Bộ GTVT: Mở lại các đường bay quốc tế cần thận trọng

20:32' - 29/06/2020
BNEWS Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, việc mở lại các đường bay quốc tế phải đảm bảo tuyệt đối an toàn sức khỏe cho người dân trong nước bởi vì chỉ một sơ xuất nhỏ sẽ ảnh hưởng đến việc giãn cách xã hội.
Liên quan đến đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam trong việc khôi phục các chuyến bay quốc tế thương mại thường lệ đưa khách vào Việt Nam vào cuối tháng 7, trao đổi với phóng viên TTXVN chiều 29/6, một lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trước những diễn biến dịch COVID-19 rất phức tạp tại nhiều nước; trong đó đã có nước bùng phát lại dịch, vì vậy theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia, phòng chống dịch COVID-19 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây thì việc mở lại đường bay quốc tế cần hết sức thận trọng và cân nhắc.

"Bộ Giao thông Vận tải có thể sẽ xem xét cho mở đường bay quốc tế đến các quốc gia/vùng lãnh thổ không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng trong 30 ngày liên tục trước khi thực hiện chuyến bay. Trong đó, ưu tiên Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc (lục địa) và Đài Loan (Trung Quốc) cùng một số nước Đông Nam Á có tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt", lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay.

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, việc mở lại các đường bay quốc tế phải đảm bảo tuyệt đối an toàn sức khỏe cho người dân trong nước bởi vì chỉ một sơ xuất nhỏ sẽ ảnh hưởng đến việc giãn cách xã hội.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, việc nghiên cứu cho mở lại các đường bay quốc tế nhằm mục đích phục vụ các nhà đầu tư, lực lượng lao động kỹ thuật, các thợ lành nghề vào Việt Nam làm việc. Đặc biệt là tạo điều kiện cho bà con người Việt Nam ở nước ngoài có điều kiện về nước nhưng vẫn phải thực hiện quy trình kiểm soát chặt chẽ nhằm phòng chống lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Vị lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thông tin thêm, hiện tại Vietnam Airlines vẫn thực hiện những chuyến bay sang Hàn Quốc để đưa bà con Việt Nam sang đó học tập, lao động. Tuy nhiên, để khôi phục hoàn toàn các đường bay quốc tế là rất khó khăn.

Trong báo cáo mới nhất gửi Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị các quy định để khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ chở khách vào Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam đã đề cập đến mô hình "Di chuyển nội khối" trên thế giới.

Cụ thể, theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng, trên toàn thế giới, khi các quốc gia cân nhắc làm thế nào để khởi động lại hoạt động đi lại quốc tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 thì ý tưởng về "Travel bubble" - "di chuyển nội khối hoặc hành lang di chuyển" đang trở nên hấp dẫn.

Theo đó, Travel bubble được hiểu là hai hoặc nhiều quốc gia đã kiềm chế thành công COVID-19 thống nhất tạo ra một khối, hành lang di chuyển.

Những người sống trong khối có thể đi lại tự do bằng các phương tiện giao thông đường bộ, đường biển, đường hàng không và tránh được yêu cầu kiểm dịch bắt buộc.

Hiện tại, Estonia, Latvia và Litva đã mở cửa biên giới với nhau thành khối Baltic, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp mở cửa trở lại. Những du khách đến từ bên ngoài khối vẫn phải tự cách ly trong 14 ngày.

Australia và New Zealand có điều kiện tự nhiên phù hợp cũng đề xuất để chia sẻ nội khối Trans-Tasman. Theo đó, công dân của nước này có thể làm việc ở nước kia mà không cần thị thực.

Trong khi đó, Trung Quốc đang xem xét mở rộng "di chuyển nội khối" của họ trên phạm vi bao phủ Trung Quốc đại lục đến Đài Loan, Hong Kong, Ma Cao (Trung Quốc) cũng như Hàn Quốc.

Tại Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho rằng, có thể nghiên cứu khôi phục các chuyến bay quốc tế thương mại thường lệ đưa khách vào Việt Nam vào cuối tháng 7/2020.

Đề xuất hàng loạt điều kiện cần xem xét để mở lại đường bay quốc tế, song ông Đinh Việt Thắng cũng cho rằng, để duy trì và đảm bảo tính khả thi, không nên hạn chế nguồn khách, bao gồm cả nguồn khách du lịch, với điều kiện khách đảm bảo quy định được phép nhập cảnh. Đường bay quốc tế có thể mở đến các quốc gia/vùng lãnh thổ không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng trong 30 ngày liên tục.

Cục Hàng không Việt Nam cũng kiến nghị dứt khoát không chấp nhận khách quá cảnh. Theo đó, khách phải ở quốc gia/vùng lãnh thổ đối tác tối thiểu 30 ngày liên tục trước khi thực hiện chuyến bay. Khách phải có giấy chứng nhận âm tính SARS-CoV-2 được cấp trong vòng 3 ngày trước ngày dự kiến thực hiện chuyến bay.

Ngoài ra, khách phải được xét nghiệm nhanh bằng bộ kit xét nghiệm SARS-CoV-2 tại cảng hàng không đến của Việt Nam. Chi phí xét nghiệm do hãng hàng không chi trả. Hành khách nhập cảnh phải lưu trú tại các địa điểm do UBND cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương xác định và có trả phí.

"Tổ bay, nhân viên hàng không, nhân viên quản lý xuất nhập cảnh, hải quan, kiểm dịch y tế phụ trách chuyến bay phải trang bị đồ bảo hộ và không phải cách ly sau chuyến bay", Cục Hàng không Việt Nam đề xuất.

Để triển khai kế hoạch trên, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao trao đổi với cơ quan ngoại giao các đối tác để thống nhất việc phối hợp kết nối hoạt động hàng không thường lệ trước khi Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam làm việc với các cơ quan liên quan của đối tác để trao đổi các nội dung cụ thể để kết nối đường bay.

Trước đó, TTXVN đưa tin, chiều 24/6, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ về biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Khẳng định tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe nhân dân, Thủ tướng nêu rõ, trong việc thực hiện mục tiêu kép, Chính phủ mặc dù đã chấp thuận mở cửa cho các chuyên gia, nhà đầu tư vào Việt Nam cũng như đưa người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài. Đi liền với đó là quản lý, giám sát chặt chẽ, không để dịch lây lan ra cộng đồng.

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ chưa cho phép mở cửa đối với khách du lịch vào Việt Nam, đây là quan điểm nhất quán. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải hết sức cảnh giác để đảm bảo sức khỏe của nhân dân, tránh nôn nóng dẫn đến xóa đi những thành quả quan trọng trong phòng, chống dịch COVID-19.

Về khả năng mở lại một số chuyến bay thương mại quốc tế, Thủ tướng chỉ đạo cần cân nhắc kỹ về thời điểm với điều kiện đảm bảo không để dịch lây lan từ bên ngoài vào Việt Nam. Thủ tướng lưu ý, tại các vùng có dịch phức tạp, ngành hàng không Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải cần chuẩn bị phòng dịch kỹ lưỡng các chuyến bay thương mại đi và đến một số nơi đáp ứng yêu cầu trong Thông báo 203/TB-VPCP ngày 10/6. Nếu dịch diễn biến phức tạp, phải báo cáo kịp thời để dừng các chuyến bay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục