Bộ Giao thông Vận tải nói gì về quy hoạch Cảng hàng không Quảng Trị?

17:44' - 05/08/2020
BNEWS Cục Hàng không Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt quy hoạch Cảng hàng không Quảng Trị giai đoạn 2020 - 2030.
Theo đó, Cảng hàng không Quảng Trị đặt tại xã Gio Quang và xã Gio Mai, huyện Gio Linh, cách thành phố Đông Hà 7 km, là sân bay cấp 4C đối với hoạt động khai thác dân dụng và sân bay cấp II đối với hoạt động quân sự.

Xoay quanh vấn đề này có khá nhiều ý kiến cho rằng việc quy hoạch Cảng hàng không quá dày đặc sẽ gây lãng phí nguồn lực, đặc biệt Cảng hàng không Quảng Trị chỉ cách sân bay lân cận với bán kính 100 km.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, đại diện Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải) cho hay, xét về mặt quy hoạch Cảng hàng không thì bán kính hay khoảng cách ngắn hay dài chỉ là một vấn đề. Chẳng hạn, Hải Phòng và Hà Nội hay Đà Nẵng và Thừa thiên - Huế cách nhau khoảng 100 km, nhưng vẫn xây dựng hai sân bay quốc tế.

Về góc độ phát triển kinh tế, việc quy hoạch sân bay nằm ở khía cạnh dự báo phát triển kinh tế - xã hội và tiềm năng đi lại của người dân. Nếu chỉ xét về mặt địa lý hay khoảng cách gần giữa hai sân bay mà không quy hoạch hoặc đầu tư sân bay thì cũng không hợp lý.

Cũng theo đại diện Vụ Kế hoạch Đầu tư, việc quy hoạch sân bay nói chung và sân bay Quảng Trị nói riêng, các đơn vị làm quy hoạch đã phải tính toán đến các tiềm năng của sân bay đó.

“Khi quy hoạch một sân bay sẽ căn cứ vào tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội. Các nước phát triển như Nhật Bản có mật độ phát triển sân bay còn dày hơn Việt Nam… Họ có tới 70 - 80 sân bay, thậm chí Philippines, Thái Lan, Hàn Quốc cũng có mật độ sân bay cao hơn. Tuy nhiên, việc so sánh này chỉ là tương đối vì phát triển sân bay còn phụ thuộc vào quy mô GDP và đặc điểm địa lý, địa hình…”, đại diện Vụ Kế hoạch Đầu tư thông tin.

Đại diện Vụ Kế hoạch Đầu tư khẳng định, việc quy hoạch phải làm trước nhiều năm bởi từ bước quy hoạch đến bước chuẩn bị đầu tư là một khoảng thời gian. Sau khi quy hoạch được phê duyệt lại cần thêm thời gian cho việc lập dự án; trong đó, các đơn vị chuyên môn sẽ tính toán thời điểm nào đầu tư phù hợp, nguồn lực sẵn có ra sao...

Theo Đề án Cục Hàng không Việt Nam trình Bộ Giao thông Vận tải để xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị cần khoảng 8.014 tỷ đồng. Nguồn vốn dự kiến huy động từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp, hình thức hợp tác công tư (PPP). Tuy nhiên, không phải đầu tư cùng lúc toàn bộ nguồn vốn này và có thể giai đoạn đầu chỉ đầu tư từ 1.000 - 2.000 tỷ đồng cho một đường cất hạ cánh và nhà ga quy mô nhỏ…

“Việc đầu tư giai đoạn đầu sẽ xuất phát từ nhu cầu của thị trường. Thị trường ban đầu bao giờ cũng nhỏ, sau khi thu hút được đường bay, du lịch, hoạt động đầu tư dần phát triển để phục vụ nhu cầu của hành khách. Do đó, nếu ngành này chờ ngành kia thì khó tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội”, đại diện Vụ Kế hoạch Đầu tư phân tích.

Đại diện Vụ Kế hoạch Đầu tư khẳng định, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không, giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến 2030; trong đó, có sân bay Quảng Trị. Như vậy, sau hai năm Bộ Giao thông Vận tải mới triển khai được quy hoạch này và phải đến năm 2021, nếu Quảng Trị có nguồn lực đầu tư để hoàn thành sân bay này thì cũng kéo dài nhiều năm nữa.

Chia sẻ về việc huy động các nguồn lực cho đầu tư sân bay, đại diện Vụ Kế hoạch Đầu tư đánh giá, việc phát triển sân bay phục vụ lợi ích địa phương rất nhiều nên sự tham gia đầu tư từ nguồn lực địa phương rất quan trọng. Nhà nước không thể có nguồn lực đầu tư các sân bay mới nếu không có sự tham gia, chia sẻ của các địa phương cũng như các nguồn lực xã hội khác.

Bộ Giao thông Vận tải xác định, giao thông phải là lĩnh vực đi trước, thậm chí đi trước rất nhiều để tạo thị trường cho các lĩnh vực khác. Khi nghiên cứu dự án phải nghiên cứu rất nhiều vấn đề như: thời điểm đầu tư, thậm chí có thể lùi thời gian đầu tư. Trong khi đó, đầu tư cho sân bay mất rất nhiều thời gian, có thể 3 - 4 năm đối với sân bay quy mô nhỏ.

Đại diện Vụ Kế hoạch Đầu tư thông tin thêm, sau năm 1975, Việt Nam đầu tư sân bay mới khá ít, chủ yếu là các sân bay từ quân đội chuyển sang và nhiều sân bay đang sử dụng cho cả dân sự và quân sự. Việt Nam mới xây dựng được một số sân bay như Vân Đồn, Phú Quốc, còn lại chủ yếu là nâng cấp, mở rộng các sân bay cũ.

Một yếu tố quan trọng trong việc quy hoạch sân bay được đại diện Vụ kế hoạch Đầu tư phân tích là khi công bố quy hoạch, địa phương mới tính toán dành đất cho dự án. Mặt khác, quy hoạch sân bay không chỉ quy hoạch mỗi đất xây sân bay mà còn phải quy hoạch vùng trời sân bay. Từ đó, dẫn đến việc cấp phép xây dựng cho người dân và doanh nghiệp. Phát triển thành phố của mỗi địa phương cũng sẽ phải tính toán để phù hợp với quy hoạch sân bay đã được công bố.

“Khi có quy hoạch sân bay, các cơ quan quản lý quy hoạch mới có định hướng để cấp phép xây dựng về chiều cao, mật độ để sau khi sân bay đưa vào hoạt động không ảnh hưởng đến hoạt động của sân bay và các công trình xây dựng không bị phá dỡ, tránh lãng phí cho xã hội”, đại diện Vụ Kế hoạch Đầu tư cho hay.

Như vậy, quy hoạch và công bố quy hoạch sẽ giải quyết tổng thể được rất nhiều vấn đề; trong đó, quan trọng là dành quỹ đất cho dự án, vấn đề tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương…

Dưới góc độ hiệu quả khi xây dựng sân bay, đại diện Vụ Kế hoạch Đầu tư cho hay, đầu tư sân bay phải tính toán trên hai khía cạnh. Đó là hiệu quả kinh tế và hiệu quả tài chính. Hiệu quả tài chính là các nhà vận hành sân bay thu được lợi nhuận từ các hoạt động của sân bay.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiệu quả tài chính sẽ không như mong đợi. Chẳng hạn như Tổng công ty cảng Hàng không Việt Nam - ACV hiện mới có 6/22 cảng hàng không có lãi. Nhưng nếu xét tổng thể về hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội khi có sân bay sẽ lớn hơn nhiều qua việc kích thích các ngành khác phát triển, tạo ra các nguồn thu khác…

Trao đổi với Luật sư Lê Cao Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) về vấn đề này, Luật sư Cường cho rằng, việc quy hoạch sân bay hay bất cứ dự án nào khác là việc phải làm. Còn việc triển khai như thế nào sẽ phải căn cứ vào hiệu quả kinh tế - xã hội của từng dự án, thời điểm triển khai và khả năng huy động nguồn vốn.

Còn theo các chuyên gia giao thông, quy hoạch tổng thể phát triển các sân bay là việc cần làm để định hướng cho phát triển kinh tế - xã hội mỗi địa phương. Việc quy hoạch này còn thể hiện tầm nhìn và hiệu quả đầu tư của mỗi dự án sẽ được các nhà đầu tư tính toán cụ thể từng thời kỳ.

Theo đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam, Cảng hàng không Quảng Trị được xây dựng trên diện tích 594 ha, với một đường cất hạ cánh kích thước 2.400 m x 45m, lề đường cất hạ cánh rộng 7,5 m/bên, hướng 04 – 22, kết cấu đường cất hạ cánh đảm bảo khai thác tàu bay A320/321 và tương đương; một sân đỗ đáp ứng tối thiểu 5 vị trí đỗ tàu bay A320/321; các công trình đảm bảo hoạt động bay đồng bộ theo đúng tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế.

Cùng với đó, Cảng hàng không Quảng Trị được quy hoạch xây dựng một nhà ga hành khách tại khu vực phía Nam sân đỗ tàu bay, quy mô hai cao trình, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 10.000 m2, công suất 1 triệu hành khách/năm và có đất dự trữ mở rộng khi có nhu cầu…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục