Bộ Tài chính sẽ xây dựng hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công

13:35' - 16/05/2019
BNEWS Sau 1 năm thi hành, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã tạo lập cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ trong quản lý, sử dụng tài sản công chặt chẽ và khai thác có hiệu quả nguồn lực tài chính.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà phát biểu khai mạc. Ảnh: Phạm Hậu – TTXVN 

Ngày 16/5, tại Hội nghị đánh giá triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nhấn mạnh sau 1 năm khai thi hành, Luật đã tạo lập cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ trong quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng quản lý chặt chẽ, sử dụng, khai thác có hiệu quả nguồn lực tài chính từ tài sản công.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ thực hiện các giải pháp để quản lý hiệu quả hơn nữa tài sản công; trong đó xây dựng hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công.

Qua đó, thực hiện các giao dịch về tài sản như: bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản... đảm bảo công khai, minh bạch.

Theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, việc triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã được thực hiện một cách chủ động, đồng bộ.

Các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai, phổ biến các nội dung mới của Luật; đồng thời, thực hiện rà soát các văn bản do Bộ, ngành, địa phương ban hành có liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế cho phù hợp với các quy định của Luật.

Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng cho biết, các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai việc xây dựng tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng và diện tích chuyên dùng, diện tích công trình sự nghiệp trong cơ sở hoạt động sự nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông La Văn Thịnh, Cục trưởng Cục Công sản (Bộ Tài chính), việc triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công vẫn còn một số hạn chế như: một số loại tài sản và lĩnh vực còn thiếu các văn bản quy định chi tiết hoặc không còn phù hợp với Luật.

Theo ông La Văn Thịnh, nguyên nhân của khó khăn trên là do tài sản công ở Việt Nam có phạm vi rất rộng, do nhiều chủ thể khác nhau quản lý, sử dụng.

 Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Phạm Hậu – TTXVN 

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có nhiều đổi mới trong quản lý, sử dụng, khai thác, xử lý tài sản công theo hướng chặt chẽ, công khai, minh bạch; tuy nhiên, đối với một số tài sản công đặc thù cần có quy trình rà soát, chuyển đổi phù hợp.

Bên cạnh đó, tiến độ ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích trụ sở chuyên dùng, công trình sự nghiệp, máy móc, thiết bị chuyên dùng còn chậm.

Hiện mới có khoảng 50% Bộ, ngành, địa phương ban hành các tiêu chuẩn, định mức nên đã ảnh hưởng tới việc đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo và xử lý tài sản.

Trong thời gian tới, để triển khai hiệu quả Luật Quản lý, sử dụng tài sản công,đại diện Bộ Tài chính cho biết, sẽ phối hợp với các Bộ, ngành hoàn thiện Nghị định quy định về việc thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức Hợp đồng - Xây dựng - Chuyển giao theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và trình Chính phủ ban hành trong tháng 5/2019.

Ngoài ra, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành do Bộ, cơ quan trung ương, địa phương ban hành liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công và đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm phù hợp với quy định của Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành.

Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện hiện đại hóa quản lý tài sản công và nâng cấp Cơ sở dữ liệu Quốc gia về tài sản công để quản lý tất cả các tài sản công được quy định tại Luật.

Ngoài ra, Bộ tăng cường kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; xử lý kịp thời nghiêm minh theo quy định của pháp luật liên quan đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục