Bộ Tài chính tiếp tục thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm​

18:28' - 05/10/2023
BNEWS Từ nay tới cuối năm 2023, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm theo kế hoạch.

Chiều 5/10, tại buổi họp báo thường kỳ quý III/2023, ông Doãn Thanh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, đã hoàn thành thanh tra 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ gồm Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA (Việt Nam) AIA và Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Việt Nam.

Theo ông Doãn Thanh Tuấn, Bộ Tài chính cũng đang thanh tra Manulife và 1 doanh nghiệp khác. Từ nay tới cuối năm 2023, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm theo kế hoạch.

Đối với việc thực hiện kết luận thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã công bố, ông Doãn Thanh Tuấn cho biết, kết luận thanh tra gồm 2 phần, kiến nghị về chuyên môn và kiến nghị về tài chính. Với kiến nghị về chuyên môn, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã chấp hành. Với phần kiến nghị về tài chính, đến nay, doanh nghiệp bảo hiểm đang phối hợp với cơ quan thuế thực hiện.

Trước đó, tại kết luận thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm Prudential, Sun Life, BIDV Metlife, MB Ageas, Bộ Tài chính chỉ ra hàng loạt sai phạm của đại lý tư vấn bảo hiểm và yêu cầu tổng giám đốc doanh nghiệp bảo hiểm xử lý nghiêm, có văn bản báo cáo Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính yêu cầu 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ bổ sung hàng trăm tỷ đồng vào doanh thu để tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Số tiền này do doanh nghiệp hoạch toán chi phí chưa đúng quy định. Số tiền doanh nghiệp phải bổ sung vào thu nhập chịu thuế gồm: Prudential bổ sung 700 tỷ đồng, Sun Life bổ sung hơn 600 tỷ đồng, BIDV Metlife bổ sung 174 tỷ đồng và MB Ageas bổ sung 2,5 tỷ đồng.

 

Về thị trường trái phiếu, dữ liệu Bộ Tài chính cung cấp cho biết, hiện nay thị trường có 455 mã trái phiếu (cả trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ) niêm yết; quy mô giao dịch bình quân 9 tháng đạt 5,8 nghìn tỷ đồng/phiên, giảm 24,1% so với bình quân năm 2022.

Tính đến ngày 15/9, có 51 doanh nghiệp đã phát hành với khối lượng 123 nghìn tỷ đồng (giảm 60,4% so với cùng kỳ năm 2022); trong đó, doanh nghiệp bất động sản chiếm 46%;  53,7% khối lượng trái phiếu phát hành có tài sản đảm bảo; khối lượng mua lại trái phiếu trước hạn là 168,9 nghìn tỷ đồng (gấp 1,39 lần so với cùng kỳ năm 2022). Cơ cấu nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu là tổ chức trong nước (92%), nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng thấp (5,18%).

Kể từ khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 05/3/2023 về việc sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế có hiệu lực thi hành, khối lượng phát hành là 122,1 nghìn tỷ đồng.

Liên quan đến việc hoàn thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng gỗ trong 9 tháng năm 2023, ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, cơ quan thuế đã giải quyết hoàn là 2.352 hồ sơ tương ứng số tiền hoàn là 8.949 tỷ đồng, bao gồm 1.881 hồ sơ đã giải quyết hoàn trước, chiếm tỷ trọng 80% hồ sơ đã hoàn tương ứng số tiền hoàn thuế là 6.157 tỷ đồng; 471 hồ sơ đã giải quyết thuộc diện kiểm tra trước hoàn, chiếm tỷ trọng 20% hồ sơ đã hoàn tương ứng số tiền hoàn thuế là 2.792 tỷ đồng.

Lũy kế từ năm 2019 đến nay, cơ quan thuế đã giải quyết hoàn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ là 17.583 hồ sơ tương ứng số tiền hoàn là 69.650 tỷ đồng.

Số đang giải quyết thuộc diện kiểm tra trước hoàn là 87 hồ sơ, tương ứng số tiền đề nghị hoàn 802 tỷ đồng, bao gồm: 5 hồ sơ đã thẩm định chuẩn bị ban hành quyết định hoàn tương ứng số tiền là 59 tỷ đồng; 17 hồ sơ đã kết thúc kiểm tra, chuẩn bị thẩm định để ban hành quyết định tương ứng số tiền là 127 tỷ đồng; 65 hồ sơ chưa kết thúc kiểm tra tương ứng với số tiền là 617 tỷ đồng, trong đó bao gồm 48 hồ sơ trong thời hạn giải quyết tương ứng số tiền là 478 tỷ đồng, 17 hồ sơ còn lại đã quá thời hạn 40 ngày tương ứng số tiền là 139 tỷ đồng.

Cũng tại họp báo, Bộ Tài chính cho biết, 9 tháng năm 2023, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.223,8 nghìn tỷ đồng, bằng 75,5% dự toán, giảm 8,3% so cùng kỳ năm 2022 (thu ngân sách Trung ương ước đạt khoảng 77,9% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt khoảng 72,6% dự toán).

Trong tháng 9, cơ quan thuế, hải quan tiếp tục triển khai các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn ước tính đến hết tháng 9 khoảng 152,5 nghìn tỷ đồng (miễn, giảm khoảng 49,6 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 102,9 nghìn tỷ đồng).

Hoạt động xuất nhập khẩu 9 tháng giảm so cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tính đến 15/9/2023 đạt 461,1 tỷ USD, giảm 11,9%; trong đó kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá có thuế giảm 18,8% so cùng kỳ. Một số mặt hàng nhập khẩu có thuế đóng góp số thu lớn cho ngân sách giảm mạnh, tác động làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước khoảng 34 nghìn tỷ đồng so cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, tổng chi cân đối ngân sách nhà nước tháng 9 ước đạt 156 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế chi 9 tháng đạt khoảng 1.239,4 nghìn tỷ đồng, bằng 59,7% dự toán, tăng 14,1% so cùng kỳ năm 2022.

Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến ngày 26/9/2023, đã thực hiện phát hành 243,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 12,44 năm, lãi suất bình quân 3,38 %/năm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục