8 ưu tiên của Malaysia trong ứng phó biến đổi khí hậu

06:30' - 10/01/2023
BNEWS Các chuyên gia cho rằng mặc dù còn nhiều thách thức nhưng chính phủ mới của Malaysia nên xem xét 8 lĩnh vực chính khi lên kế hoạch ưu tiên môi trường và biến đổi khí hậu.
8 ưu tiên của Malaysia trong ứng phó biến đổi khí hậu. Ảnh: TTXVN phát

Các chuyên gia cho rằng mặc dù còn nhiều thách thức nhưng chính phủ mới nên xem xét 8 lĩnh vực chính khi lên kế hoạch ưu tiên môi trường và biến đổi khí hậu.

* Biến đổi khí hậu và môi trường là vấn đề an ninh quốc gia

Biến đổi khí hậu và khủng hoảng sinh thái đang gây bất ổn sẽ có những tác động an ninh và chiến lược khác nhau đối với tất cả các quốc gia, bao gồm cả Malaysia. Trong đó, biến đổi khí hậu được các chính phủ coi là đe dọa an ninh.

Một số thách thức bao gồm các rào cản thương mại, sự toàn vẹn lãnh thổ, nguy cơ khan hiếm tài nguyên (nước, năng lượng và an ninh lương thực), dòng người tỵ nạn do biến đổi khí hậu, xung đột, thay đổi nơi ở và bất ổn dân sự.

Những rủi ro này phụ thuộc vào bối cảnh quốc gia và các kịch bản khí hậu trong tương lai nên cần nỗ lực đánh giá rủi ro về mặt an ninh quốc gia. Đánh giá này sẽ mở đường cho sự phát triển của chính sách đối ngoại và các chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu.

* Mở rộng mục tiêu 50% độ che phủ rừng

Cam kết của Malaysia nhằm giữ lại ít nhất 50% diện tích đất nằm dưới sự che phủ của rừng là chính sách môi trường hàng đầu để thể hiện cam kết bền vững. Tính đến năm 2022, Malaysia giữ được 54% diện tích rừng. Tuy nhiên, quan ngại cho rằng mục tiêu này có thể dẫn đến nhận thức sai lệnh về an ninh và thành tựu do thông thường những mục tiêu dựa trên định nghĩa về rừng không tính đến đa dạng sinh học.

Do đó, mục tiêu bao gồm khai thác rõ ràng, rừng trồng lấy gỗ và các đảo rừng bị chia cắt, đều không thể cung cấp cùng một mức độ hệ sinh thái như rừng tự nhiên. Các mục tiêu sử dụng đất/rừng cụ thể nên được thiết lập thông qua các chỉ số bổ sung – dựa trên các điều kiện, loại hệ sinh thái và khả năng kết nối. Những mục tiêu này có thể cải thiện việc xây dựng và giải ngân chuyển giao tài chính sinh thái.

* Quản lý lũ lụt là trách nhiệm chung

Các cách tiếp cận tổng thể để quản lý lũ lụt như quản lý tổng hợp và quản lý lưu vực sông, cũng như các khái niệm mới như thành phố bọt biển và các giải pháp dựa vào thiên nhiên thường xuyên được thảo luận. Mặc dù có nhận thức ngày càng tăng về các phương pháp này và bằng chứng về tính hiệu quả, nhưng các nỗ lực giảm thiểu lũ lụt ở Malaysia vẫn tiếp tục dựa vào các giải pháp kỹ thuật hạng nặng và kết cấu truyền thống, tốn kém có thể gây hại cho các hệ thống sông tự nhiên.

Nguyên nhân là do không có cơ sở kinh tế và động lực để giải quyết các hành vi sử dụng đất vô trách nhiệm. Ngập lụt vẫn được coi là trách nhiệm duy nhất của Cục Thủy lợi và Thoát nước Malaysia cũng như chính phủ liên bang, mà không phải là nỗ lực hợp tác giữa các bên liên quan ở tất cả các cấp.

Sự thất bại của các nỗ lực khuyến khích sử dụng đất có trách nhiệm hiện nay, trong đó chính phủ liên bang chịu mọi chi phí giảm thiểu lũ lụt bất chấp các hoạt động của chính quyền tiểu bang, bao gồm trồng rừng độc canh, chặt đồi, phát triển khu bảo tồn sông, phải được khắc phục thông qua một thỏa thuận tài chính liên bang-tiểu bang thân thiện hơn với khí hậu và thiên nhiên.

* Khung pháp lý về biến đổi khí hậu

Đạo luật biến đổi khí hậu quốc gia sắp tới sẽ là bước đầu tiên trong việc xây dựng khung pháp lý rõ ràng về biến đổi khí hậu tại Malaysia. Khuôn khổ dự kiến sẽ làm rõ nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên tham gia quản lý và thiết lập các quy tắc, quy định về biến đổi khí hậu.

Bên cạnh việc tập trung vào lượng khí thải carbon, định giá và điều tiết thị trường carbon, đạo luật sẽ mở đường cho việc thể chế hóa cách tiếp cận dựa trên quyền và các biện pháp giải trình.

Việc quy trách nhiệm cho các bên tham gia vào lĩnh vực năng lượng tái tạo thường bỏ qua quyền lợi của cộng đồng địa phương và bản địa, cũng như các dự án phát triển vốn làm tăng khả năng dễ bị tổn thương trước thảm họa. Do đó, cần có một cơ quan giám sát độc lập và phi chính trị để điều chỉnh các vấn đề liên quan đến khí hậu.

* Chương trình nghị sự chuyển đổi quốc gia về nội địa hóa khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu

Trọng tâm của Malaysia hiện tại là giảm phát thải và điều hướng các rủi ro chuyển đổi. Tuy nhiên, với lũ lụt gia tăng và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, việc thích ứng đã nhận được rất nhiều sự quan tâm.

Khi thế giới tiến gần đến ngưỡng nhiệt độ tăng 1,5°C trong thập kỷ tới, con người sẽ phải đối mặt với những hiểm họa khí hậu khắc nghiệt hơn và không thể tránh khỏi. Trừ khi Malaysia bắt đầu ưu tiên thích ứng và phục hồi, bộ phận dân số dễ bị tổn thương nhất của đất nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, làm suy yếu tiến trình đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của quốc gia.

Vấn đề thích ứng quốc gia đã được lên kế hoạch từ năm 2015 và các hiểm họa khí hậu được cảm nhận thường xuyên và khốc liệt hơn trên khắp đất nước. Do đó, chính phủ nên ngay lập tức giới thiệu về các chương trình khuyến khích phục hồi khí hậu ở cấp địa phương.

Khung thành phố phát thải carbon thấp được giới thiệu vào năm 2009 đã khởi xướng chương trình nghị sự phát thải carbon thấp cho các thành phố. Tuy nhiên, Malaysia cần một khuôn khổ tương tự cho các thành phố và thị trấn có khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu.

* Các công cụ kinh tế để thích ứng và giảm nhẹ rủi ro thiên tai

Chính phủ Malaysia đang phát triển các công cụ kinh tế như định giá carbon để giải quyết chi phí của việc phát thải carbon. Ngoài ra, các bộ công cụ khác cũng cần thiết để giải quyết những thất bại của thị trường do các hoạt động phát triển gây hại và các cơ chế chuyển giao rủi ro đối với những tổn thất và thiệt hại.

Thiết lập một hệ thống phụ phí dựa trên rủi ro ở các khu vực nhạy cảm về môi trường, như vùng cao nguyên và đồng bằng lũ lụt, để đảm bảo phát triển vùng đất nhạy cảm với thiên tai, là rất quan trọng. Các thiết kế và quá trình thực hiện có thể phức tạp nhưng các mục tiêu phải đáp ứng cả mục tiêu kinh tế và môi trường. Các công cụ chuyển giao rủi ro cũng có thể được khám phá như bảo hiểm rủi ro khí hậu, được chính phủ trợ cấp để tăng cường thu hút và tập hợp nguồn lực.

* Tiếp cận cảnh quan biển trong quản lý tài nguyên biển và ven bờ

Bờ biển và đại dương của Malaysia rất đa dạng về sinh học, địa chất và văn hóa xã hội, góp phần tạo nên di sản thiên nhiên của đất nước. Tuy nhiên, sự khai thác quá mức đang làm cạn kiệt nguồn cá, suy thoái môi trường và mang lại những rủi ro khí hậu như mực nước biển dâng cao và san hô bị tẩy trắng, đe dọa an ninh đất đai và tài nguyên cũng như sinh kế của các cộng đồng ven biển.

Các chính sách và sáng kiến bảo tồn quốc gia luôn tập trung vào đất liền hơn là môi trường biển. Malaysia cần cách tiếp cận tổng hợp và toàn diện đối với quản lý biển để điều chỉnh sự phát triển và quản lý các nguồn tài nguyên biển và ven biển, bao gồm cả việc thành lập các khu bảo tồn biển quy mô lớn.

Kế hoạch tự nhiên ven biển quốc gia 2 và Kế hoạch tự nhiên quốc gia 4 đã xác định một số khu vực bảo tồn biển để tăng tỷ lệ bao phủ khu vực được bảo vệ của Malaysia từ 3,2% lên 8,1%.

* Đánh giá môi trường chiến lược

Cách tiếp cận hiện tại về quản lý phát triển thông qua đánh giá tác động môi trường không thể giải quyết được các tác động tích lũy và tương tác ở cấp độ cảnh quan từ cơ sở hạ tầng tuyến tính, đồn điền, khai thác gỗ và khai thác mỏ.

Quy trình Đánh giá tác động môi trường (EIA) diễn ra muộn trong chu kỳ ra quyết định, thường là sau khi một dự án phát triển đã được phê duyệt và về nguyên tắc, gây khó khăn cho việc sửa đổi hoặc từ chối các đề xuất có rủi ro cao.

Một trong những cách hiệu quả nhất để giảm thiểu thiệt hại môi trường ở cấp độ cảnh quan là thông qua Đánh giá môi trường chiến lược (SEA) để kết hợp và xem xét các rủi ro môi trường, xã hội và khí hậu ở tất cả các giai đoạn lập kế hoạch.

SEA sẽ xem xét sự phát triển hiện tại và quy hoạch không gian, quy hoạch địa phương và các chính sách kinh tế ngành./.

Theo chuyên gia cấp cao Ahmad Afandi thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Malaysia (ISIS), việc chính phủ mới nước này vừa quyết định sáp nhập và thành lập Bộ Tài nguyên, Môi trường và Biến đổi khí hậu là động thái đáng hoan nghênh, do môi trường và tài nguyên thiên nhiên có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục