Bổ sung nguồn lực để người dân sớm tiếp cận vaccine phòng COVID-19

16:05' - 26/05/2021
BNEWS Thực hiện Nghị quyết 21 của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19, Ngân hàng Nhà nước đã vận động các tổ chức tín dụng cùng chung tay đóng góp nguồn lực để sớm đẩy lùi dịch bệnh. 
Trong bối cảnh dịch COVID-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, một trong những chủ trương căn bản, chiến lược của Việt Nam để phòng, chống dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại bình thường là mọi người dân đều được tiếp cận vaccine phòng COVID-19. 

Thực hiện Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19, Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã vận động các tổ chức tín dụng cùng chung tay đóng góp nguồn lực để sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Mới nhất, chiều 26/5 tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã trao tặng 38 tỷ đồng hỗ trợ kinh phí mua vaccine phòng COVID-19 cho 10 tỉnh, thành phố.

Cụ thể, Vietcombank trao kinh phí tài trợ cho tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh mỗi địa phương 5 tỷ đồng, trao tài trợ cho Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Điện Biên, Hưng Yên, Hải Dương, Lạng Sơn mỗi địa phương 3 tỷ đồng.

Trước đó, Vietcombank cùng 3 ngân hàng khác là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã ủng hộ 100 tỷ đồng để mua vaccine (mỗi ngân hàng 25 tỷ đồng).

Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) và Tập đoàn Sovico cũng ủng hộ 60 tỷ đồng cho Bộ Y tế để mua vaccine phòng dịch COVID-19.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã trao 15 tỷ đồng làm kinh phí mua vaccine phòng COVID-19 và Tập đoàn T&T Group ủng hộ 1 triệu liều vaccine phòng COVID-19.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, là ngành luôn tiên phong đồng hành cùng các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, người dân, ngay khi xảy ra dịch bệnh, toàn ngành ngân hàng, Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và các tập thể cá nhân trong ngành đã vào cuộc rất nghiêm túc, quyết liệt.

Quán triệt Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đồng hành cùng Chính phủ, ngành ngân hàng đã có nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến ngày 5/4/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 262 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng 357 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 663 nghìn khách hàng với dư nợ 1,27 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt hơn 3,16 triệu tỷ đồng cho 456,6 nghìn khách hàng.

Bên cạnh công tác đánh giá, phân tích dự báo để đưa ra những chính sách hỗ trợ thiết thực và kịp thời cho doanh nghiệp và người dân, các hoạt động an sinh xã hội thiết thực cũng được chú trọng.

Từ năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã kêu gọi vận động 500 tỷ đồng để hỗ trợ hoạt động phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định ngành ngân hàng sẽ luôn cố gắng đồng hành cùng Chính phủ nói chung, Bộ Y tế nói riêng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, làm sao vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tháo gỡ khó khăn và phục hồi sản xuất, kinh doanh, duy trì tăng trưởng dương.

Tính đến ngày 26/5, đã có 4 lô vaccine AstraZeneca về tới Việt Nam với tổng gần 2,9 triệu liều. Lô đầu tiên gồm 117.600 liều về ngày 24/2. Lô thứ 2 của Covax về ngày 1/4 với 811.200 liều. Lô thứ 3 của Covax về ngày 16/5 với 1,682 triệu liều. Lô mới nhất là 288.000 liều.

Theo kế hoạch, cho đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 110 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Trong số này có 38,9 triệu liều vaccine từ chương trình Covax; 30 triệu liều từ AstraZeneca thông qua Công ty VNVC; 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết nhiệm vụ của Bộ Y tế từ nay đến cuối năm là làm sao có đủ 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm chủng cho 75% dân số Việt Nam theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Chính phủ.

Việt Nam chính thức triển khai tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 từ ngày 8/3. Tính đến 16 giờ ngày 25/5, tổng cộng đã thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/thành phố với 1.034.072 liều cho các đối tượng là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19; các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ phòng chống COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội. Trong đó, 28.503 người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục