Bộ Công an đề xuất cần có giải pháp hữu hiệu xử lý tình trạng xuất nhập cảnh trái phép

11:56' - 29/12/2020
BNEWS Hiện nay, Chính phủ đã đưa khoảng 70.000 người Việt Nam ở nước ngoài về nước, nhưng số lượng người Việt Nam ở nước ngoài còn rất lớn, có nhu cầu về nước ngày càng tăng.
Sáng 29/12, phát biểu tại Hội nghị Chính phủ và địa phương, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, từ đầu năm đến nay, tình trạng xuất nhập cảnh bất hợp pháp tạo khó khăn, áp lực rất lớn cho lực lượng chức năng ở cơ sở; do đó cần có những giải pháp hữu hiệu, nhất là dịp gần Tết.

Xuất nhập cảnh trái phép phức tạp dịp gần Tết

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, trong bối cảnh COVID-19, nhu cầu về nước của người Việt Nam ở nước ngoài rất lớn và ngày càng tăng trong dịp chuẩn bị đón Tết. Hiện nay, Chính phủ đã đưa khoảng 70.000 người Việt Nam ở nước ngoài về nước, nhưng số lượng người Việt Nam ở nước ngoài còn rất lớn, có nhu cầu về nước ngày càng tăng. Bên cạnh đó là số lượng lớn người Việt Nam đi lao động ở những nước trong khu vực, giáp biên giới như Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia,...

Theo người đứng đầu ngành Công an, từ đầu năm đến nay, có hàng nghìn người xuất nhập cảnh bất hợp pháp, tạo khó khăn, áp lực rất lớn cho lực lượng chức năng ở cơ sở.

"Trên thực tế, chúng tôi đang xử lý vấn đề này rất vất vả, nếu không có biện pháp hữu hiệu sẽ có tác động rất lớn, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an ninh, an toàn và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong dịp đón Tết" - Bộ trưởng nêu vấn đề.

Năm 2021, mục tiêu giảm ít nhất 5% tội phạm hình sự

Cũng theo Bộ trưởng Tô Lâm, năm 2020, công tác thực hiện kỷ cương, trật tự, an toàn đã làm rất tốt; phạm pháp hình sự giảm (năm 2020 giảm 6,8% so với năm 2019). Hiện chỉ còn khoảng 50 nghìn vụ phạm pháp hình sự/năm. Đây là con số rất phấn khởi.

"Trên thực tế, nhiều địa phương, nhiều huyện, nhiều tỉnh cả ngày không có vụ phạm pháp hình sự nào, người dân được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, an lành" - Bộ trưởng dẫn chứng.

Năm 2021, Bộ Công an tiếp tục đăng ký chỉ tiêu sẽ giảm ít nhất 5% tội phạm hình sự. Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị với Chính phủ, các bộ, ngành, các cấp huy động toàn dân trong công tác phòng, chống tội phạm. Ngành Công an sẽ tiếp tục tham gia quản lý đối tượng, đấu tranh với các băng, ổ, nhóm tội phạm, xử lý tốt về quản lý vũ khí, vật liệu nổ. Lực lượng Công an chính quy về xã để gần dân hơn, giải quyết an ninh trật tự, không để phạm pháp hình sự ngay từ cơ sở, từng xã, từng thôn, từng bản. Xã làm tốt, huyện sẽ tốt.

Vấn đề tiếp theo là cần phải quan tâm hơn nữa để chăm lo đời sống cho nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa. Đây là các vùng chiến lược như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ... 62 huyện nghèo đều chủ yếu tập trung ở các địa bàn chiến lược.

"Nếu đảm bảo, nâng cao đời sống người dân sẽ góp phần tạo vành đai an ninh biên giới, an ninh trật tự tại những vùng chiến lược. Nếu phát triển trong xã hội không đồng đều, giữa vùng này với vùng khác có sự chênh lệch sẽ tạo áp lực rất lớn về vấn đề đảm bảo an ninh trật tự. Do vậy, cần nhanh chóng xóa đói giảm nghèo cho những vùng khó khăn" - Bộ trưởng Bộ Công an phân tích.

Tăng cường an ninh kinh tế

Về công tác an ninh kinh tế, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, nước ta rất quan tâm phát triển kinh tế, nhưng phát triển phải đảm bảo về an ninh kinh tế. Khi hội nhập quốc tế sâu rộng, vấn đề an ninh càng quan trọng đối với nền kinh tế. Về vấn đề này, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 12 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về an ninh kinh tế trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Chính phủ đã có kế hoạch cụ thể triển khai vấn đề này để phát triển kinh tế của nước ta theo đúng định hướng.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, trong năm 2020, Chính phủ đã chỉ đạo, làm tốt rất nhiều công việc liên quan đến an ninh kinh tế như: cổ phần hóa, tập trung phát huy nguồn lực trong dân, tập trung phát triển kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, cũng như chống gian lận thương mại, phòng chống tham nhũng...

"Chúng ta đạt được kết quả tốt nhưng bên cạnh đó, chúng tôi thấy rất nhiều vấn đề cần tăng cường về an ninh kinh tế. Đó là những vấn đề khó khăn trong quản lý kinh tế, vấn đề về chuyển giá, quản lý về tài chính, tiền tệ, chứng khoán, quản lý dòng tiền, phát triển doanh nghiệp, đánh giá sức khỏe của doanh nghiệp, cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, chống gian lận thương mại, quản lý đất đai,... Những vấn đề này cần phải tập trung, đảm bảo lành mạnh, bình đẳng, tự do, đúng pháp luật" - Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh./.

>>Dịch COVID-19: Hiểm họa từ nguồn lây nhiễm do người nhập cảnh trái phép

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục