Bộ Công Thương hành động ứng phó với biến đổi khí hậu

18:09' - 12/01/2023
BNEWS Bộ Công Thương vừa ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ quan trọng của ngành công thương, lấy thích ứng với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài, thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0" là cơ hội để phát triển theo hướng cacbon thấp phù hợp với điều kiện quốc gia và xu hướng quốc tế.

 
Ngoài ra, các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu phải được lồng ghép trong mọi chương trình, kế hoạch, quy hoạch, chiến lược phát triển ngành công thương.

Việc này nhằm đảm bảo sự thích ứng linh hoạt với các tác động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn do biến đổi khí hậu gây ra, đảm bảo cho sự phát triển, tăng trưởng ổn định của ngành, hạn chế tối đa các thiệt hại do thiên tai, bão lũ, các tác động từ thời tiết và khí hậu cực đoan.

Đồng thời, ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân thuộc ngành công thương từ Trung ương đến địa phương và doanh nghiệp thực hiện giải pháp giảm phát thải khí nhà kính gắn liền với bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo hướng phát triển đồng bộ các nguồn năng lượng, khai thác và sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng, chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.

Mặt khác, từng bước kiểm soát phát thải khí nhà kính đối với các nguồn phát thải khí nhà kính lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, tạo điều kiện cho các ngành sản xuất xanh phát triển.

Mục tiêu của Kế hoạch là năm 2030, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% và 25 - 30% vào năm 2045, phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực sản xuất điện khoảng 42 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2050.

Bên cạnh đó, thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng tăng trưởng xanh; trong đó, áp dụng giải pháp khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Đặc biệt, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro thiên tai giảm thiệt hại tối đa do tác động của biến đổi khí hậu đến công trình, cơ sở hạ tầng ngành công thương, nhất là cơ sở hạ tầng lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, thương mại và các công trình trọng yếu đảm bảo ổn định đời sống, kinh tế xã hội trong mọi điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu và rủi ro thiên tai.

Cụ thể, đến năm 2025, các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển ngành công thương giai đoạn 2021-2030 được rà soát, đánh giá tác động và lồng ghép các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu; các công trình, cơ sở hạ tầng năng lượng, công nghiệp và thương mại quốc gia được đánh giá rà soát và xây dựng các biện pháp ứng phó, nâng cao khả năng chống chịu với tác động của thiên tai, mưa bão, lũ lụt, khí hậu cực đoan trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, giảm từ 25% đến 30% tổng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát thải trong điều kiện phát triển thông thường của lĩnh vực năng lượng (không bao gồm giao thông vận tải).

Hơn nữa, 100% các cơ sở thuộc danh mục cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thực hiện kiểm kê và có kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính.

Đồng thời, nỗ lực tối đa trong việc kiểm kê và thực hiện các biện pháp kiểm soát, giảm phát thải khí mê-tan trong quá trình khai thác than, dầu khí, đốt nhiên liệu hóa thạch.

Cũng theo kế hoạch này, việc tăng trưởng xanh đến năm 2025, thúc đẩy các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững trong công nghiệp, thương mại nhằm đạt mục tiêu giảm 5-8% mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu của các ngành sản xuất như dệt may, thép, nhựa, hóa chất, rượu bia nước giải khát, giấy...

Cùng đó, 85% các siêu thị, trung tâm thương mại phân phối, sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế dần cho sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy; xây dựng, thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng bền vững và các mô hình kinh tế tuần hoàn; khuyến khích phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường, được dán nhãn tiết kiệm năng lượng và các nhãn sinh thái khác tại các siêu thị, trung tâm thương mại.

Kế hoạch cũng nêu rõ, về thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ rà soát, đánh giá các cơ chế, chính sách ngành công nghiệp, thương mại và năng lượng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các chính sách pháp luật đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Cùng đó, nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của các cơ sở, công trình năng lượng, công nghiệp, thương mại; nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Đối với các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, ngành tập trung xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, văn bản pháp lý về giảm phát thải khí nhà kính ngành công thương; thực hiện các biện pháp kiểm soát phát thải khí nhà kính.

Hơn nữa, hỗ trợ, thúc đẩy áp dụng, chuyển giao công nghệ phát thải carbon thấp trong các ngành công nghiệp và thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính trong thương mại, dịch vụ và dân cư; hỗ trợ doanh nghiệp ngành công thương triển khai các cơ chế, công cụ thị trường và phi thị trường liên quan đến Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Theo kế hoạch, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững sẽ là đơn vị đầu mối phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ Công Thương, các cơ quan quản lý và chuyên môn địa phương, các cơ quan doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch hành động và các nhiệm vụ liên quan đến biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh ngành công thương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục