Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Ngành nông nghiệp có 3 thách thức lớn

17:48' - 28/12/2018
BNEWS Trước tình hình thế giới và nội tại, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn vẫn còn tồn tại 3 thách thức rất lớn.
Phát triển mô hình trồng rau thủy canh tại Trang trại nông nghiệp công nghệ cao DELCOFARM tại xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN

Tai Hội nghị trực tuyến Chính phủ và các địa phương tổ chức tại Hà Nội ngày 28/12, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, với sự chỉ đạo, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế, nông nghiệp đã có sự tăng trưởng đồng đều trong năm 2018.

Năm 2018, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã xuất khẩu đạt 40,02 tỷ USD, trong bối cảnh giá nông sản thế giới giảm 4%. Tỷ lệ xây dựng nông thôn mới đạt gần 43% số xã, vượt xa về số lượng đề ra và chất lượng cũng đã được tập trung hơn. Năm nay, thiên tai cũng không quá khắc nghiệt, thiệt hại khoảng 20.000 tỷ đồng.

Đánh giá chung về tình hình kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, với sự hội nhập và độ mở cao nên khi thế giới có bất kỳ tác động gì sẽ tác động ngay vào kinh tế Việt Nam.

Sau 10 năm cuộc đại khủng hoảng kinh tế, đến nay có một vấn đề bao trùm là tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn chưa hồi phục như trước khủng hoảng. Sau khủng hoảng kinh tế có hai điểm nổi lên trên toàn cầu.

Thứ nhất là các nước đều coi nông nghiệp là một điều kiện hạ tầng cần đầu tư, phát triển bền vững và coi đây là một trụ đỡ. Điều này đã tác động đến Việt Nam vì chúng ta là nước xuất khẩu nông lâm thủy sản. Thứ hai là xu hướng dựng lên các hàng rào kỹ thuật, bảo hộ mậu dịch và thậm chí biểu hiện bằng chiến tranh thương mại.

Trước tình hình thế giới và nội tại, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn vẫn còn tồn tại 3 thách thức rất lớn.

Thứ nhất đó là tính bền vững của sản xuất nông nghiệp trước tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai. Thiên tai tác động đến toàn bộ kinh tế nhưng nông nghiệp luôn là khu vực sẽ bị tổn thương đầu tiên, nông dân là đối tượng bị tổn thương đầu tiên. Điển hình, Nhật Bản đã gọi năm nay là năm thảm họa. Do đó, đây là thách thức lớn nhất.

Thách thức thứ hai là chuỗi giá trị nông sản trong tổ chức sản xuất. Hộ nhỏ lẻ chính là nguy cơ dẫn đến không kiểm soát được chặt chẽ, năng suất lao động rất thấp, hiệu quả kinh tế thấp và rất rủi ro về mặt thị trường.

Thứ ba là về thị trường xuất khẩu. Việt Nam đã đứng thứ 14 thế giới về xuất khẩu nông sản. Với những hàng rào kỹ thuật, chiến tranh thương mại còn diễn biến phức tạp. Đây là thách thức lớn khi chúng ta lấy xuất khẩu làm động lực.

Chính vì thế, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đồng tình rất cao với những nhiệm vụ, mục tiêu Chính phủ đề ra trong năm 2019.

“Đây là mục tiêu tích cực. Từ tiền đề này, tất cả các khu vực đều phải phấn đấu cao hơn”, Bộ trưởng đánh giá.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết sẽ cùng các địa phương, bộ, ngành và bà con nông dân làm sâu sắc hơn đề án tái cơ cấu nông nghiệp, đi vào chất hơn, cùng với việc đẩy nhanh chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, ngành cũng sẽ tập trung nhóm giải pháp đồng bộ để nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai, giảm thiểu thiệt hại./.

Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tích tụ ruộng đất
Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tích tụ ruộng đất

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục