Bitcoin hay vàng sẽ là công cụ phòng ngừa lạm phát tốt hơn?

05:30' - 05/03/2024
BNEWS Cả đồng Bitcoin và vàng đều tương đối dễ mua và bán, đặc biệt là khi các nền tảng thị trường đã có sẵn. Nhưng vàng chiếm lợi thế, nhờ sở hữu cách thức giao dịch đa dạng.
Trưng bày các thỏi vàng tại ngân hàng Bundesbank ở Frankfurt am Main, Đức ngày 10/4/2018. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong những năm gần đây, khi lạm phát vọt tăng lên mức đỉnh của nhiều thập kỷ, các nhà đầu tư có xu hướng chuyển sang nắm giữ hàng hóa có giá trị cao, đặc biệt là vàng. Họ coi đó là một biện pháp để phòng ngừa lạm phát. Tuy nhiên, với sự nổi lên của tiền điện tử trong thời gian gần đây, một số nhà giao dịch đã chuyển sự chú ý sang đồng Bitcoin, tin rằng đồng tiền này là loại tài sản thay thế tốt nhất để chống lại ảnh hưởng của lạm phát.

Vậy đâu mới là tài sản phòng ngừa lạm phát tốt nhất: Vàng hay Bitcoin?

* Yếu tố lịch sử

Về lịch sử, vàng chắc chắn có nền tảng vững chắc hơn so với đồng Bitcoin, vì loại tiền tệ này mới trở nên phổ biến trong hơn một thập kỷ gần đây.

Chuyên gia Gergus Hodgson, Giám đốc công ty Econ Emericas, nhận định: “Vàng có lịch sử hàng nghìn năm là một phương tiện lưu trữ mang giá trị vững chắc. Trong một thời gian dài, đó là biện pháp phòng ngừa rủi ro lạm phát an toàn nhất mà bạn có thể có được”.

Ngược lại, tiền điện tử là một lĩnh vực tương đối mới trên thị trường tài sản toàn cầu. Ông Hodgson nói: “Tương lai của tiền điện tử với vai trò là một loại tài sản lưu trữ có giá trị rất bấp bênh. Theo đánh giá của tôi, các loại tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành và các đồng altcoin (đồng tiền thay thế cho đồng Bitcoin) sẽ sớm thách thức vị thế giá trị của đồng Bitcoin”.

Sự hình thành “non trẻ” của Bitcoin khiến cho khả năng trở thành một biện pháp phòng vệ giá hiệu quả để chống lại lạm phát của đồng tiền này vẫn còn là một nghi vấn. Vì vậy, xét về yếu tố lịch sử, cán cân so sánh rõ ràng nghiêng về phía vàng, từ lâu đã chứng minh khả năng hoạt động như một công cụ phòng ngừa lạm phát hiệu quả.

Ông Adam Perlaky, nhà phân tích cấp cao của Hội đồng Vàng Thế giới, cho biết: “Thực sự không có dữ liệu lịch sử nào về vai trò phòng ngừa lạm phát của đồng Bitcoin. Trong suốt thời gian tồn tại của đồng tiền này, không có thời kỳ lạm phát cao nào xảy ra”.

Tuy nhiên, ông Perlaky lưu ý sự thiếu hụt dữ liệu không có nghĩa là đồng Bitcoin không thể đóng vai trò là một công cụ phòng ngừa lạm phát. Chính xác hơn là cho đến nay chưa có bất cứ bằng chứng nào về tiềm năng này của đồng Bitcoin.

Nhưng với vàng thì hoàn toàn khác. Ông Perlaky tiếp lời: “Có bằng chứng rõ ràng cho thấy vàng là công cụ phòng ngừa rủi ro lạm phát và đó là một trong những lý do vì sao các nhà đầu tư mua vàng” và vàng đã hoạt động rất tốt trong thời kỳ lạm phát cao.

Chuyên gia Chris Kline, Giám đốc điều hành cấp cao (COO) và là nhà đồng sáng lập của Bitcoin IRA – một sàn môi giới Bitcoin dành cho các nhà đầu tư cá nhân, đã chỉ ra tiềm năng hoạt động như một biện pháp bảo vệ chống lại việc in tiền của các ngân hàng trung ương từ đồng Bitcoin.

Ông nói: “Bitcoin có nguồn cung hữu hạn. Kể từ năm 2008, số lượng tiền mà chính phủ in ra là vô cùng lớn. Nó bắt đầu có tác động đến nền kinh tế rộng lớn hơn. Sự thao túng theo cách tương tự là không thể thực hiện được với đồng Bitcoin, vốn đã bị giới hạn ở ngưỡng tối đa 21 triệu đồng xu. Nó cung cấp một giải pháp thay thế cho hệ thống đồng tiền pháp định”.

Ông Kline cho biết thêm: “Bây giờ giá bất động sản đã vượt ra khỏi các bảng xếp hạng và vàng đã tăng lên mức giá mà một người Mỹ có thu nhập trung bình khó có thể tiếp cận được. Vì vậy, tiền điện tử trở thành một phần của hỗn hợp các phương pháp phòng ngừa lạm phát”.

Nhưng Giáo sư chuyên ngành tài chính Robert R. Johnson thuộc Đại học Creighton không đồng tình với quan điểm đó. Ông khẳng định đồng Bitcoin không có khả năng trở thành một công cụ phòng ngừa lạm phát.

Theo Giáo sư Johnson, sẽ không thể đầu tư vào các loại tiền điện tử, mà đó chỉ có thể là đầu cơ. “Không có cách nào có thể xác định được chính xác giá trị của đồng Bitcoin hay bất kỳ loại tiền điện tử nào khác, vì người tham gia giao dịch sẽ không thể áp dụng các phương pháp tài chính truyền thống để nắm bắt được giá trị nội tại (giá trị thực tế) của các tài sản này”, Giáo sư Johnson nói.

* Khả năng tiếp cận dễ dàng

Cả đồng Bitcoin và vàng đều tương đối dễ mua và bán, đặc biệt là khi các nền tảng thị trường đã có sẵn. Nhưng vàng chiếm lợi thế, nhờ sở hữu đa dạng cách thức giao dịch, được thiết lập trong nhiều thế kỷ.

Ngoài ra, việc đầu tư vào vàng tương đối dễ dàng hơn, nhờ có nhiều cách thức khác nhau để thực hiện, bao gồm mua vàng vật chất, mua qua các quỹ ETF vàng vật chất hoặc các công ty kinh doanh vàng, cũng như các hợp đồng giao dịch tương lai. Nhà đầu tư có các lý do khác nhau để quan tâm tới vàng. Nhiều cách trong số đó liên quan đến các sản phẩm giao dịch trao đổi, như cổ phiếu và quỹ ETF, giúp các nhà đầu tư tiếp cận với tài sản của họ dễ dàng và rẻ hơn.

Tuy nhiên, đối với những người muốn mua vàng vật chất, chuyên gia Kline của Bitcoin IRA cảnh báo sẽ có các “yêu cầu lưu trữ, vận chuyển và hậu cần an ninh” đi kèm với các loại hình đầu tư vàng.

Các nhà giao dịch có thể mua đồng Bitcoin thông qua các sàn giao dịch tiền điện tử và các nhà môi giới giao dịch. Vào đầu năm 2024, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) của Mỹ đã phê duyệt đơn đăng ký hoạt động của một số quỹ ETF Bitcoin giao ngay, cung cấp cho các nhà giao dịch một phương thức chính thống và tiện lợi để mua và bán tiền điện tử. Các quỹ này đã thu hút được hàng tỷ USD tài sản chỉ trong chưa đầy hai tháng hoạt động.

Về chi phí, đồng Bitcoin đôi khi có thể rẻ hơn. Các nhà giao dịch sẽ trả phí hoa hồng một lần để sở hữu đồng Bitcoin. Ngược lại, những người đầu tư mua vàng qua quỹ ETF vàng không phải trả phí hoa hồng, nhưng phải trả một tỷ lệ chi phí là một phần trăm nào đó của tổng vốn đầu tư và khoán phí này sẽ được tính theo thời gian nắm giữ vàng của nhà đầu tư. Vì vậy, nếu nhà đầu tư giữ vàng trong một thời gian dài thì tổng chi phí phát sinh thậm chí còn lớn hơn phí hoa hồng khi mua đồng Bitcoin. Do đó, việc so sánh chi phí còn phụ thuộc vào thời gian giữ vàng, phí hoa hồng thực tế và số lượng giao dịch…

* Các nguồn nhu cầu khác về đồng Bitcoin và vàng

Những người muốn dùng đồng Bitcoin hoặc vàng như là biện pháp phòng ngừa rủi ro lạm phát cũng nên hiểu về các nguồn nhu cầu khác, có thể hỗ trợ giá của hai loại tài sản này. Vàng có thể ứng dụng trong nhiều trường hợp khác nhau, bao gồm cả các ứng dụng công nghiệp và điện tử, làm trang sức, ứng dụng y tế và tất nhiên đây là một loại tài sản lưu trữ ưa thích của các ngân hàng trung ương.

Chuyên gia Perlaky, từ Hội đồng Vàng Thế giới, giải thích: “Hiểu được xu hướng bên cạnh hoạt động đầu tư là rất quan trọng, bởi vì bản chất đa dạng của nhu cầu là một thuộc tính độc đáo của vàng và đây là lý do chính khiến nó trở thành một thành phần chiến lược hiệu quả của danh mục đầu tư”.

Ngược lại, tiện ích của Bitcoin hoàn toàn dựa vào khả năng trao đổi để lấy những thứ khác, bao gồm cả tiền tệ truyền thống. Vì vậy, nếu Bitcoin không thể được sử dụng để mua hàng hóa hoặc nếu mọi người không thể giao dịch đồng tiền này với những người đánh giá Bitcoin theo cách mà họ mong muốn, thì nó sẽ trở thành vô giá trị”.

Chuyên gia Johnson của Đại học Creighton cho biết: “Đồng Bitcoin là một tài sản đầu cơ thuần túy. Trong vai trò là một phương tiện trao đổi, đồng tiền này chỉ có một số khả năng hạn chế”.

Chuyên gia Hodgson của Econ Americas giải thích thêm: “Đồng Bitcoin đã có được lợi thế đi đầu trên thị trường tiền điện tử, nhưng các ứng dụng của đồng tiền này còn yếu. Giá trị nội tại của nó được cho là sự tiện lợi khi sử dụng như một phương tiện trao đổi, nhưng ngay cả những người ủng hộ đồng tiền này giờ đây cũng né tránh việc khẳng định điều đó và cố gắng coi nó là vàng kỹ thuật số.”

Dựa trên những phân tích nêu trên, các nhà phân tích tin rằng vàng là “hàng rào” chống lạm phát tốt hơn đồng Bitcoin. Tuy nhiên, nhiều người tin rằng các nhà giao dịch vẫn có thể sử dụng đồng Bitcoin làm công cụ chống lại những biến động không lường trước được trên các thị trường chứng khoán. Điều này có đúng hay không?

Chuyên gia Perlaky nói: “Chúng ta có bằng chứng lịch sử về cách mà tiền điện tử hoạt động trong các đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán”. Tiền điện tử hoạt động như một tài sản rủi ro, tương tự cổ phiếu công nghệ hoặc cổ phiếu xu hướng. Cách thức hoạt động này khiến cho đồng Bitcoin trở thành một công cụ phòng vệ chứng khoán kém hiệu quả.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục