Bộ Công Thương rà soát, xử lý các cơ chế, chính sách, quy định còn chồng chéo

17:24' - 25/07/2024
BNEWS Bộ Công Thương vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát, đề xuất phương án xử lý các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn.

Bộ Công Thương vừa ban hành văn bản số 5315/BCT-KHTC về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 10/7/2024 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.

 

Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Công Thương khẩn trương tổ chức triển khai các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương 9; đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết, nhất là đối với các luật, nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 và từ ngày 1/8/2024, các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

 

Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị chủ động, tích cực thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, nhất là các đề án trong Chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; khẩn trương hoàn thành các đề án, nhiệm vụ đã quá hạn, khắc phục ngay tình trạng nợ đọng các nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, tập trung rà soát, đề xuất phương án xử lý các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, tháo gỡ dứt điểm khó khăn, vướng mắc; khẩn trương triển khai hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban. Hoàn thành các nhiệm vụ cải cách hành chính được giao 6 tháng cuối năm 2024.

Mặt khác, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia; thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng khi cung cấp các dịch vụ trực tuyến. Nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Thành viên Chính phủ theo nguyên tắc đa số đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ theo Quy chế làm việc của Chính phủ. Đặc biệt, nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ; kịp thời chấn chỉnh việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.

Bộ Công Thương lưu ý Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Vụ Thị trường trong nước; Vụ Dầu khí và Than chủ động triển khai các giải pháp đảm bảo cung ứng điện, xăng dầu phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng; kiên quyết không để thiếu điện, thiếu xăng dầu trong mọi tình huống; tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; báo cáo, làm rõ các nội dung về xây dựng Nghị định quy định cơ chế phát triển dự án nhà máy điện khí sử dụng khí thiên nhiên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 4502/VPCP-CN ngày 27/6/2024 của Văn phòng Chính phủ.

Tiếp tục đẩy nhanh thủ tục liên quan để di dời các đường điện cao thế đáp ứng tiến độ thi công các dự án đường bộ cao tốc. Sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu trong quý III năm 2024; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng cơ chế đấu thầu lựa chọn các chủ đầu tư thực hiện các dự án điện, hướng dẫn các địa phương thực hiện theo Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 1/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các cơ quan, địa phương liên quan kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia; trong đó, hoàn thành công tác kiểm tra, nghiệm thu và tổ chức khánh thành dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) trong tháng 7/2024. Hơn nữa, khẩn trương hoàn thành trong thời gian sớm nhất các dự án truyền tải phục vụ nhập khẩu điện từ Lào như Trạm cắt Đắk Oóc, đường dây 200 kV Nậm Sum - Nông Cống, đường dây 500kV Monsoon - Thạch Mỹ...

Đối với Vụ Thị trường trong nước, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Tổng cục Quản lý thị trường, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phải bám sát diễn biến thị trường để kịp thời có giải pháp quản lý, điều tiết sản xuất, ổn định cung cầu các mặt hàng, nhất là lương thực, thực phẩm, năng lượng và hàng hóa thiết yếu khác. Cùng đó, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, đầu cơ, găm hàng đội giá, thao túng giá...

Cục Xuất nhập khẩu, Cục xúc tiến thương mại, các Vụ thị trường ngoài nước, Vụ Chính sách thương mại đa biên thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường, các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài, đưa ra khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường phù hợp. Cùng đó, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, sản phẩm, chuỗi cung ứng; mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu truyền thống, các thị trường mới.

Cục Phòng vệ thương mại thực hiện kịp thời biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước. Vụ Thị trường châu Á – châu Phi đánh giá tình hình xuất khẩu sang các thị trường lớn có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, trên cơ sở đó, phân tích, làm rõ các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân đối với từng thị trường để đề xuất các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2024.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục