Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Học phí" và "giá dịch vụ đào tạo" là hai vấn đề khác nhau

16:56' - 30/05/2018
BNEWS Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, qua 5 năm thi hành, Luật Giáo dục Đại học đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.

Sáng 30/5, các đại biểu Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học.

Nhất trí với đề xuất rà soát toàn diện và lựa chọn một số vấn đề cốt lõi để sửa đổi, bổ sung như Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tán thành việc tính đúng, tính đủ chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo theo cơ chế giá dịch vụ và cho phép cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định mức giá dịch vụ đào tạo đối với các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, Ủy ban không nhất trí việc thay thuật ngữ “học phí” bằng “giá dịch vụ đào tạo” như thể hiện trong dự thảo Luật và đề nghị cân nhắc sử dụng khái niệm "học phí" như quy định trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Đại biểu Quốc hội trao đổi trong giờ giải lao. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, qua 5 năm thi hành, Luật Giáo dục Đại học đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, trở thành những điểm nghẽn, là nút thắt trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học.

Việc xây dựng và ban hành dự án Luật nhằm chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập về điều chỉnh pháp luật đối với giáo dục đại học thời gian qua, góp phần đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Trả lời về việc Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội không nhất trí với thuật ngữ "học phí" đổi thành "giá dịch vụ đào tạo", Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định việc này không phải việc đổi tên, quy định gọi là giá dịch vụ đào tạo là căn cứ theo Luật giá.

Theo Bộ trưởng, tên gọi học phí là do mọi người quen với cách gọi truyền thống và mang nội hàm khác với giá dịch vụ đào tạo. Học phí không bao gồm tất cả các chi phí của dịch vụ đào tạo. Trong thực tế nếu dựa vào học phí thì còn thiếu rất nhiều các khoản thu hợp pháp khác để phát triển nhà trường, phục vụ đào tạo. Từ nội hàm khác nhau giữa giá dịch vụ đào tạo và học phí nên chúng tôi đề xuất tên gọi phải khác nhau vì hai vấn đề không phải là một.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, việc chuyển đổi từ cơ chế thu học phí sang giá dịch vụ đào tạo theo hướng tính đúng, tính đủ các chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo, và quy định này là căn cứ vào Luật giá.

Việc chuyển sang tự chủ có rất nhiều chương trình đào tạo phải tính đủ chi phí dịch vụ theo Luật giá. Tính đúng, tính đủ làm sao đảm bảo chất lượng phù hợp chi phí, hay nói cách khác chi phí tương xứng chất lượng. Tính toàn bộ để hạch toán theo tự chủ và đó là giá dịch vụ đào tạo.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng bày tỏ: dự thảo Luật vẫn đang trong giai đoạn Quốc hội họp bàn cho ý kiến. Mong rằng các đại biểu sẽ cân nhắc vì nội hàm hai khái niệm "học phí" và "giá dịch vụ đào tạo" có sự khác nhau nên cần tên gọi phản ánh đúng bản chất và trước hết phải theo pháp luật hiện hành - đó là Luật giá. Khi vận dụng sao cho phù hợp với thực tiễn, không sai Luật giá thì các cơ sở giáo dục sẽ hoạt động đúng pháp luật và thuận lợi hơn./.

>>>Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Tăng cường kỷ luật trong xây dựng pháp luật

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục