Bình ổn thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

16:41' - 20/04/2022
BNEWS Thời gian qua, Cục Quản lý thị trường tỉnh Sơn La triển khai hiệu quả việc đấu tranh chống buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.

Thời gian qua, Cục Quản lý thị trường tỉnh Sơn La triển khai hiệu quả việc đấu tranh chống buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và hành vi kinh doanh trái pháp luật khác, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tiếp tục thúc đẩy sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hoá, dịch vụ, bình ổn giá cả, thị trường.

 

Cục Quản lý thị trường tỉnh Sơn La đã thực hiện kịp thời các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng Cục Quản lý thị trường, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, Ban chỉ đạo 389 tỉnh về phòng chống buôn lậu, hàng giả hàng nhái....

Cùng đó, đơn vị tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động giới thiệu sản phẩm, bán hàng lưu động; phối hợp, ysát việc thu hồi thực phẩm không đảm bảo; tăng cường kiểm tra chuỗi cửa hàng chuyên kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ nước ngoài; phối hợp kiểm tra, giám sát việc lưu hành sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa chất cấm; chú trọng kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, mặt hàng y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Trong quý I/2022, Cục Quản lý thị trường tỉnh Sơn La yêu cầu gần 600 cơ sở ký cam kết kinh doanh đúng pháp luật, phát hơn 800 tờ rơi; tổ chức 223 đợt kiểm tra, xử lý đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý 144 vụ, tổng số tiền thu phạt hành chính trên 800 triệu đồng.

Tại huyện biên giới Sông Mã và Sốp Cộp, dịch COVID-19 đã tác động lớn đến tình hình cung ứng, giá cả hàng hóa, nhất là vật tư y tế trên thị trường.

Trước tình hình đó, Đội Quản lý thị trường số 6 (Cục Quản lý thị trường Sơn La) đã kịp thời đưa ra kế hoạch, phương án, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các hộ sản xuất, kinh doanh; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, lợi dụng tình hình dịch nâng giá bán bất hợp lý đối với mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tân dược, thức ăn chăn nuôi...

Tuy nhiên vẫn còn một số đơn vị, người dân vi phạm các quy định về vận chuyển, kinh doanh hàng hóa. Từ đầu năm 2022 đến nay, Đội đã kiểm tra, kiểm soát gần 50 vụ, kịp thời phát hiện, xử lý 10 vụ vi phạm.

Kiểm soát viên thị trường Ngô Hải Đăng, Đội Quản lý thị trường số 6 cho biết, nhờ đó, nhận thức về pháp luật của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh từng bước được nâng cao, thị trường khu vực biên giới cơ bản ổn định, các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được hạn chế.

Chị Bùi Thị Phương Lan, chủ cửa hàng kinh doanh thuốc tân dược tại thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã chia sẻ, cửa hàng luôn thực hiện tốt các quy đinh của nhà nước; không bán các mặt hàng không có nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; chỉ bán những mặt hàng chính hãng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để đảm bảo sức khỏe của người dân.

Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 6 Lã Tuấn Anh cho biết, tại các cửa khẩu như Nậm Lạnh, Sốp Cộp và Chiềng Khương, Sông Mã, Đội đã chủ động phối hợp với lực lượng Công an, Biên phòng, Hải quan để nắm bắt tình hình các phương tiện thường xuyên vận chuyển hàng hóa giữa Lào và Việt Nam, nếu như có vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu cũng như các hành vi vi phạm khác sẽ xử lý nghiêm ngay tại khu vực biên giới.

Thời gian tới, Cục Quản lý thị trường Sơn La sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng như Hải quan, Công an, Bộ đội Biên phòng, thanh tra chuyên ngành làm tốt khâu phòng, chống buôn lậu qua biên giới, nhất là các mặt hàng thiết yếu; tập trung kiểm tra khu vực kho bãi, điểm tập kết hàng hoá gần biên giới, chợ đầu mối, chợ chuyên doanh, tuyến đường bộ... phòng ngừa, ngăn chặn hàng hoá vi phạm vận chuyển từ biên giới và địa bàn để tiêu thụ... góp phần bình ổn thị trường, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục