Bộ Tài chính đối thoại với doanh nghiệp về chính sách thuế, hải quan

15:52' - 27/11/2017
BNEWS Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp theo các Nghị quyết của Chính phủ.
Ngày 27/11, tại hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2017, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, dưới sự điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 36a, Nghị quyết 35 và Nghị quyết 19 của Chính phủ. 

Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2017. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN
Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thời gian qua Bộ Tài chính là cơ quan luôn đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính. Trong cả hai lĩnh vực thuế và hải quan luôn có những đánh giá, tiếp nhận ý kiến của doanh nghiệp và người dân, qua đó giúp các cơ quan thuế và hải quan tăng cường rà soát và cải tiến cho phù hợp với tình hình thực tế tại doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, với lĩnh vực thuế, Bộ Tài chính đã rà soát, chuẩn hóa 300 thủ tục hành chính; trong đó cấp tổng cục là 12 thủ tục, cấp cục thuế là 165 thủ tục và cấp chi cục thuế là 123 thủ tục; đã khai thuế điện tử đối với hơn 622.600 doanh nghiệp, đạt 99,64% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.

Tổng cục Thuế cũng đã phối hợp với 43 ngân hàng thương mại hoàn thành kết nối điện tử đối với cơ quan thuế, hiện đã có 96% số doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử với trên 2,4 triệu giao dịch nộp thuế điện tử; đã triển khai thí điểm hoàn thuế điện tử cho 63 tỉnh...

Đối với ngành hải quan, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, đã tiếp tục thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại tất cả các đơn vị hải quan. Đến nay đã có trên 8,86 triệu tờ khai xử lý trên hệ thống VNACCS/VCIS với khoảng 74.600 doanh nghiệp tham gia, hơn 573.000 hồ sơ xử lý qua Cơ chế một cửa quốc gia với sự tham gia của hơn 14.700 doanh nghiệp.

Ngành hải quan cũng đã triển khai cổng thanh toán điện tử tại tất cả các cục hải quan; triển khai hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin lược khai hàng hóa điện tử tại các cảng biển; kết nối với 40 hãng hàng không để kịp thời nắm thông tin quản lý doanh nghiệp hoạt động gia công hàng xuất khẩu;

“Những nỗ lực cải cách nêu trên đã được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Tại Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2018 do Ngân hàng Thế giới vừa công bố, môi trường kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, tăng thêm 14 bậc và xếp hạng 68/190 nền kinh tế được đánh giá (tăng 81 bậc), trong đó chỉ số về nộp thuế là năm thứ 4 liên tiếp được đánh giá là một trong những chỉ số có tác động tích cực nhất đến môi trường kinh doanh chung của Việt Nam”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai nói.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp phản ánh vẫn còn gặp quy định phiền hà, gây khó khăn và làm tốn kém chi phí sản xuất kinh doanh.

Theo ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI, nhiều doanh nghiệp cho biết có nhiều nghị định, thông tư về thuế vừa ra đã chỉnh sửa bổ sung, văn bản ra lúc nào doanh nghiệp cũng không biết. Điều đó khiến cho nhiều doanh nghiệp nắm bắt không kịp các thay đổi về thủ tục, chính sách thuế và thay đổi pháp luật liên quan đến sản xuất kinh doanh.

Vì vậy, ông Đoàn Duy Khương cho biết các doanh nghiệp mong muốn việc xây dựng, sửa đổi các văn bản pháp luật thuế cần được thực hiện có chất lượng cao hơn, để có thể triển khai ổn định trong thực tiễn, nhằm tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

Cũng theo ông Đoàn Duy Khương thủ tục dành cho các doanh nghiệp nợ thuế, phạt chậm nợ thuế còn rườm ra, phức tạp, làm khó doanh nghiệp. Hiện tại khá nhiều doanh nghiệp lo ngại khả năng tuân thủ chính sách, pháp luật thuế. Theo đó, phần lớn hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đều là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, không có nhiều thời gian cũng như nguồn lực dành cho bộ phận kế toán làm việc chuyên sâu và bài bản.

Trong lĩnh vực hải quan, ông Đoàn Duy Khương cho biết, doanh nghiệp phản ánh, công văn trả lời cho các vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp còn chung chung, chủ yếu đưa ra các thông tư, nghị định mà không có câu trả lời rõ ràng và các hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp.

Ông Đoàn Duy Khương cũng chỉ ra, thực tế doanh nghiệp vẫn e sợ thủ tục hải quan do công chức cán bộ hải quan có thể viện lý do quá tải, giải quyết hồ sơ tồn đọng trước đó mà làm chậm hồ sơ của mình hoặc hay bắt lỗi nhỏ nhặt của doanh nghiệp để làm khó, nên doanh nghiệp phải tự mình bồi dưỡng cho công chức cán bộ hải quan (ở hầu hết các khâu công chức cán bộ hải quan có tiếp xúc người làm thủ tục xuất nhập khẩu của doanh nghiệp).

Đại diện lãnh đạo VCCI kiến nghị, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, sửa đổi các văn bản luật và dưới luật theo hướng tiếp cận thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và thể chế bằng văn bản. Có các giải thích rõ ràng về quy trình, thủ tục xuyên suốt quá trình giải quyết thủ tục hành chính từ Trung ương đến cấp Cục, Chi cục, tránh hiện tượng khi tiếp cận các thủ tục hành chính, doanh nghiệp còn nhận thấy khó hiểu, khó thực hiện.

Đồng thời, nâng cao tỷ trọng áp dụng trong nghệ thông tin trong quá trình tiếp cận và giải quyết các thủ tục hành chính. Tiếp tục rà soát, tiếp cận các phản hồi của doanh nghiệp và người dân đối với những cán bộ còn có thái độ và biểu hiện vòi vĩnh, chung chi với doanh nghiệp, góp phần nâng cao hình ảnh của cán bộ thuế, hải quan văn minh, hiện đại và đồng hành cùng doanh nghiệp trong sự nghiệp sản xuất, kinh doanh của họ.

Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp về cơ cấu lại ngân sách nhà nước bảo đảm an toàn, bền vững nền tài chính quốc gia, củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, huy động và sử dụng các nguồn lực tài chính hiệu quả, công bằng, thực hiện đạt các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát để những cải cách thủ tục hành chính đi vào thực tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người nộp thuế. Tiếp tục tăng cường đối thoại với doanh nghiệp; tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ và tư vấn pháp luật về thuế để nâng cao nhận thức và tính tuân thủ pháp luật về thuế trong cộng đồng.

“Trước mắt sẽ phấn đấu đạt mục tiêu môi trường kinh doanh bằng mức trung bình ASEAN-4; rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu còn 70 giờ, hàng hóa nhập khẩu còn 90 giờ; triển khai hóa đơn điện tử, hoàn thuế điện tử đạt tối thiểu 70% về số thủ tục và 70% về số hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng điện tử giải quyết trong quý IV/2017”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục