Bình Phước chuẩn bị mùa thu hoạch sầu riêng xuất khẩu chính ngạch

08:50' - 14/02/2023
BNEWS Tỉnh Bình Phước đã được cấp 5 mã số vùng trồng sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Dù sầu riêng chưa xuất khẩu chính ngạch, nhưng những vùng trồng đã cấp mã số đang tích cực chăm sóc vườn cây chuẩn bị vào mùa thu hoạch đầu tiên xuất khẩu chính ngạch.

Hợp tác xã cây ăn trái Bàu Nghé ở xã Phước Tín, thị xã Phước Long được cấp mã số vùng trồng đầu tiên ở Bình Phước. Hợp tác xã thành lập năm 2018 với 11 thành viên với diện tích khoảng 100ha. Đến thời điểm được cấp mã số vùng trồng, hợp tác xã đã có diện tích 500 ha.

Giám đốc Hợp tác xã cây ăn trái Bàu Nghé Trương Văn Đảo cho biết: "Sau khi được cấp mã số vùng trồng, chúng tôi rất phấn khởi. Đây là cơ hội để thành viên trong hợp tác xã cố gắng hơn nữa trong sản xuất nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Hợp tác xã luôn tuân thủ theo quy trình chuẩn sản xuất sạch để xuất khẩu chính ngạch".

 

Theo ông Trương Văn Đảo, năm 2022, sầu riêng của hợp tác xã lúc chưa xuất chính ngạch sản lượng được tiêu thụ khoảng 1.000 tấn. Trong năm 2023, với diện tích cấp mã số lớn, vườn cây trong giai đoạn ra trái nhiều, ước tính sản lượng sẽ đạt khoảng gần 20.00 tấn. Trong thời gian tới, hợp tác xã sẽ tiến hành kết nạp thêm 31 thành viên và thực hiện quy trình đăng ký mã vùng trồng các diện tích đủ tiêu chuẩn.

Vào thời điểm cuối tháng 1, đầu tháng 2, hầu hết vườn sầu riêng của hợp tác xã đang cho ra hoa, đậu trái. Theo ông Trương Văn Đảo, trước tháng 12/2022, việc xuất hiện cơn mưa trái mùa khiến vườn sầu riêng ra hoa sớm. Tuy nhiên, để thuận tiện việc chăm sóc đúng vụ thu hoạch hợp tác xã phải chủ động bỏ loại hoa, chọn thời điểm thích hợp để vườn cây ra hoa, đúng vụ và cho năng xuất cao.

Ông Trương Văn Đảo, Giám đốc Hợp tác xã cây ăn trái Bàu Nghé (xã Phước tín, thị xã Phước Long) chăm sóc vườn sầu riêng đã được cấp mã số vùng trồng đang trong giai đoạn ra hoa. Ảnh: K GỬIH -TTXVN

“Để có sản phẩm xuất khẩu tốt nhất, chúng tôi luôn bảo ban nhau cố gắng chăm sóc tốt tạo ra trái sầu riêng có mẫu mã đẹp, chất lượng cao và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chúng tôi đã áp dụng quy trình VietGAP để mang lại uy tín, chất lượng sản phẩm để cho người tiêu dùng an tâm sử dụng. Việc hợp tác xã được cấp mã vùng trồng không chỉ mang lại niềm vui mà còn tạo động lực tích cực cho các thành viên chăm sóc vườn chuẩn bị một mùa thu hoạch xuất khẩu chính ngạch lần đầu”, ông Trương Văn Đảo chia sẻ.

Tại xã Phước Tân của huyện Phú Riềng, Hợp tác xã cây ăn trái Nông Thành Phát cũng đã được cấp mã số vùng trồng sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sớm ở Bình Phước. Ông Trần A Sám, Phó Giám đốc Hợp tác xã cây ăn trái Nông Thành Phát chia sẻ: Sau 4 năm nỗ lực trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ, nay đã có kết quả như mong đợi là được cấp mã số vùng trồng. Thành viên hợp tác xã phấn khởi vì trái sầu riêng sẽ được xuất khẩu chính ngạch. Đó là động lực lớn để nông dân cùng nhau cố gắng, quyết tâm duy trì chăm sóc vườn hướng sạch. Thành viên hợp tác xã luôn được cập nhật nắm rõ quy trình, tuân thủ thực hiện và hợp tác với cơ quan chức năng để duy trì mã số vùng trồng.

Hợp tác xã cây ăn trái Nông Thành Phát hiện có 35 thành viên. Hợp tác xã quản lý hơn 70 ha sầu riêng, trong đó hơn một nửa diện tích đang kinh doanh, còn lại trong giai đoạn kiến thiết, năng suất trung bình 20 tấn/ha. Nhờ hoạt động hiệu quả, thời gian qua Hợp tác xã đã giúp thành viên nâng cao năng suất vườn cây, cải thiện kinh tế gia đình và hạn chế rủi ro trong kinh doanh.

Ông Trần A Sám cho biết: “Các thành viên trong hợp tác xã trồng sầu riêng còn được hỗ trợ phân bón, kỹ thuật để phát triển bền vững. Cụ thể, người đứng đầu trong hợp tác xã đứng ra mua phân bón với số lượng lớn nên giá rẻ hơn. Sầu riêng được Hợp tác xã bán tập trung, quy mô lớn nên giá tốt. Nhà vườn còn được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, nhà nước hỗ trợ vay vốn, lắp hệ thống tưới hiện đại… Việc hợp tác xã được cấp mã vùng trồng để xuất khẩu chính ngạch khiến bà con rất vui, hy vọng thu nhập sẽ tăng cao hơn trước”.

Hiện nay, khi hợp tác xã được cấp mã số vùng trồng, ông Trần A Sám và thành viên tự tin không còn lo về đầu ra cho sản phẩm. Đây còn là cơ hội cho nhiều thành viên trong hợp tác xã tăng thêm thu nhập ổn định, phát triển kinh tế gia đình bền vững mà không lo về giá cả bấp bênh.

Nhằm tăng lợi thế cạnh tranh khi xuất ngoại, nhiều nhà vườn sầu riêng ở Bình Phước đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, đầu tư hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị hiện đại chăm sóc cho vườn sầu riêng sạch và chất lượng cao.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Tân Mông Văn Tài cho biết, để quản lý, giám sát mã số vùng trồng sầu riêng, chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền đến tập thể, cá nhân đã cấp mã số tuân thủ các quy định tiêu chuẩn để sản phẩm làm ra và xuất khẩu đạt chất lượng tốt nhất. Việc có mã vùng trồng và xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sẽ giúp người dân trồng sầu riêng địa phương thêm cơ hội mới phát triển kinh tế. Còn những cá nhân, tập thể đang có nhu cầu cấp mã số vùng trồng, chúng tôi cũng tuyên truyền, tập huấn về kỹ thuật canh tác theo đúng chuẩn để tiến tới đăng ký mã số.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 3.000ha sầu riêng. Nhằm thực hiện nhiệm vụ cấp, quản lý mã số vùng trồng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước đã yêu cầu các địa phương, đơn vị phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ cấp, quản lý mã số vùng trồng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Các địa phương thực hiện việc hướng dẫn về trình tự, thủ tục cấp mã số vùng trồng cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu cấp mã số vùng trồng; đồng thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc cấp, quản lý mã số vùng trồng và sử dụng mã số vùng trồng đúng quy định. Ngoài ra, chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong quản lý mã số vùng trồng.

Cuối năm 2022, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ Nông dân tỉnh Bình Phước cũng đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn – Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức lớp tập huấn “Về chuyển đổi số trong nông nghiệp, cấp mã vùng trồng, ứng dụng công nghệ số trong quản lý mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và liên kết chuỗi trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp”.

Đây là hoạt động nhằm nghĩa giúp người dân trồng sầu riêng ở tỉnh Bình Phước sản xuất ra sản phẩm đạt chất lượng và mang lại thu nhập cao.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục