Bộ Công Thương: Xuất khẩu thanh long vẫn lưu thông qua cửa khẩu Tân Thanh và Hữu Nghị

17:37' - 05/08/2021
BNEWS Gần đây, các cửa khẩu biên giới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn ùn ứ nhiều phương tiện chở các loại trái cây, nông sản xuất khẩu đi Trung Quốc; trong đó, có lượng lớn xe chở thanh long.
Trước thông tin Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long qua các cửa khẩu tại Lạng Sơn và xe chở cua Cà Mau lên cửa khẩu phải quay đầu trong những ngày qua, đại diện Bộ Công Thương cho biết: Gần đây, các cửa khẩu biên giới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn ùn ứ nhiều phương tiện chở các loại trái cây, nông sản xuất khẩu đi Trung Quốc; trong đó, có lượng lớn xe chở thanh long. Điều này gây áp lực thông quan đối với các cửa khẩu biên giới trên địa bàn bởi hiện nay hai bên mới khôi phục thông quan 5/12 cửa khẩu đảm bảo công tác phòng dịch.

Tuy nhiên, qua trao đổi với Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, hiện chưa ghi nhận thông tin chính thức từ cơ quan chức năng cửa khẩu phía Trung Quốc thông báo việc tạm dừng nhập khẩu thanh long từ Việt Nam qua cửa khẩu biên giới thuộc địa bàn Lạng Sơn. Hoạt động xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc vẫn diễn ra tại khu vực Tân Thanh và cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.

Hiện tượng dồn ứ xe thanh long xuất khẩu tại các cửa khẩu biên giới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn do một số nguyên nhân như: thanh long đang vào vụ thu hoạch, lượng phương tiện vận chuyển thanh long xuất khẩu qua biên giới Lạng Sơn gia tăng nhanh chóng, trong khi năng lực thông qua của các cửa khẩu này chưa thể khôi phục hoàn toàn như trước khi có dịch.

Bên cạnh đó, phía Trung Quốc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 lây lan qua biên giới như: kiểm dịch, khử khuẩn đối với hàng hóa, phương tiện vận chuyển và lái xe chuyên trách, nhất là trong bối cảnh dịch đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam.

Đặc biệt, hoạt động xuất khẩu thanh long qua cửa khẩu biên giới địa bàn các tỉnh Lào Cai và Hà Giang đang gặp khó khăn khiến nhiều xe chuyển hướng xuất khẩu và lượng xe dồn về Lạng Sơn càng nhiều.

Theo đại diện Bộ Công Thương, từ cuối tháng 7/2021, Bộ Công Thương đã nắm bắt tình hình và chủ động triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu nông sản, trái cây của Việt Nam nói chung và thanh long nói riêng qua biên giới Việt – Trung.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và thông qua cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Trung Quốc và tỉnh Vân Nam đề nghị phía Trung Quốc khôi phục và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu thanh long Việt Nam qua Lào Cai và Hà Giang, giảm áp lực thông quan tại các cửa khẩu biên giới của Lạng Sơn và Quảng Ninh.

Đồng thời, kịp thời có văn bản cung cấp thông tin và khuyến nghị tới chính quyền các địa phương có vùng trồng thanh long lớn như: Bình Thuận, Long An, Tiền Giang... cũng như các hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu thanh long.

Ngày 2/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc hội đàm trực tuyến với Bí thư Quảng Tây (Trung Quốc) - địa phương có chung biên giới với các tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu thanh long, thủy sản qua cửa khẩu biên giới.

Bộ Công Thương cũng có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh phối hợp tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu thanh long qua địa bàn; chỉ đạo các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ tại Trung Quốc tiếp tục theo dõi sát thông tin và kịp thời báo cáo, đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong hoạt động xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc.

Để góp phần giảm ùn tắc tại các khu vực cửa khẩu biên giới tại Lạng Sơn, Bộ Công Thương khuyến nghị các địa phương và doanh nghiệp chủ động theo dõi tình hình thông quan tại các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc để điều tiết, phân luồng hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới phù hợp.

Cùng với đó, các doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định về kiểm nghiệm, kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác của Trung Quốc đối với nông sản nhập khẩu; chấp hành nghiêm các hướng dẫn về quy trình đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động sản xuất, đóng gói và vận chuyển nông sản cũng như hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống lây nhiễm COVID-19 đối với phương tiện và người điều kiển phương tiện vận chuyển hàng hóa tại cửa khẩu đường bộ tiếp giáp với Trung Quốc.

Đối với hoạt động xuất khẩu cua Cà Mau, đại diện Bộ Công Thương cho hay: Theo quy định của Hải quan Trung Quốc, hiện có 128 loại thủy sản của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc; trong đó bao gồm một số loại cua sau: cua tuyết mắt đỏ đông lạnh, cua tuyết mắt xám đông lạnh, cua bùn ướp lạnh, cua Alaska đông lạnh và ướp lạnh, cua tuyết đông lạnh, ghẹ xanh ướp lạnh và đông lạnh.

Qua trao đổi, các cơ quan chức năng của tỉnh Lạng Sơn chưa nhận được phản ánh của doanh nghiệp liên quan tới việc xuất khẩu cua Cà Mau sang thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu biên giới và cơ quan chức năng cửa khẩu bên phía Trung Quốc cũng chưa có thông báo chính thức nào về vấn đề này.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương chỉ đạo các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ tại Trung Quốc tiếp tục theo dõi sát thông tin để kịp thời có giải pháp phù hợp hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp./.

>>Xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu Lào Cai giảm mạnh do dịch COVID-19

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục