảm an toàn thông tin được đầu tư theo hướng chuyên dụng, hiện đại.

Hệ thống thư điện tử công vụ hoạt động với trên 6.900 hộp thư 5GB đã cấp; 94% cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng hộp thư công vụ cho công việc. Hội nghị truyền hình trực tuyến đã được đầu tư giai đoạn 1 tại 13 điểm cầu cấp tỉnh, tất cả các điểm cầu cấp huyện, cấp xã; đã mở rộng giai đoạn 2 với 110 điểm cầu phủ đến tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Để tạo thuận lợi hơn về môi trường đầu tư, trong thời gian tới, mục tiêu của Bình Dương tiếp tục nâng tầm cải cách hành chính. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025./.

>>Thanh toán không dùng tiền mặt: Mong chờ "cú hích" mới

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục